Công nhân làm việc trong ngành Xây dựng thường đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động- Ảnh: N.HÂN |
Lực lượng an toàn vệ sinh viên (atvsv) hoạt động chưa có hiệu quả, chưa tạo được niềm tin đối với người sử dụng lao động, nên mức hỗ trợ còn thấp, chủ yếu chỉ mang tính tượng trưng...”. Đó là đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về những tồn tại, hạn chế sau 5 năm (2006-2010) thực hiện nq5b của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”.
ÐÔNG, NHƯNG CHƯA MẠNH!
Thực hiện nq5b của ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”, trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở, nhất là trong khối các dn. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay lực lượng an toàn vệ sinh viên cả nước có hơn 178.900 Người. Những địa phương và ngành đã tổ chức và chỉ đạo hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua. Một số Liên đoàn Lao động tỉnh đã liên tục tổ chức hiệu quả các hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi hằng năm kể từ năm 1998; luôn đổi mới hình thức thi an toàn vệ sinh viên làm cho các cuộc thi thu hút được đông đảo công nhân lao động tham gia, kể cả những người đến theo dõi và cổ động cho các an toàn vệ sinh viên; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị bàn và thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở đơn vị, dn trong ngành. Chính những kết quả tích cực của phong trào quần chúng, của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các ngành, địa phương trên đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện mối quan hệ giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn ở cơ sở, từng bước xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa trong DN.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả kể trên thì ở nhiều ngành và địa phương, phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động, hoạt động của an toàn vệ sinh viên vẫn còn khá nhiều hạn chế. Ở một số liên đoàn lao động địa phương, công đoàn ngành, có nơi, có thời điểm lãnh đạo các cấp công đoàn và người sử dụng lao động chưa quan tâm đầu tư cho phong trào, làm cho phong trào bị lãng quên hoặc chỉ mang tính hình thức. Tính hình thức đó đã làm giảm đi ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thúc đẩy công tác bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra rằng: một số liên đoàn lao động địa phương, công đoàn ngành triển khai thực hiện nq5b chưa tốt, còn mang tính phô trương. Phần lớn hằng năm chưa tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trong nghị quyết. Vẫn còn tình trạng cán bộ công đoàn cơ sở và công nhân lao động chưa biết về nội dung nghị quyết và các phong trào của tổ chức công đoàn trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động.
NÂNG CHẤT LƯỢNG MẠNG LƯỚI AN TOÀN VỆ SINH VIÊN
Để tiếp tục thực hiện nq5b về “đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề ra 5 nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động do các cấp công đoàn phát động lên một bước mới. Phong trào phải góp phần làm thay đổi cơ bản nhận thức về trách nhiệm của mọi tầng lớp trong xã hội nói chung và trong dn nói riêng đối với công tác bảo hộ lao động.
Phải làm cho việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động không chỉ đơn thuần là trách nhiệm, một việc làm bắt buộc mà phải trở thành ý thức, thói quen sống và làm việc của mọi người trong dn, tiến tới xây dựng “văn hóa an toàn vệ sinh lao động trong dn”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cấp công đoàn phải tập trung chỉ đạo công đoàn cơ sở thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên, tập trung nghiên cứu các mô hình quần chúng tham gia quản lý an toàn vệ sinh lao động ở các dn, xây dựng và nhân rộng nhân tố điển hình tiên tiến trong phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong chỉ đạo công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở xây dựng và nâng cao chất lượng mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại cơ sở, phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho an toàn vệ sinh viên. Các cấp công đoàn cần vận động chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động tạo điều kiện và đầu tư kinh phí cho phong trào, nhất là phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức, vận động người lao động và người sử dụng lao động tham gia hưởng ứng tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ hằng năm. Kèm theo đó, phải củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác bảo hộ lao động tại các cấp công đoàn, nhất là ở cơ sở để làm hạt nhân chỉ đạo hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
HOÀNG GIANG (LĐ)