“Ngôi nhà an toàn” là mô hình được Sở Lao động - Thương binh - Xã hội triển khai ở các địa phương trong tỉnh, giúp những gia đình nâng cao nhận thức, giảm được những nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em.
Trẻ em chơi trong một “Ngôi nhà an toàn”. - Ảnh: T.THẢO
NHÀ AN TOÀN, TRẺ CŨNG AN TOÀN
Đồng chí Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên nói rằng có những chuyện tưởng như đơn giản nhưng có thể gây ra tai họa khôn lường cho trẻ em. Chẳng hạn trẻ nhỏ thường rất dễ bị bỏng nếu gia đình sử dụng bình thủy chứa nước sôi lại để dưới đất; khi người lớn bưng thức ăn nóng vừa nấu, nếu không để ý chẳng may va vào trẻ đang chạy chơi sẽ khiến trẻ bị bỏng ngay; giếng nước trong nhà không có rào chắn thì vô cùng nguy hiểm với trẻ….
Qua điều tra của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, có hơn 50% trẻ bị TNTT xảy ra ngay tại ngôi nhà mình. Để giảm thiểu nguy cơ dẫn đến tai nạn với trẻ em, năm 2007, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội triển khai thí điểm thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ tại 9 xã, phường, thị trấn nơi có tỉ lệ trẻ em bị TNTT nhiều nhất. Mô hình được triển khai nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của các bậc phụ huynh về nguy cơ tiềm ẩn trong gia đình gây ra tai nạn cho con em mình; thay đổi thói quen trong sinh hoạt để ngôi nhà thật sự là nơi an toàn nhất cho trẻ như: dựng hàng rào xung quanh ao, giếng để ngăn trẻ không ngã xuống nước; xây dựng rào chắn ở ban công và cửa sổ chắc chắn an toàn; sắp xếp những đồ vật nguy hiểm ở ngoài tầm tay của trẻ; vật nuôi trong nhà phải được tiêm phòng…
Ông Đoàn Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã An Mỹ (huyện Tuy An), một địa phương nổi cộm về tình trạng trẻ bị TNTT, cho biết: “Mô hình được xã triển khai từ năm 2007, đến nay, 100% hộ gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi đã ký cam kết thực hiện xây dựng “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ. Nhờ thực hiện mô hình này mà từ 6 vụ TNTT trẻ em xảy ra năm 2006, đến nay xã không còn vụ nào”.
Đến thăm ngôi nhà của gia đình chị Ngô Thị Khanh, thôn Hòa Đa (xã An Mỹ) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cách sắp đặt, bày trí đồ dùng rất cẩn thận. Các dụng cụ như dao, kéo, các vật sắc nhọn… được để gọn gàng trên kệ tủ và chỉ người lớn mới với tới được. Nước rửa chén, dầu gội, sữa tắm… được xếp trên kệ tủ cao. Chị Khanh cho biết: “Mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ rất phù hợp với các gia đình có trẻ nhỏ như gia đình tôi. Nhờ có mô hình này mà gia đình tôi biết cách giữ an toàn cho con ngay chính trong ngôi nhà của mình”.
CẦN NHÂN RỘNG
Ông Vinh cho biết thêm: “Sau 3 năm xã thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, những gia đình có trẻ em đã nâng cao nhận thức về việc bảo vệ an toàn cho trẻ. Nhiều gia đình đã biết cách sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, nhiều ngôi nhà đã có cửa, cổng chắc chắn ngăn cách với đường, ngõ... Các bậc cha, mẹ và những người chăm sóc trẻ đã biết được các mối nguy hiểm xung quanh ngôi nhà và trong ngôi nhà có thể gây TNTT cho trẻ để loại bỏ bớt các hiểm họa, góp phần giảm thiểu TNTT trẻ em và tạo cho các em môi trường sống an toàn.
Còn theo ông Võ Cao, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), từ ngôi nhà an toàn các gia đình có trẻ em cũng sẽ ý thức đến cộng đồng an toàn. Qua đó, làm sao để đến trường trẻ cũng biết cách bảo vệ mình trước những yếu tố có nguy cơ xảy ra tai nạn. Do đó, mô hình này nhân rộng thì hiệu quả của công tác phòng chống TNTT trẻ em cũng sẽ tăng lên”.
Theo đồng chí Phạm Thị Tương Lai, huyện Phú Hòa là địa phương thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà an toàn”. Huyện đã đầu tư nguồn kinh phí của địa phương phủ kín 100% xã, thị trấn trên toàn huyện, góp phần đáng kể vào việc giảm tỉ lệ TNTT trẻ em, trong đó đặc biệt là giảm trẻ em bị đuối nước. Các huyện còn lại cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống TNTT trẻ em. Qua đó, mô hình “Ngôi nhà an toàn” đang được nhân rộng, sẽ góp phần làm giảm từ 40-50% số trẻ em bị tử vong do tai nạn. Năm 2011 này, các huyện còn lại sẽ được hỗ trợ triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại 2 xã có nổi cộm về TNTT trẻ em.
Mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng tránh TNTT trẻ em
1. Giếng, bể nước, chum vại, hố phân sâu phải có nắp đậy chắc chắn, an toàn.
2. Có bếp riêng, có cửa chắn đề phòng trẻ bị bỏng.
3. Phích nước nóng để nơi an toàn, trẻ em không sờ, với tới được.
4. Các vật dễ cháy nổ (ga, xăng, cồn, đèn, diêm…) để nơi an toàn tránh trẻ bị bỏng.
5. Dụng cụ điện phải an toàn. Ổ điện để lên cao trẻ em không với tới được đề phòng điện giật.
6. Không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn (dao, liềm, mảnh kính vỡ…) đề phòng cắt hoặc đâm vào trẻ.
7. Dụng cụ đựng hóa chất (thuốc trừ sâu, axit, thuốc tẩy rửa…), các loại thuốc phải có nhãn rõ ràng và để trong tủ có khóa hoặc để ngoài tầm của trẻ.
8. Cầu thang phải có tay vịn, ban công hoặc gác xép phải có cửa chắn phòng trẻ ngã.
9. Không để trẻ nhỏ chơi các vật dễ nuốt như: kim băng, các loại hạt, đồng xu, cúc áo... đề phòng mắc cổ, nghẹn đường thở.
10. Sàn gác, ghế đẩu trong nhà phải chắc chắn đề phòng gãy sập.
11. Lối ra suối, ao, hồ… phải có rào chắn đề phòng chết đuối.
12. Vật dụng để trong nhà như: xe máy, xe đạp, dao rìu, cung nỏ… để gọn gàng và an toàn.
13. Phải có mũ bảo hiểm cho trẻ để khi cần đi xe máy ra đường cùng người lớn.
PHẠM THÙY