Thứ Năm, 03/10/2024 01:28 SA
Những tác động từ mất cân bằng giới tính
Thứ Sáu, 10/06/2011 11:00 SA

Tỉ số giới tính khi sinh ở Phú Yên tăng một cách bất thường, sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với dân số nói riêng và các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung.

 

nam-gioi-110610.jpg

Tác động đến nam giới, một giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính. - Ảnh: P.V

 

NHỮNG TÁC ÐỘNG XẤU

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tỉ số giới tính khi sinh ở Phú Yên luôn dao động trong khoảng 100-109 trong các năm từ 1999 đến 2005. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, tỉ số này luôn ở mức trên 110, có năm lên đến 112 (2008). Cùng với những con số biết nói này sẽ là rất nhiều hệ lụy.

 

Cụ thể, chỉ số này tăng dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Tình trạng này sẽ diễn ra dần dần và càng về sau thì số lượng nam giới thừa càng lớn do số lượng những người trong độ tuổi kết hôn ở các năm trước vẫn chưa kết hôn được. Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ dẫn đến xu hướng nam giới muộn hoặc không kết hôn, đặc biệt đối với những trường hợp nghèo khó, trình độ học vấn thấp; kéo theo độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam giới tăng lên. Vì thế, tỉ trọng dân số chưa kết hôn cũng sẽ tăng lên. Và tỉ lệ người già neo đơn, không nơi nương tựa, cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng trong tương lai cũng sẽ tăng lên.

 

Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ làm nam giới buộc phải tính đến việc kết hôn với người nước ngoài. Khi kết hôn với người nước ngoài mà không có tình yêu, không có sự tìm hiểu nhau kỹ càng, họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, thói quen sinh hoạt, quan niệm… Những điều đó sẽ dẫn đến xung đột và đe dọa đến hạnh phúc gia đình, làm gia tăng các vụ bạo hành giới (thể chất, tinh thần, tình dục) mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; tăng cao nguy cơ ly hôn.

 

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, tỉ số giới tính khi sinh (số trẻ trai sinh ra/100 trẻ gái) ở Phú Yên là 110,1 và năm 2011 là 111. Con số này vượt ngưỡng an toàn về tỉ số giới tính khi sinh (103-107) và có khả năng tiếp tục tăng.

Hậu quả của bạo lực giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe (thể chất, tinh thần) của người phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản; ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình và cả những dư chấn tâm lý tác động đến con cái. Bên cạnh đó, nam giới kết hôn muộn hoặc không kết hôn được sẽ có thể phải đối mặt với các rắc rối về tâm lý, tinh thần, tăng nguy cơ bệnh tật khi mà các nhu cầu tâm lý, tình cảm, sinh lý không được đáp ứng. Điều đó làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm; các nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS; tội phạm, tội phạm buôn bán phụ nữ dưới hình thức hôn nhân và ngay cả nạn nhân là nam giới vì thế cũng gia tăng.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, đến hôn nhân và gia đình, đến trật tự trị an xã hội. Một số ngành nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, y tá, may mặc… sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động.

 

Vấn đề đặt ra hiện nay là chính phủ, các tổ chức xã hội và mỗi cá nhân phải cùng nhau thực hiện các giải pháp nhằm khống chế mức tăng của giới tính khi sinh.

 

GIẢI PHÁP KHỐNG CHẾ BỀN VỮNG

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Phú Yên. Đó là, 93% dân số ở Phú Yên là dân tộc Kinh, theo chế độ phụ hệ, con trai là người nối dõi tông đường; chính sách dân số có từ 1 đến 2 con giải quyết tốt vấn đề về quy mô dân số, nhưng do tập quán trọng nam khinh nữ vẫn còn nên đã tạo sức ép lớn với việc lựa chọn giới. Việc cho phép nạo, phá thai dưới 14 tuần không hạn chế một mặt tạo hành lang pháp lý giúp các cặp vợ chồng nạo hút nhằm tránh sinh con ngoài ý muốn, mặt khác lại tạo cơ hội để họ lợi dụng thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi bằng cách loại bỏ thai nhi nữ. Các vấn nạn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới, đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và đặc biệt là trẻ em.

 

Để từng bước khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục DS-KHHGĐ đã xây dựng Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” từ năm 2011-2015. Mục tiêu cụ thể trong thời gian đến là tăng cường công tác truyền thông, nhất là những nơi làm dịch vụ siêu âm, nạo phá thai; chú trọng thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh. Đến năm 2015, có 90-95% các hành vi vi phạm quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi thuộc địa bàn dự án bị phát hiện và xử lý. Giải pháp hiệu quả nữa là, khuyến khích hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái, gia đình sinh con một bề là gái phát triển kinh tế, hỗ trợ điều kiện học tập cho các em bé gái.

 

Bên cạnh đó, chi cục sẽ chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sách, báo, văn hóa phẩm thực hiện các quy định về giới tính, đồng thời, tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn về những quy định của việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính…

 

Nếu tất cả các cấp, các ngành và đoàn thể phải vào cuộc, thực hiện đồng bộ các biện pháp trên thì đến năm 2015, tỉ số giới tính khi sinh ở Phú Yên mới trở lại cân bằng, sẽ tạo nên sự ổn định xã hội và phát triển bền vững.

  

Th.s Đỗ THỊ NHƯ MAI

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek