Những năm gần đây, huyện Sông Hinh luôn dẫn đầu trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) của tỉnh. Nhiều địa bàn không có người sinh con thứ ba trở lên trong 5 năm liền, có nơi 7 năm liền.
Phụ nữ Sông Hinh đăng ký thực hiện KHHGĐ - Ảnh: T.THẢO
Ở huyện miền núi Sông Hinh, công tác DS-KHHGĐ được chú trọng từ nhiều năm nay và được đa số người dân hưởng ứng nhiệt tình. Số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt hơn 74%, số phụ nữ tham gia các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng đông, nhất là phụ nữ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ không còn mắc cỡ, e ngại khi đến khám phụ khoa và tự nguyện lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp. Từ đây, các khâu được xem là khó nhất trong công tác vận động, thực hiện các biện pháp tránh thai, giữ gìn gia đình hạnh phúc hay các công tác liên quan khác cũng theo đó mà nâng cao hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh, cho biết: “Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền huyện về công tác DS-KHHGĐ; sự quan tâm sâu sát của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh; đặc biệt là sự kiên trì bám địa bàn của đội ngũ cộng tác viên, các già làng, trưởng thôn buôn. Nhiều cộng tác viên gác việc nhà, đến từng gia đình trong thôn, buôn để vận động, khi có chị em nào đồng ý là đưa ngay đến trạm y tế thực hiện KHHGĐ bất kể trời mưa hay nắng. Sự nhiệt tình của cộng tác viên đã làm các cặp vợ chồng bảo thủ nhất cũng phải đổi ý”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng thực hiện dịch vụ KHHGĐ, huyện Sông Hinh đã đưa nội dung công tác dân số vào hương ước nhằm huy động sự tham gia của các đoàn thể và trưởng thôn, buôn để duy trì kết quả đã đạt. Rất nhiều trưởng thôn, buôn đã tích cực hưởng ứng. Rất nhiều thôn buôn nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba, điển hình như thôn 2A (xã Sông Hinh), 6 năm liền không có người sinh con thứ ba.
Ma K’ret, trưởng buôn Gao (xã Ea Lâm) cho biết: “Nhờ việc đưa công tác dân số vào hương ước mà đồng bào dân tộc thiểu số ý thức hơn trong việc chăm lo sức khỏe sinh sản cho bản thân. Ngày trước, nói chuyện thực hiện KHHGĐ với người dân tộc thiểu số là bị họ từ chối ngay nhưng nhiều năm nay, chúng tôi chỉ cần thông báo là họ có mặt”. Còn chị Nguyễn Thị Hợp, cán bộ DS-KHHGĐ xã Đức Bình Đông, cho biết: “Vận động được một người đi đình sản là khó vô cùng nhưng đó là chuyện ngày trước. Bây giờ, nhờ tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, nam giới trong xã đã ý thức được việc này”.
“Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các trưởng thôn, buôn và già làng thì khó mà duy trì tốt công tác dân số. Như trường hợp của buôn Hai K’lốc, buôn Dù - những nơi 4 năm liền không có người sinh con thứ ba. Tuy nhiên, do tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số là phải sinh cho được con gái để phục dưỡng cha mẹ nên họ đã bất chấp hương ước. Khi nhận được thông tin đó, các trưởng buôn đến vận động và các cặp vợ chồng hứa là sẽ không sinh con tiếp theo”- bà Trang cho biết thêm.
Về công tác DS-KHHGĐ của huyện Sông Hinh, bà Đỗ Thị Như Mai, Chi cục phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên, đánh giá: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền của huyện rất sâu sát, chặt chẽ nên những kế hoạch, chỉ tiêu đề ra đều đạt. Ngoài ra, phải kể đến sự nhiệt tình vào cuộc của các già làng, trưởng thôn, buôn. Không có họ tham gia thì đồng bào dân tộc thiểu số không mấy ai mặn mà với chính sách này. Nhiều năm liền, công tác dân số của huyện Sông Hinh được biểu dương, khen thưởng. Việc vận động người dân thực hiện đình sản rất khó khăn nhưng chỉ trong quý 1/2011, huyện Sông Hinh đã vượt chỉ tiêu tỉnh giao”.
MAI KIÊN