Hơn 20 năm công tác là ngần ấy thời gian ông Nguyễn Thanh Hà, kỹ sư điện tử viễn thông ở Đài Phát thanh Phú Yên hăng say làm việc, miệt mài “vật lộn” với các thiết bị để có những giải pháp kỹ thuật hay, tiện ích…
Kỹ sư Nguyễn Thanh Hà đang trực tiếp điều hành đài phát sóng - Ảnh: N.HÂN
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, kỹ sư điện tử viễn thông Nguyễn Thanh Hà về công tác tại Đài Phát thanh Phú Yên. Ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng và yêu mến. Yêu nghề, tận tâm với công việc và luôn đoàn kết với đồng nghiệp là những đức tính quý ở ông. Có được như vậy là nhờ bản thân ông luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngừng học tập nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn. Trong vai trò Phó phòng Kỹ thuật - Trưởng đài Phát sóng phát thanh, ông Hà đã có nhiều công trình lao động sáng tạo và đưa vào sử dụng có hiệu quả tại Đài Phát thanh Phú Yên.
Năm 2004, ông hoàn thành xuất sắc đề án “Di chuyển Đài phát sóng từ núi Nhạn lên núi Chóp Chài”, được Đài Tiếng nói Việt Nam đánh giá cao về tính hiện thực và đã di dời thành công toàn bộ hệ thống phát sóng phát thanh lên núi Chóp Chài. Trong quá trình thực hiện đề án, ông Hà không để xảy ra mất sóng phát thanh, tiết kiệm và làm lợi cho Nhà nước trên 200 triệu đồng. Năm 2008, Đài Phát thanh Phú Yên phát bốn kênh FM/ngày để phục vụ thính giả. Mỗi khi một máy phát FM bị sự cố thì việc chuyển đổi giữa các máy còn lại phải trải qua các thao tác xử lý qua hai bộ chuyển đổi, gây mất thời gian và làm gián đoạn các chương trình phát thanh, làm người nghe khó chịu. Ông Hà trăn trở, nghiên cứu và đã tìm ra giải pháp khắc phục. Đó là sử dụng một bộ chuyển đổi Pathpanel anten để thay thế ba bộ chuyển đổi đang có tại đài phát sóng, làm tốt nhiệm vụ đấu nối phát sóng và chuyển linh hoạt giữa bốn máy phát FM dùng hai hệ thống anten trong quá trình vận hành. Nếu một máy phát FM bị sự cố thì có thể chuyển đổi qua lại với nhau bằng một loại ULINK mà không ảnh hưởng lẫn nhau, khi đó máy phát FM bị sự cố vẫn có thể đấu nối với tải giả để sửa chữa khắc phục.
Tìm ra giải pháp tối ưu này là vấn đề khó khăn. Sau thời gian nghiên cứu tính toán, ông Hà đã mạnh dạn đưa ra giải pháp kỹ thuật mới, đó là sử dụng một bộ chuyển đổi (Pathpanel anten) bảy cổng dùng một kiểu ULINK để đấu nối, chuyển đổi phát sóng và sửa chữa giữa bốn máy phát sóng. Thực tế triển khai lắp đặt và ứng dụng bộ chuyển đổi bảy cổng tại Đài phát sóng phát thanh Phú Yên đã mang lại hiệu quả về mặt kỹ thuật, làm cho hệ thống thiết bị phát sóng FM dễ sử dụng, đồng bộ, không mất nhiều thời gian chuyển đổi, thời gian làm gián đoạn chương trình ít. Giải pháp kỹ thuật trên của ông đã làm lợi cho Đài Phát thanh Phú Yên trên 60 triệu đồng. Hiện tại ông đang tiếp tục nghiên cứu dự án “Giảm thiểu tầng suất sét đánh gây hư hỏng thiết bị kỹ thuật phát sóng”.
Nhận xét về đồng nghiệp của mình, ông Lê Thức, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Đài Phát thanh Phú Yên cho biết: “Lãnh đạo và đồng nghiệp trong đài luôn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, cũng như sự hăng say nghiên cứu, sáng tạo của kỹ sư Nguyễn Thanh Hà. Ngoài công tác chuyên môn, bản thân ông có hơn 20 năm tham gia công tác đoàn thể. Hơn bốn nhiệm kỳ làm phó chủ tịch, chủ tịch công đoàn cơ sở, ông luôn gần gũi, động viên các đoàn viên công đoàn tham gia tích cực các hoạt động, phong trào văn nghệ, thể thao và chính ông là một vận động viên bóng chuyền nhiệt tình của đơn vị”.
Với những nỗ lực của bản thân, mới đây kỹ sư Nguyễn Thanh Hà vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng thưởng Bằng Lao động sáng tạo, được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 3 trao giải nhì về giải pháp kỹ thuật sáng tạo, được Chủ tịch UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen. Khiêm tốn, tận tâm với nghề và miệt mài lao động, kỹ sư Nguyễn Thanh Hà là một tấm gương tiêu biểu, được đồng nghiệp quý trọng.
KHÁNH VY