Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký Quyết định 1123/2011/QĐ-CTN về đặc xá năm 2011. Theo đó, sẽ thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2011).
Những lần đặc xá là dịp tốt để mỗi phạm nhân suy xét lại lỗi lầm, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Quyết định nêu rõ, đối tượng đặc xá bao gồm: người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý.
Để được đề nghị đặc xá, các đối tượng trên phải có đủ các điều kiện: 1- Chấp hành tốt nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 2- Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn; ít nhất là 14 năm đối với hình phạt tù chung thân; 3- Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác trừ những phạm nhân không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc trên 60 tuổi nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.
Trường hợp có đủ điều kiện 1 và 3 nhưng mới chỉ chấp hành án phạt tù ít nhất là 1/4 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất là 12 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, cũng được đề nghị đặc xá nếu thuộc một trong các trường hợp: Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam; là thương binh, bệnh binh, người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc...; khi phạm tội là người chưa thành niên; là người từ 70 tuổi trở lên; là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc từ 60 tuổi trở lên thường xuyên ốm đau, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền; có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú; nữ phạm nhân đang có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam.
Các trường hợp không đề nghị đặc xá
Quyết định của Chủ tịch nước cũng nêu rõ, người có đủ các điều kiện được đề nghị đặc xá nhưng lại thuộc một trong các trường hợp: Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; trước đó đã được đặc xá; có từ 2 tiền án trở lên; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia; có căn cứ khẳng định là đã sử dụng trái phép chất ma túy... thì không được đề nghị đặc xá.
* Để triển khai Quyết định này, Chủ tịch nước cũng đã quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2011.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng làm Chủ tịch Hội đồng. Các Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các Bộ, ngành: Công an, Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện của người được đề nghị đặc xá và trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước; xem xét, thẩm định hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá...
Theo chinhphu.vn