Thứ Tư, 02/10/2024 07:31 SA
Phòng tránh lụt bão:
Cần chủ động từ cơ sở
Thứ Ba, 19/10/2010 16:00 CH

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, diễn biến thời tiết năm nay sẽ tiếp tục có những bất thường do tác động của biến đổi khí hậu. Rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão năm 2009, hiện 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã triển khai nhiệm vụ phòng tránh lụt bão năm 2010.

 

lut101019.jpg

Lũ lụt cuối năm 2009 gây ngập nặng ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) - Ảnh: K.DUY

 

Phú Yên có 73 xã, phường, vùng dân cư với 8.386 hộ dân có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi lụt bão, triều cường, lũ quét; hơn 7.200 tàu thuyền hoạt động trên biển có thể bị đe dọa khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Bên cạnh đó, hậu quả cơn lũ năm ngoái chưa khắc phục xong cũng đang là thách thức lớn cho công tác phòng tránh lụt bão trong năm 2010.

 

Nhằm nâng cao ý thức của người dân, cũng như tăng cường năng lực ứng cứu cho các lực lượng chức năng, đầu tháng 10, một cuộc diễn tập phòng tránh lụt bão quy mô lớn được triển khai tại thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Qua đây, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh một lần nữa kiểm tra kỹ năng hiệp đồng ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp và giúp người dân biết được họ cần phải làm gì để tự cứu mình khi thiên tai, bão lũ xảy ra. 

 

Một trong những khái niệm thường hay nhắc đến trong phòng tránh lũ bão là phương án 4 tại chỗ. Thế nhưng từ thực tế cơn lũ lịch sử năm ngoái xảy ra ở các huyện phía bắc, phương tiện tại chỗ hoàn toàn bị động, công tác dự báo càng bị động nên người dân đã không có sự phòng bị từ trước. Rút kinh nghiệm, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, tại các vùng xung yếu, người dân đã tự có những phương án phòng bị cho mình. Lúa sau khi thu hoạch xong đã được đưa đến những nơi kiên cố để gửi hoặc được cất lên cao. Những khu dân cư xa chợ, khó khăn về giao thông, nhiều hộ đã có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng cho cả nhà trong vòng vài tuần. Ở từng thôn, xóm vùng trũng thấp, vùng ven sông, người dân tự trang bị sõng nan để tránh lũ. Không khó khăn khi những ngày này đến các xã như Xuân Quang 2, An Dân, Xuân Sơn Nam... nhiều chiếc sõng nan mới đã được mang về để “chạy lụt”. Những người bơi giỏi được chính quyền địa phương vận động tham gia vào các tổ ứng cứu ở từng xóm, cụm dân cư cùng với thanh niên và dân quân. Những vùng xung yếu được chính quyền các địa phương quy hoạch đất để chuyển dân đến các nơi an toàn hơn.

 

Tại huyện Đồng Xuân, 4 khu tái định cư đã và đang được xây dựng. Riêng khu xóm Trường đã hoàn tất việc xây cất nhà cửa kiên cố, có khả năng chống đỡ được bão lớn. Tại đây, ngoài 44 hộ dân xóm Trường còn có 21 hộ dân nằm trong vùng xung yếu Gò Cốc ở phía bên kia nhánh sông Kỳ Lộ cũng đã được di chuyển trước mùa mưa năm nay. Còn tại huyện Tuy An và TX Sông Cầu, 8 khu tái định cư đã hoàn tất để chuyển các hộ dân ra tuyến sau hoặc nơi cao khi triều cường, lũ lụt xảy ra.

 

Theo ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thị xã, khó nhất hiện nay vẫn là phương tiện cứu hộ tại từng địa bàn và ở cấp huyện. Hầu hết các huyện ngoài vài chiếc canô công suất nhỏ, hầu như không huyện nào có được phương tiện tàu thuyền đảm bảo phục vụ công tác cứu hộ trong điều kiện nước lớn, chảy xiết và sóng to gió lớn. Vì vậy khi có sự cố xảy ra, phương tiện tại chỗ không đảm bảo cơ động trong điều kiện nguy hiểm mà phải chờ đến sự tiếp cứu của cấp tỉnh và quốc gia. Trước tình hình này, từ cuối tháng 7 năm nay, Bộ đội Biên phòng Phú Yên đã đưa 1 canô công suất 345CV và 2 canô công suất 75CV đến khu vực đồn Biên phòng 346 và cửa sông Bình Bá để phục vụ công tác cứu hộ ở khu vực bắc Tuy An và nam Sông Cầu. Các đội ứng cứu tại chỗ ở các thôn, xã cũng được huấn luyện những kỹ năng về cứu hộ, cứu nạn từ các chương trình dự án của nước ngoài, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và của tỉnh.

 

Điều đáng mừng là sau khi đã trải qua trận lũ lịch sử năm ngoái, tâm lý cảnh giác với lũ lụt được nâng cao trong nhân dân. Nhiều người cho rằng, năm nay, khi có thông báo bão lũ, người dân không đợi chính quyền vận động mà sẽ tự phòng bị và chủ động di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của gia đình. Vấn đề còn lại hiện nay là trang bị đủ phương tiện ứng cứu tại chỗ và nâng cao kỹ năng phòng tránh lũ lụt cho từng người dân, từng thành viên trong các đội ứng cứu tại chỗ. Đây vừa là phương châm, vừa là yêu cầu thiết thực trong mùa mưa bão.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek