Thứ Tư, 02/10/2024 19:29 CH
“Dòng họ tự quản” phát huy tác dụng
Thứ Tư, 25/05/2011 18:00 CH

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, hiệu quả mô hình “Dòng họ tự quản” ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) đã tác động tích cực đến cộng đồng dân cư, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống mới ở cơ sở.

 

bungA110525.gif

Hiện nay, Đảng ủy xã Ea Lâm đã mở rộng lên 6 tổ tự quản thuộc các dòng họ Nay, Ksor,  Hwing ở các buôn khác. Các tổ dòng họ tự quản đã giúp chính quyền xã Ea Lâm răn đe, giáo dục nhiều đối tượng theo Tin lành Đề ga. Đặc biệt vào tháng 4/2010, tổ dòng họ tự quản đã ngăn chặn kịp thời Nay Y Phan tập hợp, kích động nhiều hộ viết đơn đòi tiền đền bù không đúng thực tế ở buôn Bưng B. Bên cạnh đó, thông qua các tổ dòng họ tự quản, xã phát hiện 16 đối tượng theo Tin lành Đề ga ở địa phương khác đến móc nối, xúi giục, tuyên truyền trái phép.

Cũng như các buôn làng khác ở xã Ea Lâm, phần lớn cư dân của buôn Bưng B là đồng bào dân tộc Ê Đê, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, mâu thuẫn trong nhân dân thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, một số kẻ xấu lợi dụng móc nối, lôi kéo bà con nhẹ dạ, cả tin nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Trước những tình hình trên, Đảng ủy xã đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác dân vận như: củng cố xây dựng các chi hội đoàn thể vững mạnh, đào tạo cán bộ là người trong buôn, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, hội viên trong các buổi sinh hoạt. Đặc biệt, nhằm phát huy tối đa vai trò của người lớn tuổi, người đứng đầu dòng họ, cuối tháng 11/2008, Đảng ủy xã Ea Lâm đã thực hiện chủ trương xây dựng mô hình điểm “Dòng họ tự quản” ở buôn Bưng B với 3 tổ trong dòng họ Nay, họ Ksor và họ Hwing. Mỗi tổ có từ 3 đến 5 thành viên, tùy theo số hộ trong mỗi dòng họ; thành viên trong tổ là những người lớn tuổi và có uy tín. Các tổ tự quản thực hiện theo quy ước, quy chế với các nội dung như: xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong họ tộc, có thưởng phạt rõ ràng…

 

Ông Lê Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Ea Lâm, cho biết: Khi triển khai thực hiện mô hình này, khó nhất là đa số thành viên trong tổ là người lớn tuổi, không biết chữ, sự tiếp thu và hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào công tác xử lý, giải quyết các vụ việc vi phạm xảy ra còn nhiều hạn chế. Để tháo gỡ, Đảng ủy xã đã phân công cụ thể cho từng đảng viên phụ trách từng tổ, giúp các tổ viên xây dựng quy ước, truyền đạt những kiến thức về chủ trương, chính sách, pháp luật thông qua những công việc cụ thể, sát thực ở địa phương, duy trì sinh hoạt định kỳ, kịp thời báo cáo về Đảng ủy để có giải pháp chỉ đạo.

 

Ông Hiền cho biết thêm: Sau một thời gian ngắn triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến cộng đồng dân cư. Đến nay ở buôn Bưng B đã có hàng chục hecta đất sản xuất được chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như sắn, mía; người có bệnh đã đến trạm xá, không còn tình trạng đập bò, đập heo, bói cúng mỗi khi mắc bệnh; từng hộ gia đình đã có rào dậu, làm vườn rau, làm chuồng bò xa nhà; gần hai chục hộ dân đã tự giác dời đến nơi ở mới; trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm rõ rệt so với những năm trước.

 

Từ mô hình “Dòng họ tự quản”, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Ví như trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp mới đây, ngay từ 5g sáng, đông đảo cử tri đã đến nơi bỏ phiếu, tham dự lễ khai mạc, hát Quốc ca và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

 

Đáng chú ý, mô hình “Dòng họ tự quản” đã giải quyết tận gốc các vụ việc mâu thuẫn, bức xúc trong dòng họ, buôn làng. Điển hình như vụ việc ông Ksor Y Đon (thuộc dòng họ Ksor ở buôn Bưng A) vô tình hái một vài lá ke (lá cọ) trong rẫy ông Ksor Y Xe (thuộc dòng họ Ksor ở buôn Bưng B), nhưng gia đình ông Y Xe lại áp dụng luật tục lạc hậu, trái pháp luật, phạt gia đình ông Y Đon một con bò trị giá 5 triệu đồng và ngang nhiên đến chuồng bò nhà Y Đon dắt về. Nắm bắt kịp thời, Đảng ủy xã Ea Lâm cùng các thành viên tổ dòng họ tự quản đã đến nhà Y Xe kiên trì phân tích, giải thích. Cuối cùng Y Xe cũng nghe ra, tự nguyện đem trả Y Đon con bò, hai bên cùng uống ché rượu giảng hòa. “Nếu không giải quyết kịp thời, dòng họ hai bên sẽ có nguy cơ xích mích và đây cũng là điều kiện để kẻ xấu đến kích động, lôi kéo, làm phức tạp tình hình”- ông Y Đen, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm nói.

Theo ông Y Đen, mô hình “Dòng họ tự quản” góp phần rất lớn trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, ý thức chấp hành pháp luật của con em trong họ tộc, răn dạy con em trong gia đình, dòng họ không vi phạm pháp luật, vi phạm quy ước ở địa phương và tạo lên sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, làm giảm đáng kể các vụ việc vi phạm pháp luật và đơn thư khiếu nại ở địa phương. Ông Ma Bin, Phó ban Dân vận Huyện ủy Sông Hinh khẳng định: “Mô hình này cần được nhân rộng trong xã và toàn huyện. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời của các ngành các cấp, làm chỗ dựa tinh thần cho các thành viên tổ tự quản hoạt động ngày càng hiệu quả hơn”.

 

VĂN THÙY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek