Thứ Bảy, 05/10/2024 12:19 CH
Giúp người nghèo vượt qua “bão giá”
Thứ Sáu, 04/03/2011 07:30 SA

Cơn “bão giá” ngày càng mạnh khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người nghèo sống bằng cách làm thuê làm mướn, phải chạy ăn từng ngày. Làm sao để người dân nghèo chống chọi được với cơn “bão giá” và thật sự thoát nghèo?

 

cho-1110204.gif

Người dân nghèo phải chật vật, tính toán từng đồng khi chi tiêu trong cơn “bão giá”.- Ảnh: P.NAM

 

NGƯỜI NGHÈO THÊM KHÓ

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Sanh ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) từng thuộc diện hộ nghèo. Mấy năm trước, chị theo thanh niên trong làng đi làm phụ hồ. Sau đó vì sức khỏe yếu, chị phải nghỉ và đi bán bắp nấu dạo để kiếm tiền nuôi con ăn học. Chị cho biết: “Mỗi ngày đạp xe đi bán, tôi kiếm được khoảng 20.000 đồng, trung bình mỗi tháng tiết kiệm được từ 300.000-400.000 đồng”. Với thu nhập của chị kiếm được từ việc bán hàng rong và canh tác vài sào ruộng ở quê, gia đình chị được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. “Nay giá tăng, những người nghèo như bọn tôi là khổ nhất. Ngày trước, mỗi bữa ăn chỉ tốn khoảng 5.000 đồng, nay để ăn được như trước thì chi phí phải gần gấp đôi. Mọi thứ đều lên giá, vì vậy, đi bán cả tháng qua mà tôi cũng chỉ mới để dành được 200.000 đồng” - chị Sanh than. Với thu nhập hiện tại và sức tăng của giá cả các mặt hàng tiêu dùng, gia đình chị Sanh có nguy cơ tái nghèo.

 

Ông Đỗ Ngọc Trọng ở phường 4 (TP Tuy Hòa) làm nghề vá, sửa quần áo cũ tại chợ Tuy Hòa, nói: “Vợ chồng tôi sửa quần áo cũ mỗi ngày kiếm được khoảng 50.000 đồng. Với giá cả như hiện nay thì ngần ấy tiền không đủ chi tiêu trong gia đình. Trước đây, trung bình mỗi lần đi chợ, vợ tôi mua các thứ cho hai bữa ăn trong ngày khoảng 30.000 đồng, nhưng giờ đây cũng lượng thức ăn như vậy, phải tốn thêm hơn 10.000 đồng nữa. Để lo cho con ăn học trước cơn “bão giá”, vợ chồng tôi chi tiêu ít lại. Ví dụ lúc trước ăn sáng là ổ bánh mì thì bây giờ ở nhà lục cơm nguội hay ăn qua loa, đại khái thôi. Cuộc sống khó khăn, đành vậy...”.

 

Anh Lê Hữu Khanh ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) hằng ngày đạp chiếc ba gác xuống bến xe nội tỉnh, ai kêu gì chở nấy. Anh bộc bạch: “Tôi đạp ba gác gần 15 năm rồi. Cách đây 2 năm, vì làm nhiều giữa trời nắng gắt, con mắt bị nổ, phải mổ, giờ chỉ còn lại một con thôi. Vợ thì ở nhà lo mấy sào ruộng. Tính bình quân cả tháng, hai vợ chồng thu nhập cũng chỉ được gần một triệu đồng, rồi lo cho con ăn học nữa. Cuối năm 2010, xã có đi điều tra hộ nghèo, cận nghèo, gia đình tôi không nằm trong số đó. Nhưng sau tết, giá cứ lên như thế này, chắc gia đình tôi tái nghèo quá…”.

 

GIÚP NGƯỜI NGHÈO VƯỢT QUA “BÃO GIÁ”

 

Trước cơn “bão giá” như hiện nay, người nghèo phải tự điều chỉnh cho phù hợp như: cố gắng làm thêm, tiết kiệm trong chi tiêu, nỗ lực kiếm nghề có thu nhập ổn định… Anh Trần Đình Thưởng ở huyện Tuy An, nói: “Gia đình tôi được Nhà nước cho vay vốn hỗ trợ làm ăn được 5 triệu đồng để cải tạo vườn rau sạch, tăng năng suất. Nhờ đồng vốn này, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư thêm giống tốt, phân bón, kéo điện để tưới rau, tạm sống được. Tôi cố gắng dành dụm để trả nợ vay theo quy định”. Gia đình anh Hà Minh Xuân ở xã Xuân Sơn Nam(huyện Đồng Xuân) cũng thoát nghèo nhờ vay được vốn ưu đãi để chăn nuôi heo. Anh Xuân nói: “Nhờ đồng vốn vay xóa đói giảm nghèo, tôi nuôi heo, bán mỗi năm cũng được 20 con, lời được vài triệu đồng. Năm nay, heo có giá, tôi xin vay thêm vốn để mở rộng chăn nuôi”.

 

Nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã tích cực sản xuất, lao động để giảm bớt khó khăn trong cơn “bão giá”. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Yên, năm 2010, toàn tỉnh có 6.100 hộ vượt nghèo, 1.500 hộ nghèo phát sinh, giảm 4.600 hộ so với năm 2009. Tỉnh đã tổ chức 38 lớp dạy nghề ngắn hạn với 695 người nghèo tham gia, được đào tạo các ngành nghề: may công nghiệp, hàn, sửa chữa xe máy, lái xe và nuôi trồng lâm sinh; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 83.049 người nghèo; xây dựng 1.754 nhà cho hộ nghèo... để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ông Vũ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Yên, cho biết: Để hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, thời gian qua, các ngành chức năng chủ động xây dựng chương trình giảm nghèo, trong đó tập trung thực hiện các mô hình hỗ trợ về dạy nghề, hướng dẫn cách thức sản xuất, cho hộ nghèo vay vốn, tạo điều kiện vững chắc để hộ nghèo thoát nghèo bền vững; triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi cho từng gia đình nghèo, qua đó theo dõi và đánh giá từng hoàn cảnh để hỗ trợ họ thoát nghèo. Đặc biệt, để đối phó với cơn “bão giá” hiện nay, tỉnh đang triển khai hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ; giới thiệu, giải quyết việc làm trong nước và xuất khẩu lao động để bà con nghèo tiếp cận được các phương thức làm ăn giảm nghèo bền vững. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang thực hiện kế hoạch dạy nghề cho người nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong độ tuổi lao động từ đề án, chương trình mục tiêu quốc gia để giúp người nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek