Thứ Bảy, 05/10/2024 10:14 SA
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người di cư:
Cần nâng cao kiến thức cho các chủ nhà trọ
Thứ Sáu, 04/03/2011 14:00 CH

Hiện nay, lượng người di cư từ nông thôn ra thành thị, sống ở những khu nhà trọ ngày càng tăng. Bên cạnh các tác động về kinh tế - xã hội là những khó khăn, trở ngại trong thực hiện các chính sách, mục tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Do đó, ngoài việc nâng cao ý thức cho dân di cư, cán bộ làm công tác dân số cần nâng cao kiến thức cho các chủ nhà trọ.

 

lao-dong-di-cu110304.jpg

Tư vấn về CSSKSS-KHHGĐ cho lao động di cư. - Ảnh: P.V

 

CHỦ NHÀ TRỌ LÀ NHỮNG TUYÊN TRUYỀN VIÊN

 

Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: Hiện nay, hầu hết các phường đều có dân di cư từ nông thôn. Việc tuyên truyền và thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho dân di cư rất khó đạt hiệu quả. Nguyên nhân là họ ít khi sống ở một địa điểm cố định trong một thời gian dài nên rất khó quản lý. Hơn nữa, dân di cư thường chỉ khai báo tạm trú, tạm vắng với cơ quan công an địa phương, còn cán bộ dân số ở phường không thể nắm hết được, nhất là trong lúc các phường đều thiếu cộng tác viên (CTV) dân số.

 

Số trường hợp dân di cư sinh con thứ ba trở lên cũng không thể thống kê được bởi lẽ rất nhiều cặp vợ chồng di cư mới sinh con nhưng họ không làm giấy khai sinh tại phường đang tạm trú. Những lúc như thế, hơn ai hết, chủ cho thuê phòng trọ chính là những người gần gũi, chia sẻ, động viên họ thực hiện các biện pháp tránh thai.

 

Một khó khăn khác, theo chị Lê Thị Mộng Hồng, người có kinh nghiệm 20 làm CTV dân số ở khu phố Trần Phú (phường 8, TP Tuy Hòa) là dân di cư vẫn còn thờ ơ với các biện pháp KHHGĐ. Mỗi lần tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), hầu như chỉ có sinh viên tham gia, còn các hộ gia đình di cư thì chẳng mấy người đến.

 

Chị Huỳnh Khánh ở huyện Đông Hòa, một người buôn bán hàng rong, nói: “Với chúng tôi, những kiến thức, thông tin về CSSKSS, cách phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục hầu như là không có. Và do tính chất công việc nên ít có thời gian ở nhà. Vì vậy, các chị CTV nên cung cấp những kiến thức này cho các chủ nhà trọ, tối về họ lại truyền đạt cho chúng tôi”. Còn anh Hoàng Minh ở huyện Sơn Hòa, làm nghề chạy xe ôm ở bến xe Tuy Hòa, cho biết: “Tôi biết những kiến thức về CSSKSS, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục là nhờ chủ nhà trọ tuyên truyền”.

 

KHÔNG “KHOÁN TRẮNG” CHO NGÀNH DÂN SỐ

 

Cũng theo bà Đỗ Thị Như Mai, người di cư thường ở trong độ tuổi sinh đẻ. Đa phần, trình độ học vấn và chuyên môn, điều kiện sống, sinh hoạt, nhận thức về các kỹ năng CSSKSS... không cao. Do đó với họ, việc tư vấn về CSSKSS, các biện pháp KHHGĐ và phòng chống bệnh lây qua đường tình dục là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, công việc này gần như trông cậy hoàn toàn vào đội ngũ CTV dân số ở cơ sở. Do đó, dù rất cố gắng, họ cũng không thể quản lý, huy động, tư vấn được cho tất cả dân di cư trên địa bàn. Chính vì vậy, việc quản lý các cặp vợ chồng là dân di cư trong độ tuổi sinh đẻ không thể “khoán trắng” cho ngành Dân số mà cần có sự tham gia phối hợp của chính quyền địa phương và các cấp, ngành.

 

Mới đây, trong chuyến làm việc tại Phú Yên, Phó Giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Chiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, cho biết: Đối với Phú Yên, dân di cư còn ở mật độ trung bình nên hiện tại, để thực hiện hiệu quả chính sách dân số ở các phường, ban Dân số phường cần phối hợp với cơ quan chức năng khác tăng cường vận động đến tận cộng đồng. Trong đó, tập trung vào các chủ nhà trọ, chủ xí nghiệp, với mục tiêu đưa những người này trở thành CTV dân số; từng bước nâng cao kiến thức, hỗ trợ người di cư tiếp cận các dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế theo dõi, quản lý và thông báo về SKSS-KHHGĐ của người di cư giữa địa bàn đến và đi.  

 

Cũng theo Phó Giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Chiến, để người di cư thực hiện việc CSSKSS, các CTV dân số phụ trách địa bàn phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ và tư vấn liên tục, mọi lúc mọi nơi với phương châm “mưa dầm thấm lâu” thì mới mong có được kết quả tốt. Với những chủ trọ là những tuyên truyền viên, cần hướng dẫn người lao động tự do các vấn đề liên quan đến SKSS, tổ chức phát tờ rơi, giới thiệu các địa chỉ khám, chữa bệnh miễn phí hoặc giảm phí cho họ.

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lễ mừng thọ
Thứ Sáu, 04/03/2011 14:00 CH
Thù lao không tương xứng
Thứ Sáu, 04/03/2011 09:00 SA
Trà thảo mộc Dr Thanh đầy cặn
Thứ Sáu, 04/03/2011 07:35 SA
Cụ bà chết đuối khi giặt đồ trên sông
Thứ Sáu, 04/03/2011 07:30 SA
Giúp người nghèo vượt qua “bão giá”
Thứ Sáu, 04/03/2011 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek