Dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) cần hướng mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động, dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và khu công nghiệp...
Các sản phẩm được làm tại làng gốm Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) – Ảnh: N.QUANG |
Cho ý kiến chỉ đạo Đề án Dạy nghề cho LĐNT đến năm 2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề kết hợp giữa đào tạo với giới thiệu việc làm, hình thành thị trường việc làm; gắn việc hoàn chỉnh công nghệ đào tạo cho các ngành nông, lâm, ngư với trình diễn thao tác nghề và thực hành kỹ năng nghề; chú ý hướng dẫn người lao động biết lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần hướng mạnh việc dạy nghề cho LĐNT theo yêu cầu của doanh nghiệp; triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải đặc biệt quan tâm dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động; dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và khu công nghiệp; dạy những nghề đặc thù có đặt hàng của địa phương mà ở đó người lao động có thể làm việc độc lập; dạy nhóm nghề dịch vụ cá nhân ở địa phương theo nhu cầu thực tế, phục vụ cuộc sống cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, tiếp tục ký hợp đồng đặt hàng dạy nghề với các hội như: Hội Nông dân, Hiệp hội làng nghề, Hội Dạy nghề, Hội Làm vườn và hệ thống Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư... Hướng dẫn hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện, trung tâm học tập cộng đồng ở xã trong cả nước tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ký kết được ít nhất một hợp đồng đào tạo nghề theo địa chỉ với doanh nghiệp.
Theo chinhphu.vn