Một trong những hạng mục quan trọng trong đề án của Chương trình 135 là xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các thôn, buôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình 135 giai đoạn II sẽ kết thúc vào cuối năm 2010, thế nhưng đến nay vẫn còn 9 thôn, buôn trên địa bàn huyện Sơn Hòa chưa có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Thanh niên tình nguyện đang sinh hoạt tại nhà rông văn hóa thuộc xã
Sơn Hòa có 45 thôn, buôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, 36 thôn, buôn đã có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 9 thôn buôn còn lại chưa có, tập trung ở hai xã Sơn Hội và Cà Lúi. Ông Ma Ủy, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, cho biết: “Hiện tại chỉ 3/7 thôn, buôn của xã có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bốn thôn, buôn còn lại đang chờ Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Không có nhà sinh hoạt văn hóa, đồng bào thiếu chỗ hội họp, vui chơi, giải trí, cồng chiêng mua về phải gửi nhà già làng vì không có nơi để cất giữ. Cái bụng đồng bào luôn mong sớm có được một nơi như vậy”.
Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng hay còn gọi là nhà rông văn hóa là nơi để đồng bào họp hành, nghe phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đồng thời là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của buôn làng nhằm lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa cho con cháu đời sau. Với ý nghĩa quan trọng đó, trong những năm qua tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà rông để đồng bào có nơi sinh hoạt.
Tại Sơn Hòa, những nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng đầu tiên được xây dựng từ năm 2005, với kinh phí đầu tư 30 triệu đồng/nhà. Theo ông Nguyễn Văn Thân, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Sơn Hòa, số tiền này chỉ đủ để mua tôn, đinh và chi trả công thợ, còn vật liệu gỗ hoàn toàn do người dân đóng góp. Thời tiết khắc nghiệt ở miền núi đã làm cho phần hiên gỗ, cầu thang mục ruỗng gây mất an toàn khi sử dụng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo quản của địa phương còn hạn chế, khu vực nhà rông lại không có hàng rào bao quanh nên trẻ con, thanh niên thường xuyên vào phá phách, vẽ bậy. Tập tục thả rông trâu, bò, heo, gà của đồng bào cũng góp phần làm mất vệ sinh khu vực sinh hoạt chung. Trước tình hình đó, huyện Sơn Hòa đã tiến hành tu sửa, nâng cấp các nhà rông bị hư hỏng. Mỗi nhà rông xuống cấp được đầu tư 150 triệu đồng để sửa và làm mới hiên, cầu thang, xây trụ cổng xi măng, kéo lưới B40 dựng hàng rào bao quanh, dọn dẹp khu vực sân bãi, trang bị ảnh Bác Hồ, tivi. Đến nay, huyện đã tu bổ được sáu nhà rông. Năm 2010, huyện đã lập hồ sơ xin cấp kinh phí sửa chữa hai nhà rông ở thôn Nguyên Xuân (xã Sơn Nguyên) và buôn Hòa Ngãi (xã Sơn Định), số còn lại tiếp tục chờ kinh phí.
Ông Nguyễn Văn Thân cho biết thêm, khó khăn lớn nhất mà huyện đang gặp phải là thiếu nguồn vốn đầu tư để xây dựng. Muốn xây dựng một nhà rông văn hóa cần khoản kinh phí 200 triệu đồng. Sau khi chương trình 135 giai đoạn II kết thúc vào cuối năm nay, huyện dự định sử dụng nguồn vốn định canh định cư giai đoạn 2010-2012 để xây dựng nhà rông buôn Chơ (xã Krông Pa) và buôn Ma Giấy (xã Phước Tân). Số thôn, buôn còn lại chưa biết bố trí từ nguồn kinh phí nào, trong khi cử tri ở những nơi này liên tục kiến nghị. Địa phương đang rất cần sự hỗ trợ tích cực của tỉnh để đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi chưa được xây dựng nhà rông văn hóa có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần và không bị thiệt thòi so với những địa phương khác.
LÊ HẢO