Qua hơn hai tháng sinh hoạt, học tập và rèn luyện tại Ðại đội Huấn luyện cơ động Bộ Chỉ huy BÐBP Phú Yên, 49 tân binh BÐBP không chỉ thực sự hòa nhập với môi trường quân ngũ mà đã có sự chuyển biển tích cực trong việc rèn luyện, chấp hành điều lệnh, kỷ luật, xây dựng nhận thức tư tưởng, tác phong của quân nhân cách mạng.
Chiến sĩ mới ở Đại đội Huấn luyện cơ động BĐBP học ngắm bắn trên thao trường. - Ảnh: P.OANH
“LỚN DẦN” TRONG NẮNG THAO TRƯỜNG
Chúng tôi đến Đại đội Huấn luyện cơ động BĐBP Phú Yên vào sáng một ngày cuối tháng 4, khi đơn vị đang huấn luyện tân binh. Cái nắng gay gắt như lửa đổ xuống thao trường vẫn không làm giảm đi không khí khẩn trương và nghiêm túc của những đội hình đang tập luyện chiến thuật chiến đấu bộ binh. Những khẩu lệnh dõng dạc, mạnh mẽ của Đại đội phó Nguyễn Hồng Thái như kích thích sự phấn chấn của các chiến sĩ trẻ trong hàng quân. Theo mệnh lệnh của người chỉ huy, từng tiểu đội lần lượt bước vào vị trí thục luyện với sự giám sát, hướng dẫn của các cán bộ khung huấn luyện. Từng động tác: quỳ gối, tì vai, áp má, mắt dõi về hướng bia, lên đạn… được các chiến sĩ trẻ thực hiện thuần thục.
Binh nhì Trần Tuấn Kiệt (quê ở xã An Hòa, huyện Tuy An) vừa bước ra từ bệ ngắm bắn với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng vẻ phấn khởi lộ rõ. Kiệt nói: “Từ hôm vào huấn luyện đến giờ, bọn em đã bắn đạn thật một lần rồi. Nhớ lần đầu lên thao trường, lúc ngồi chờ được gọi lên bắn đạn thật, em hồi hộp quá. Vậy mà sau khi bắn phát đạn đầu tiên, thấy hưng phấn lắm, tay súng trở nên chắc chắn hơn, muốn bắn tiếp liền mấy phát nữa. Rút kinh nghiệm từ đợt bắn trước, em và các đồng chí cùng khóa quyết tâm tập luyện cho kỹ, làm đúng yếu lĩnh để có kết quả thật tốt trong lần bắn đạn thật sắp tới”.
Giờ giải lao giữa buổi tập, chúng tôi trò chuyện với các chiến sĩ trẻ của đại đội. Trong bộ quân phục dã chiến, binh nhì Nguyễn Võ Minh Hào trông rắn rỏi hơn nhiều so với tuổi của mình. Hào tâm sự: “Những đêm báo động hành quân hàng chục cây số mang ba lô, những ngày lăn lộn dưới thao trường nắng cháy rát da làm em thấm thía hơn bao giờ về sự gian khổ. Song cũng qua tôi rèn mỗi ngày mà thể lực được nâng lên, cảm thấy mình “lớn dần” lên về mọi mặt”.
Chỉ một thời gian ngắn trong môi trường quân ngũ nhưng hầu hết các tân binh tại đây đều nhận thấy mình có phần chững chạc, điềm tĩnh hơn trong ứng xử, nề nếp hơn trong tác phong và chín chắn trong suy nghĩ. Những bài học về xây dựng bản lĩnh chính trị, tác phong, kỷ luật của quân nhân, chức trách chiến sĩ, “11 chế độ trong ngày” như: giờ làm việc, giờ ăn nghỉ, giờ tăng gia, giờ đọc báo xem thời sự... đã thành quen thuộc trong nếp sinh hoạt của từng chiến sĩ, góp phần hình thành nên phong cách của người thanh niên trong quân đội.
“MỆNH LỆNH KHÔNG LỜI”
Đại úy Phạm Văn Chung, Chính trị viên Đại đội Huấn luyện cơ động, cho biết: Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, Ban chỉ huy đại đội xác định, trước hết phải giúp cho chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập môi trường quân ngũ. Chỉ huy đại đội và cán bộ các trung, tiểu đội thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của chiến sĩ mới để kịp thời giải quyết những vướng mắc về tư tưởng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức quân nhân cũng được đặt lên hàng đầu và là nội dung xuyên suốt nhằm xây dựng tình cảm, hình thành phẩm chất đạo đức và nhân cách của quân nhân cách mạng. Ngoài ra, đơn vị cũng chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp; tổ chức các thiết chế văn hóa phù hợp nhằm tác động trực tiếp vào việc bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất quân nhân. Song, đi cùng chủ trương chung là phương cách cụ thể của mỗi cán bộ huấn luyện trên nguyên tắc “Mềm mỏng nhưng cương quyết, gần gũi chân tình trong dạy dỗ, hướng dẫn nhưng nghiêm khắc trong xử lý khi vi phạm”.
Là cán bộ trực tiếp quản lý chiến sĩ mới, trung úy Dương Đức Tứ Hải, Trung đội trưởng Trung đội 2, cho biết: “Người cán bộ trực tiếp quản lý chiến sĩ mới phải nắm được tâm tư tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của chiến sĩ trong từng giai đoạn. Khác với chiến sĩ nhập ngũ đã lâu, chiến sĩ mới còn bỡ ngỡ nên cần hướng dẫn, động viên, uốn nắn cho anh em từ lời ăn tiếng nói đến cách xưng hô, chào nhau trong đơn vị quân đội. Và, cán bộ muốn nói để anh em nghe thì trước hết phải làm cho anh em thấy. Sự mẫu mực của người chỉ huy chính là mệnh lệnh không lời, là hình mẫu tốt nhất để chiến sĩ làm theo”.
PHƯƠNG OANH