Liên tục nhiều tháng qua, trên địa bàn hai thôn Xuân Hòa và Xuân Lộc (xã An Xuân, huyện Tuy An) xảy ra tình trạng người dân các nơi khác đến khai thác đá xanh cỡ lớn, chẻ thành viên để bán làm vật liệu xây dựng.
Một đống đá lớn vừa được những người khai thác đá trái phép xới lên, chuẩn bị chẻ. - Ảnh: T.TRỰC
Hiện ở hai thôn nói trên có hơn 9 điểm khai thác. Đi dọc ĐT 650 qua hai thôn này, dễ dàng thấy những bãi đá ngầm dưới đất nay đang “phơi” mình ngổn ngang và cảnh người dựng lều tạm với những âm thanh phát ra chan chát từ tiếng đục đẽo của các phu đá. Được biết, người đến khai thác, vận chuyển, buôn bán đá ở đây trú các xã lân cận như An Dân, An Định và thị trấn Chí Thạnh. Họ dùng xe đào kéo đá âm sâu dưới lòng đất lên tập kết thành bãi, rồi chẻ bằng hình thức thủ công. Do không có vốn và thuế, các đầu nậu làm ăn sinh lợi nhiều nên số lượng người đến khai thác ngày càng đông, mức độ thiệt hại môi trường ngày càng trầm trọng. Những bãi đá lớn nằm bên đường từng giữ đất, giữ rừng bây giờ tan hoang, trơ trụi. Sau khi khai thác, họ ngang nhiên dùng xe tải vận chuyển đến bán lại cho các công trình xây dựng, mặc cho chính quyền và người dân địa phương ngăn cản.
Ngày 29/8, ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân cho biết: “Xã đã nhận được công văn của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy An về việc cấm khai thác các điểm khoáng sản trên địa bàn huyện. Trước đó, UBND xã cũng đã có thông báo, nhắc nhở trực tiếp nhiều lần đến những người khai thác nhưng do nhiều điểm khai thác nhỏ lẻ trong rừng nên tình trạng vi phạm vẫn cứ tiếp diễn hết điểm này đến điểm kia”. Cũng theo ông Sơn, cái khó nhất là cấp xã chỉ có thẩm quyền nhắc nhở, đình chỉ, xử phạt hành chính. Nhưng sau những lần đó, ông Sơn lại nhận được nhiều tin nhắn có nội dung tục tĩu, mạt sát, đe dọa cá nhân và gia đình ông.
Ông Sơn cho biết xã đã báo cáo với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy An, nhưng khi người của cơ quan này đến hiện trường làm việc thì những người làm đá bỏ trốn. Sau khi cơ quan chức năng về thì họ tiếp tục khai thác.
ĐÀO TẤN TRỰC