Được đơn vị “ưu tiên” mấy ngày, trung tá Ninh Công Huân (Phó phòng Kỹ thuật - Bộ Chỉ huy Biên phòng Cao Bằng) vượt hơn ngàn cây số về Phú Yên, kịp có mặt ở nhà để “tiếp sức” cho cô con gái út trước ngày thi đại học. Con trai lớn cũng vừa kết thúc học kỳ thứ 4 tại Học viện Biên phòng ở Hà Nội, bắt đầu những ngày hè. “Vậy là gia đình 4 người lại có được những ngày sum họp. Đó cũng là khoảng thời gian ngắn ngủi trong năm, căn nhà đầy ắp tiếng cười và rộn ràng trong hạnh phúc”- trong ánh mắt rạng ngời niềm vui, đại úy Nguyễn Thị Kim Cúc, nữ quân nhân công tác ở Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên bộc bạch.
Gia đình đại úy Nguyễn Thị Kim Cúc trong ngày sum họp. - Ảnh: D.SƠN
Năm năm kể từ lúc chồng công tác ở xa, chị đã cố gắng làm trụ cột, vun vén chu toàn cuộc sống gia đình, chăm sóc, nuôi dạy hai con. Niềm nhớ thương chồng, lo lắng cho con vẫn khiến chị hàng đêm thao thức, song chị thổ lộ: “Mình cảm thấy phần nào yên tâm về hai đứa con với những bước chân đầu tiên vào đời”.
Sau 2 năm học tập, tôi rèn tại Học viện Biên phòng, Ninh Công Tân, cậu con trai lớn của chị Cúc giờ đã là một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, phong thái chững chạc, tự tin. Tân đã biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương mẹ nhiều hơn. Tân hào hứng kể: “Học ở trường lính, cháu quen với việc lao động, dọn dẹp, sắp xếp để nơi ở của mình ngăn nắp. Giờ về nhà thấy việc là cháu muốn làm ngay, đỡ đần cho mẹ bớt vất vả”. Rồi Tân tâm sự: “Khi cháu bắt đầu vào học cấp 3, ba công tác ở xa nên mẹ đã rất vất vả để dạy dỗ, nuôi hai anh em khôn lớn. Giờ học xa nhà, nằm suy nghĩ, cháu thấy mình may mắn vì có mẹ. Nhờ có mẹ đồng hành, chia sẻ và định hướng, cháu đã lựa chọn đúng con đường đi cho mình để có được tương lai vững vàng. Mẹ là điểm tựa để cháu luôn vững tin trong hành trình vào đời”.
Cô con gái út Ninh Thị Mỹ Dung vốn học giỏi và đam mê văn nghệ. Ngoài những buổi đi học, cháu thường tranh thủ đến các câu lạc bộ để tham gia sinh hoạt hay ngồi hàng đêm nghe những bản nhạc mà mình yêu thích. Ngày ấy, khi thấy con chuẩn bị thi vào cấp 3 mà vẫn chưa “tăng tốc” cho việc học, chị hoang mang. Vậy nhưng, cố nén lòng, chị bình tâm ngồi hàng giờ nghe con nói về sở thích. Chọn giải pháp “đấu hòa”, chị tìm hiểu những điều mình chưa biết trong niềm đam mê của con để có thể chia sẻ với con. Bất ngờ, nể phục trước sự thông hiểu và phân tích sâu sắc của mẹ, cô bé quyết tâm sẽ học thật tốt, sau khi tốt nghiệp cấp 3 sẽ chọn thi vào một trường đại học và một trường văn hóa nghệ thuật. Ba năm học cấp 3, Dung học khá giỏi. Năm 2010, Dung tham gia cuộc thi “Tiếng ca học đường” do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức và đoạt giải 4.
Chia sẻ niềm vui trong ngày về thăm nhà, anh Ninh Công Huân tự hào thổ lộ: “Nhiệm vụ ở đơn vị khá nặng nề nên hai vợ chồng thường tâm sự với nhau trên điện thoại chứ tôi ít có điều kiện về thăm con, giúp vợ. Là người mẹ, cận kề bên con mỗi ngày, vợ tôi có cách dạy dỗ con đúng mực. Và, chính cuộc sống, tinh thần làm việc nghiêm túc của người mẹ là một hình mẫu để dạy con. Nhờ có điểm tựa vững vàng ấy mà bao năm công tác ở xa, tôi hoàn toàn yên tâm về gia đình của mình để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
DIÊN SƠN