Thứ Tư, 02/10/2024 19:32 CH
Một mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả
Thứ Ba, 12/10/2010 10:00 SA

Trong mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân về biên giới quốc gia và chủ quyền biển đảo, năm 2009, Đồn biên phòng An Ninh (Bộ Chi huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên) đã thành lập “Tủ sách biên phòng” (TSBP) tại trường phổ thống cấp 2, 3 Võ Thị Sáu (huỵên Tuy An). Sau một năm triển khai họat động, TSBP đã thể hiện hiệu quả tích cực của một mô hình “Dân vận khéo”...

 

sachBP101012.jpg

Đọc sách báo tại tủ sách biên phòng - Ảnh: P.OANH

 

MỞ MANG KIẾN THỨC

 

Cô giáo Ngô Thị Tường Vi, giáo viên phụ trách thư viện trường Võ Thị Sáu cho biết: “TSBP đã thu hút một lượng độc giả khá lớn. Có đến 70% học sinh cấp 3, đặc biệt là lớp 12 và hầu hết giáo viên dạy môn công dân, lịch sử, địa lý đã đọc gần hết các quyển sách trong tủ sách này”. Theo cô giáo Vi, đây là những quyển sách khá chuyên sâu nói về biên giới biển đảo, về chủ quyền lãnh thổ và về những tấm gương tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Ngoài ra, còn có một số tài liệu cung cấp kiến thức về pháp luật như: Luật Phòng chống ma túy, Luật Giao thông đường thủy, Luật Biên giới quốc gia; giới hạn các vùng biển; các nghị định, hiệp định của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển. Nhiều thầy cô giáo, học sinh trước đây cần tìm hiểu đã đi lục tìm nhiều chỗ để mua nhưng có tài liệu không thấy, giờ đã tìm được ở đây nên rất mừng.

 

Bên chiếc bàn đọc sách ở thư viện trường, nhiều học sinh say sưa đọc những mẫu chuyện trên Báo Biên phòng. Một số em lại lục tìm mượn tài liệu, sách để tham khảo mở rộng thêm cho các bài học của mình. Em Võ Thị Tú Trinh, học sinh lớp 12A trường cấp 2, 3 Võ Thị Sáu bày tỏ: “Môn Địa lý lớp 12 có phần học về biển, các vùng nội thủy, lãnh hải, về vùng chủ quyền biên giới biển đảo của đất nước. Em đã tìm thấy ở đây nhiều tài liệu bổ trợ, giúp em hiểu rất kỹ, nhớ chính xác vị trí tọa độ, giới hạn vùng biển Việt Nam và vùng biển các nước lân cận. Rất nhiều câu chuyện cụ thể, sống động về công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc, về người lính đang canh giữ vùng biển đảo, giúp em cảm nhận sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của cụm từ “Biên giới Tổ quốc”. Còn Nguyễn Văn Toàn thì tâm đắc với những tài liệu, những quyển sách thông tin về biển đang đọc. Toàn nói: Xóm em ở thôn 2, xã An Ninh Tây có nhiều gia đình làm nghề câu cá ngừ đại dương. Khi nghe các thông tin về một số tàu cá của ngư dân mình bị lực lượng chức năng các nước lân cận bắt giữ, bà con có phần lo lắng. Sau khi vào đây đọc báo, tìm đọc những tài liệu biên phòng nói về các hiệp định, nghị định, về giới hạn các vùng biển, em thông tin lại cho mọi người cùng nghe nên ai cũng yên tâm hơn khi đi biển.

 

NỖ LỰC CHO MỘT Ý TƯỞNG

 

Trung tá Lê Vàng, Chính trị viên đồn An Ninh, cho biết: Trong khi làm ăn trên biển, nhiều ngư dân còn lúng túng, chưa nắm bắt thông tin về các chủ trương chính sách, các quy định, quy chế khu vực biên phòng hay những điều luật về biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, vị trí giới hạn các vùng biển. Điều này gây khó khăn và tác động rất lớn đến quá trình làm ăn trên biển của bà con. Trung tá Lê Vàng nói: Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, không ai yêu biển bằng người dân hàng ngày trực tiếp có mặt trên biển.

 

Tất cả nguồn sống, cuộc mưu sinh đều từ biển. Thế nhưng để xây dựng “Thế trận lòng dân” một cách bền vững, để huy động được đông đảo quần chúng tham gia cùng với BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo thì không chỉ làm cho dân thực sự tin, yêu BĐBP mà còn phải giúp cho họ có kiến thức, nhận thức đúng về ý nghĩa thiêng liêng và trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền vùng biển…Trăn trở đó cũng là khởi nguồn để  đồn xây dựng mô hình TSBP tại trường PT cấp 2, 3 Võ Thị Sáu. Trung tá Lê Vàng cho hay: “Khi chúng tôi đặt vấn đề xây dựng TSBP, ban giám hiệu nhà trường đã nhiệt tình ủng hộ ngay. Để duy trì hoạt động, chúng tôi thành lập ban quản lý tủ sách gồm 7 người. Chức năng là theo dõi, tổ chức sưu tầm, bổ sung nguồn sách, từng bước nâng cao chất lượng của tủ sách và duy trì hoạt động đạt hiệu quả.

 

Cô giáo Ngô Thị Tường Vi thổ lộ: Mặc dù chỉ có 80 đầu sách cố định, song hàng tháng đồn  còn tổ chức luân chuyển báo, tạp chí và khoảng 30 đầu sách từ thư viện huyện Tuy An và thư viện Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh. Nhờ đó, tủ sách khá phong phú về chủng loại, luôn tạo sự hấp dẫn, thu hút cán bộ giáo viên và học sinh trong nhà trường đến đọc. Trung bình mỗi tháng đã có hàng trăm lượt cán bộ giáo viên và học sinh trong trường đến để đọc sách báo và trao đổi thông tin, mượn tài liệu. Một số em học sinh còn mượn về nhà để giúp người thân tìm hiểu, nắm bắt các vùng ngư trường, quy định của Nhà nước về hoạt động trên khu vực biển.

 

Mô hình TSBP không chỉ chuyển tải những kiến thức về biên giới, biển đảo cho tuổi trẻ học đường mà còn đưa đến cho bà con ngư dân trên địa bàn nhiều thông tin pháp luật hữu ích. Đây thực sự là một sáng kiến “Dân vận khéo” tích cực, huy động quần chúng tham gia vào sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới một vùng biển của tỉnh rất hữu hiệu.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek