Trong thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp đã cố gắng tạo việc làm và thu nhập ổn định, đảm bảo lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội.
Cán bộ công đoàn cơ sở nhiều nơi đã tích cực, năng nổ hoạt động, động viên công nhân lao động làm việc, giúp đỡ tương trợ nhau trong lúc khó khăn, tham gia bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít chủ doanh nghiệp vi phạm chính sách, pháp luật, chưa quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động; công đoàn cơ sở một số nơi chưa làm tốt chức năng, vai trò, nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân chính là hầu hết cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, không chuyên trách, hưởng lương của doanh nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm, ít được doanh nghiệp tạo điều kiện. Trước thực trạng trên, ban chấp hành công đoàn cơ sở, mà người đứng đầu là chủ tịch, cần tập trung nâng cao kỹ năng tham gia, giám sát thực hiện chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động. Trước hết, chủ tịch công đoàn cơ sở phải nắm vững các quy định của pháp luật, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho người lao động hiểu biết Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ chính sách liên quan.
Chủ tịch công đoàn cơ sở đề xuất, phối hợp chủ doanh nghiệp và các bộ phận chức năng xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác bảo hộ; tích cực vận động công nhân chấp hành đúng quy định an toàn vệ sinh lao động trong khi làm việc. Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ công nhân lao động giao kết hợp đồng lao động với đầy đủ những nội dung về tiền lương, BHXH, BHYT, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, chế độ thôi việc, mất việc làm… trên cơ sở các quy định pháp luật.
Chủ tịch công đoàn cơ sở tham gia với chủ doanh nghiệp trong việc xây dựng thang, bảng lương theo hướng dẫn của Nhà nước, tổ chức lấy ý kiến cán bộ quản lý, công nhân lao động để tham gia xây dựng quy chế phân phối tiền lương, thu nhập, tiền thưởng đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Căn cứ trình độ, hồ sơ cá nhân hoặc bản hợp đồng lao động của người lao động, chủ tịch công đoàn cơ sở đề xuất với chủ doanh nghiệp những công nhân lao động đủ điều kiện về thời gian và thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ để nâng lương định kỳ đúng quy định; tham gia đề xuất với chủ doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề cho công nhân lao động; không ngừng nâng cao hiệu quả của việc xây dựng, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể theo cơ chế “4 thật” (đối tác thật, đàm phán thật, nội dung thật và thực hiện thật). Muốn vậy, chủ tịch công đoàn cơ sở phải nắm vững những nội dung cơ bản của pháp luật lao động và các văn bản liên quan để có năng lực, kỹ năng và bản lĩnh trong quá trình thương lượng, tiến tới ký kết và thực hiện. Đây chính là điều kiện tiên quyết để công đoàn tham gia giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động.
Bên cạnh đó, chủ tịch công đoàn cơ sở cũng cần phải làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, chủ động định kỳ tổ chức đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người lao động để thương lượng, hòa giải, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho công nhân lao động tự giác tham gia hoạt động công đoàn và hăng say trong lao động. Có như vậy mới vừa nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, công nhân lao động.
TRẦN NGỌC ẤN
(Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên)