NHÌN LẠI TÌNH HÌNH ĐÃ QUA
Thời tiết, khí hậu năm nay có dấu hiệu diễn biến bất thường theo chiều hướng phức tạp, dễ gây bất lợi đối với sản xuất, đời sống của người dân. Diễn biến thời tiết đang như một lời cảnh báo các địa phương dọc ven biển, nhất là các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Phú Yên.
Bão, lũ tàn phá xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) tháng 11/2009. - Ảnh: M.THÙY
Theo dõi một số năm gần đây, trực tiếp là cơn bão và trận lụt lịch sử cuối tháng 11 2009 làm chết 80 người, gây ra thiệt hại về tài sản vô cùng to lớn tại một số vùng trong tỉnh. Dù đã được các tỉnh, Trung ương và đồng bào cả nước giúp đỡ nhưng tình hình sản xuất, đời sống nhân dân vùng bị bão lụt vẫn chưa thể khôi phục bình thường. Riêng tại huyện Đồng Xuân đã có 35 người chết trong đó có 18 người dân xóm Trường thôn Triêm Đức xã Xuân Quang 2 cùng toàn bộ nhà cửa, tài sản bị lũ lụt cuốn sạch, một phần ruộng đất bị bồi lấp phải mất nhiều năm với nhiều công sức, tiền của mới có hy vọng giải quyết được. Tổn thất nhân mạng, tài sản do bão lụt năm 2009 gây ra đã vượt quá sức chịu đựng của người dân tại chỗ, thật sự đang để lại một gánh nặng đối với đảng bộ và chính quyền địa phương.
Lụt bão và hậu quả thiệt hại to lớn đặt ra một câu hỏi cấp bách tại tỉnh Phú Yên. Đó là tổn thất thuần túy do thiên tai bất thường gây ra hay do tác động từ nạn phá rừng của con người khi triển khai thực hiện các dự án kinh tế lâm nghiệp thiếu sự kiểm soát chặt chẽ? Sự đánh giá khác nhau giữa một bên là ngành chức năng, cấp có thẩm quyền và một bên là người dân tại chỗ không được giải quyết thỏa đáng đang khiến lòng tin giảm sút và biện pháp khắc phục trở nên lúng túng.
Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Biến đổi khí hậu ở Phú Yên, tình hình, tác động và ứng phó”. Các đồng chí chủ trì hội thảo nêu rõ yêu cầu xác định nguyên nhân trận lũ lịch sử năm 2009. Một số giáo sư và các cán bộ khoa học có tên tuổi trong cả nước đã vềø dự.
- Hầu hết ý kiến các giáo sư chỉ đề cập đến sự biến đổi khí hậu trên thế giới và ảnh hưởng của nó đến Việt Nam, kiến nghị chính phủ sớm có chủ trương, biện pháp cơ bản, lâu dài đối phó với tình hình… Tuyệt nhiên không có ý kiến nào nói đến Phú Yên. Càng đọc càng thấy các giáo sư thận trọng, khách quan, đúng mực và rất khoa học vì làm gì có sự biến đổi khí hậu riêng của một tỉnh, hơn nữa các vị ấy có thể chưa tiếp xúc với địa hình để biết rõ điều kiện địa lý như sông ngòi, núi non, rừng biển và tập quán sinh sống của người dân. Giá như các tham luận này được trình bày tại một sinh hoạt khoa học cấp quốc gia thì giá trị sẽ lớn hơn.
- Ý kiến của tổ chức khí tượng miền Trung và một số ngành chức năng, trong đó có tham luận của Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nêu khá dài về diễn biến tình hình, dẫn chứng nhiều số liệu chứng minh trận bão và lụt lịch sử cuối tháng 11/2009 gây thiệt hại lớn. Các báo cáo nói trên có đề cập đến sự cần thiết trồng rừng, bảo vệ rừng chung chung mà không hề chỉ ra hành động phá rừng từ triển khai các dự án lâm nghiệp mà người dân đang có nhiều ý kiến: Chính nó là đồng phạm gây ra lũ lụt lớn.
Số liệu phân tích từ các báo cáo khoa học nói trên dẫn chứng cường xuất lũ đo được tại Trạm Thủy văn Hà Bằng trong trận lụt vừa qua cao hơn gấp nhiều lần các năm trước đây nhưng lại quên rằng (hoặc không hiểu) Trạm Thủy văn Hà Bằng nằm ở vùng hạ du các lưu vực sông Cái, sông Con chính nơi rừng bị tàn phá không còn khả năng giữ nước mới góp phần dẫn đến thảm họa.
Người dân tại chỗ và nhiều cán bộ quan tâm đến việc này hoàn toàn không nhằm mục đích quy kết trách nhiệm mà cốt yếu muốn tìm đúng nguyên nhân để cùng nhau có giải pháp phòng ngừa, khắc phục cả trước mắt và lâu dài. Việc không dám nhìn thẳng sự thật và cố ý tránh né là không thể chấp nhận.
Tại cuộc hội thảo có báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu chỉ nêu thiệt hại mà không cung cấp được thông tin về diễn biến của bão lụt. Thực tế người dân tại chỗ đã chịu đựng cảnh nước lũ dâng ngay trong và sau các cơn mưa vùng ven lưu vực sông Cái, sông Con là vô cùng khủng khiếp. Xóm Trường nằm trên dải đất cao bị nước sông dâng lên nhiều mét chỉ trong thời gian rất ngắn, không kịp trở tay. Rõ ràng, do nhiều mảng rừng nguyên sinh kế cận bị phá trụi, và phát dọn trắng thực bì gây ra. Ai đã từng ở hoặc một lần đi ngang qua đường tỉnh lộ 6 từ phía nam Hòn Ngang Long Hà đến Lỗ Sõng, Suối Mây Phú Hội xã Xuân Phước đều không khỏi buồn lòng do phải chứng kiến nhiều đám rừng mò o bạt ngàn nơi đây bị phá sạch. Thiệt hại này hoàn toàn không hề nhỏ.
Còn ở phía nam tỉnh, với dòng sông Ba bao gồm một lưu vực rộng lớn lại được bổ sung nguồn nước từ các tỉnh Tây Nguyên và sông Hinh, sông EKrôngnăng có các công trình thủy điện đã cổ phần hóa thì “mạnh ai nấy xả lũ” bất chấp sự an toàn về sản xuất, đời sống nhân dân vùng hạ lưu. Các báo cáo tham luận tại hội thảo tuy không chứng minh sự thiệt hại do tình trạng trên gây ra nhưng cũng có được một kiến nghị tốt đối với cấp thẩm quyền cần lưu ý việc chỉ đạo, phối hợp điều tiết trong thời gian tới.
Thực ra, biện pháp công bằng và đủ mạnh phải ưu tiên bảo vệ an toàn tuyệt đối vùng hạ du. Đây là tiêu chí số 1 để hình thành các quyết định của cấp có thẩm quyền và phải quyết định sớm trước mùa bão lụt 2010 năm nay, không được chậm trễ.
Trận lụt lịch sử cuối tháng 11/2009 rất lớn lại chịu thêm tác động của nạn phá rừng, trực tiếp là việc khai thác tận dụng và phát dọn trắng thực bì, làm mất khả năng giữ nước khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng và tàn khốc hơn, gây ra thiệt hại quá mức to lớn. Ngành chức năng và các cấp trong tỉnh không thể không thấy trách nhiệm của mình, lại càng không nên đổ lỗi hoàn toàn do thiên tai gây ra.
CÔNG VIỆC CẦN LÀM TRONG THỜI GIAN TỚI
Mưa bão lũ lụt là một hiện tượng thiên nhiên, mỗi khi xảy ra, con người khó có khả năng chống đỡ nổi. Để hạn chế thiệt hại thì công tác phòng tránh là chính. Việc chống đỡ cần thiết phải làm theo phương châm “Bốn tại chỗ”, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải thật chu đáo. Mỗi khi có bão lụt xảy ra, mỗi cấp phải hoàn toàn chủ động tự chịu trách nhiệm.
Chủ động phòng tránh lụt bão của tỉnh ta trước tiên phải làm là kiên quyết chặn đứng nạn phá rừng của người dân, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ từng khâu của quá trình triển khai thực hiện các dự án kinh tế lâm nghiệp. Phải kiểm tra từ khâu giao nhận đất và thuê mua đất đến thiết kế trồng rừng. Nhất thiết không cho phép khai thác tận dụng gỗ, củi, phát dọn trắng thực bì. Phải chừa lại hoặc tổ chức trồng xen tại những vùng đất dốc có nguy cơ mưa gây xói lở. Những nơi đã lỡ phát dọn, nhưng chưa kịp trồng hoặc rừng trồng mới chưa kịp phát triển, khép tán cần tạo ngay mương rãnh thoát nước, hạn chế độ tuôn chảy tràn khi mưa có cường độ lớn. Rừng kinh tế đã trồng thì 5-7 năm sau cũng phải khai thác, do đó phải có thiết kế khai thác từ khi mới trồng như phân lô, tạo băng rừng và ấn định chu kỳ khai thác theo một quy trình bắt buộc. Kết hợp sự phát triển diện tích rừng trồng mới và rừng tái sinh, không để xảy ra tình trạng khai thác theo kiểu phát trắng trên diện tích lớn.
Kiểm tra để kịp thời đề ra biện pháp bảo vệ đất trồng trọt, huy động cả sức người và phương tiện cơ giới khôi phục ngay diện tích ruộng đất bị bồi lấp.
Từ thực tế lũ lụt các năm vừa qua, kết hợp quan sát nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thị trường, từng bước điều chỉnh cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị hàng hóa, tăng thu nhập và bảo vệ quỹ đất trồng trọt.
Trận lụt cuối tháng 11/2009 tại huyện Đồng Xuân và huyện Tuy An, có hàng ngàn con bò bị nước lũ cuốn trôi gây tổn thất không nhỏ với nhiều gia đình nông dân. Cần kiểm tra đưa lên cao địa điểm chuồng trại nuôi nhốt và bãi chăn thả để tránh lặp lại một việc không quá phức tạp. Yêu cầu bảo vệ sản xuất trong công tác phòng chống lụt bão, cụ thể là bảo vệ cây trồng, bảo vệ lương thực, các loại giống cây trồng đi đôi với bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm là rất quan trọng và rất cấp bách.
Làng mạc dân cư là vấn đề cực kỳ to lớn. Từ trước, xóm làng, dân cư sinh sống dựa vào ven sông nước, nhưng từ nay về sau do biến đổi khí hậu, sông suối thường xảy ra lũ quét, ven biển thường xuất hiện triều cường, sóng dữ hoặc nước biển dâng… Công tác phòng chống bão lụt phải làm cho người dân hiểu những thay đổi này để chuyển dần nếp nghĩ và tạo điều kiện giúp đỡ một số vùng dân cư từng bước di chuyển, tái định cư an toàn và ổn định.
Đi đôi với công tác phòng tránh và chống lụt bão, việc kịp thời khắc phục hậu quả sau khi bão lụt xảy ra cũng rất quan trọng và rất cấp bách. Việc kịp thời nắm chắc tình hình thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ tương trợ nhau để sớm ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất phải trở thành việc làm cần thiết, kịp thời của bản thân tại vùng bị nạn. Cần khắc phục ngay tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà phải chủ động, tự lực vượt qua.
Việc huy động nguồn dự trữ về tài chính, vật chất của Nhà nước để giúp dân ổn định nơi ăn, ở, đề phòng dịch bệnh tưởng như dễ làm nhưng trên thực tế không đơn giản. Theo số liệu của các đồng chí ở Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, thì tại Phú Yên cuối năm 2009 hiện có ít nhất 350 lều bạt mới nguyên cần đưa về giúp đỡ người dân vùng bị trôi, sập nhà cửa nhưng do cách tổ chức, quản lý, điều động, sử dụng chưa tốt nên loay hoay chỉ đưa được một phần rất ít xuống giúp dân, số còn lại vẫn nằm yên tại kho trong khi nhiều xóm làng, dân cư sau bão lụt và mưa vẫn phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”. Hy vọng thiếu sót này sẽ được khắc phục trong thời gian tới.
Có một vấn đề tế nhị cần đề cập, đó là trong mối quan hệ hợp tác bình đẳng của quá trình phát triển kinh tế và làm ăn lâu dài giữa các tập đoàn, công ty đầu tư trồng rừng và công ty cổ phần thủy điện tại Phú Yên với người dân địa phương luôn có trách nhiệm, quyền lợi như nhau. Mỗi bên đều có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ, nếu một bên gây ra thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thỏa đáng.
Trận lụt lịch sử cuối tháng 11/2009, ngoài nguyên nhân thiên tai còn có tác động của nạn phá rừng (Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu) và xả lũ (thủy điện sông Ba Hạ, Sông Hinh) gây ra thiệt hại không nhỏ đối với người dân. Tuy nhiên, vấn đề còn khá mới mẻ lại chưa được thống kê, phân tích, đánh giá đầy đủ, chính xác, nên cần có một cơ quan chủ trì do UBND tỉnh Phú Yên chỉ định cùng làm việc giữa các bên để có ý kiến bàn bạc dân chủ đi đến thỏa thuận hợp tình, hợp lý thể hiện rõ trách nhiệm.
Theo thiện ý của người viết bài báo này: Các công ty, tập đoàn kinh tế cần trích lợi nhuận hoặc cam kết sẽ trích lợi nhuận hỗ trợ đầu tư xây dựng một công trình văn hóa phúc lợi xã hội tại vùng người dân bị thiệt hại do lũ lụt gây ra trong năm 2009.
Chắc chắn một việc làm như vậy sẽ hợp đạo lý và củng cố mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa doanh nghiệp với địa phương, góp phần xây dựng, vun đắp cho lợi ích chung của đất nước.
NGUYỄN TƯỜNG THUẬT
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh