Thứ Sáu, 04/10/2024 08:27 SA
Ðổi mới và phát triển dạy nghề:
Cần chung tay từ nhiều cấp, ngành
Thứ Sáu, 22/07/2011 07:30 SA

Trong những năm gần đây, công tác dạy nghề từng bước được đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao về nhân lực kỹ thuật phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

 

nghe-dien110722.gif

Học nghề Điện dân dụng tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: T.HẰNG

 

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH PHÂN LUỒNG HỌC SINH HỌC NGHỀ

 

Tại hội thảo Đổi mới và phát triển dạy nghề do Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông phối hợp Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt (TP Tuy Hòa) mới đây, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực dạy nghề đã có nhiều ý kiến chỉ ra những tồn tại trong công tác dạy nghề hiện nay, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, việc tuyển sinh dạy nghề hiện nay gặp rất nhiều khó khăn mặc dù nhu cầu học nghề là lớn, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, nhất là đào tạo lao động có tay nghề trình độ cao. Nhiều cơ sở dạy nghề còn đào tạo dựa trên cơ sở, năng lực sẵn có; chưa chủ động tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, chưa hình thành các cơ sở dạy nghề chất lượng cao, có năng lực đào tạo các nghề có trình độ khu vực và quốc tế. Một trong những nguyên nhân mà việc dạy nghề hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đó là nhận thức của các cấp, ngành chưa đầy đủ về tầm quan trọng, nên chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến việc phát triển dạy nghề. Bên cạnh đó, Chính phủ, ngành, địa phương cũng chưa có chính sách đủ mạnh để phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học nghề. Hằng năm có đến gần 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và bổ túc THPT, trong khi tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề chỉ khoảng 5%. Đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề  cũng chưa có chính sách tiền lương, ưu đãi phù hợp…

 

Đánh giá chất lượng nguồn nhân lực nói chung và người lao động nói riêng của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, còn nhiều bất cập, thách thức, yếu kém so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là làm sao khắc phục những yếu kém, bức xúc trong đào tạo nghề để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải có sự đổi mới để thực sự tạo bước đột phá về giáo dục đào tạo và dạy nghề. Đặc biệt, phải xác định được vai trò, trách nhiệm với nghĩa vụ của các trường dạy nghề trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

 

dien-cong-nghiep110722.gif

Thực hành điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên   - Ảnh: K.CHI

 

THU HÚT LAO ÐỘNG THAM GIA HỌC NGHỀ

 

Thời gian qua, việc xã hội hóa dạy nghề đã đạt được kết quả bước đầu. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư thành lập các cơ sở dạy nghề. Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo cơ hội học nghề để mọi người có nhu cầu học nghề đều dễ dàng tham gia học; chính sách xã hội trong dạy nghề được coi trọng, ưu tiên dạy nghề cho người dân tộc thiểu số, người nghèo, tàn tật, bộ đội xuất ngũ, lao động thuộc vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, với yêu cầu của một đất nước công nghiệp, nền kinh tế nước ta cần một đội ngũ lao động kỹ thuật đủ về số lượng, có kiến thức, kỹ năng nghề với cơ cấu và trình độ phù hợp. Cả nước phấn đấu đến năm 2020 trong lực lượng lao động có 55% qua đào tạo nghề, trong đó cơ cấu lao động qua đào tạo nghề trình độ cao đẳng nghề nâng cao, cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 35%, sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng là 65%, khoảng 90% số người học nghề có việc làm và khoảng 70% có việc làm đúng với nghề được đào tạo.

 

Để thu hút được lực lượng lao động có tay nghề, theo các chuyên gia, trước mắt cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và xã hội về dạy nghề. Tăng cường thông tin tuyên truyền để toàn xã hội nhận thức đúng vai trò, vị trí của dạy nghề trong giải quyết việc làm. Các cấp ủy, chính quyền cần coi dạy nghề là một giải pháp đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống dạy nghề theo hướng thực hành và tăng cường phân luồng học sinh THCS, THPT vào học nghề.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng cho biết, một trong những giải pháp là cần phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Theo ông, Nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực dạy nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tiêu chuẩn giáo viên dạy nghề, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị, trường học, xưởng thực hành. Bên cạnh đó, một số ý kiến các chuyên gia đầu ngành cũng nhấn mạnh, để thu hút lao động tham gia học nghề thì các cơ sở dạy nghề nên mở rộng, chú ý đến những ngành nghề công nghệ cao; có những chủ trương chính sách đáp ứng nhu cầu học nghề phổ thông cơ sở. Đồng thời tổ chức nghiên cứu giáo dục cho người lớn để họ có nhận thức đúng đắn hơn việc định hướng cho con em vào học nghề…

 

KIM CHI

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek