Họ là những quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác (TP Tuy Hòa). Công việc hàng ngày của họ là quét dọn, làm đẹp cho nghĩa trang, chăm lo mộ phần liệt sĩ, làm ấm lòng thân nhân liệt sĩ và tiếp đón khách đến thăm viếng. Với họ, công việc thầm lặng này là trách nhiệm, cũng là cách để tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống.
Các quản trang đang làm vệ sinh quanh các mộ phần liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông tác. – Ảnh: H.MY
Gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác đã hơn 20 năm, anh Tự có nhiều kỷ niệm với nơi này. Nhớ về những ngày đầu được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân công đảm nhận vai trò quản trang tại đây, anh Tự chia sẻ: “Những hôm trực phải đi tuần một mình vào đêm khuya, đối diện với hàng ngàn ngôi mộ nằm lặng yên, nhiều lúc tôi cũng sợ và muốn… bỏ chạy về phòng. Nhưng lâu dần, khi đã quen với công việc và suy nghĩ bằng một cái tâm biết ơn những người có công với nước, tôi gắn bó với nơi này ngày một sâu đậm”. Trong những năm làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, anh Tự đã nhiều lần tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang. Mỗi năm, anh và các đồng nghiệp của mình tham gia quy tập, trả lại tên cho trên dưới 30 liệt sĩ .
Là người đảm nhận công việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, những người quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác thuộc làu vị trí mỗi ngôi mộ như lòng bàn tay; chỉ cần nói tên, là các anh đưa đến chính xác mộ phần. Những người quản trang ở đây sẵn sàng bố trí, sắp xếp và hướng dẫn khi thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, bất kể vào thời gian nào; nhiều lúc đang đêm các anh phải bật dậy vì có thân nhân liệt sĩ từ nơi xa đến. Có lần, mới chỉ 3g sáng, gia đình ông Nguyễn Xuân Hào quê ở huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đã vào thăm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Ước hay có khi, mới chỉ 2g sáng ngày mùng một Tết, đoàn công an huyện Tây Hòa đã gõ cửa nghĩa trang, vào viếng mộ các liệt sĩ. Mặc dù bị đánh thức vào lúc đang say ngủ, nhưng những người quản trang ở đây vẫn niềm nở, tận tình tiếp đón.
Người gắn bó lâu nhất với nghĩa trang hơn 30 năm, là thương binh Nguyễn Văn Cường (62 tuổi, ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), nay đã về hưu. Còn người trẻ nhất vừa vào đây làm được 4 tháng là anh Lê Thành Tiên (22 tuổi), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Công việc quản trang thầm lặng và vất vả, ít ai muốn và dám làm. Nhưng khi trò chuyện với tôi, những người quản trang ở đây không ai có ý định bỏ công việc mà mình đang làm để đi tìm một công việc khác nhẹ nhàng và thu nhập cao. Với họ, đây không phải kế mưu sinh mà để bày tỏ lòng tri ân với các thế hệ cha anh và những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống...
HÀ KIỀU MY