Thứ Năm, 28/11/2024 17:37 CH
Lại bàn chuyện bão lụt ở Phú Yên
Thứ Năm, 26/08/2010 16:00 CH

LỜI TÒA SOẠN: Mùa bão lụt đang đến. Từ thảm họa lớn cuối năm 2009, công tác phòng chống bão lụt ở Phú Yên đang được sự quan tâm, không chỉ của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh mà của nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cuối tháng 6/2010, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Biến đổi khí hậu ở Phú Yên, tình hình, tác động và ứng phó”, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lụt bão. Nhân dịp này, một số đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo tỉnh cũng đã có những bài nghiên cứu trao đổi và góp ý về công tác rất quan trọng này. Báo Phú Yên xin giới thiệu cùng bạn đọc tham khảo.

 

l9-100826.jpg

Bão, lũ cuối năm 2009 gây thiệt hại nặng nề đối với cho huyện Đồng Xuân - Ảnh: M.THÙY

 

I- CẢM NHẬN VỀ CUỘC HỘI THẢO

 

Mỗi năm một mùa lụt bão. Dù đến sớm hay muộn, ít hay nhiều, lớn hay nhỏ, không năm nào ông trời sai hẹn. Năm nay, có lẽ dự báo mùa mưa bão sẽ đến sớm nên lãnh đạo tỉnh đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học: “Biến đổi khí hậu ở Phú Yên: tình hình, tác động và ứng phó” (ngày 30 tháng 6 năm 2010). Toàn bộ diễn biến, kết quả cuộc hội thảo được Nguyên Trường tổng thuật - bài đăng trên Báo Phú Yên số 1085 ngày 5/7/2010.

 

Là người đề xuất kiến nghị lãnh đạo tỉnh nên có cuộc hội thảo khoa học để có cái nhìn thấu đáo về nguyên nhân thảm họa và cách phòng tránh, bài học rút ra từ trận lũ tháng 11 năm 2009 nên tôi cố đọc kỹ bài tổng thuật của Nguyên Trường. Có thể nói tác giả Nguyên Trường đã chuyển tải khá đầy đủ “cái thần” của cuộc hội thảo. Tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần bài báo nói trên, Tôi cảm thấy hình như tác giả bài báo còn thiếu chỗ nào đó (?). Vì theo chủ đề “Hội thảo khoa học biến đổi khí hậu ở Phú Yên: Tình hình, tác động và ứng phó”. Đương nhiên theo chủ đề như vậy, nội dung cuộc hội thảo sẽ có 2 phần: phần tình hình, tác động và phần ứng phó. Nhưng đọc đi, đọc lại tôi chỉ thấy các báo cáo được trích dẫn chỉ quan tâm đến phần một để lý giải “Đâu là nguyên nhân trận lũ lịch sử năm 2009 ở Phú Yên?”, còn phần 2, phần quan trọng nhất - phần ứng phó không thấy ai đề cập.

 

Theo nội dung trích dẫn trong bài báo thì, những ý kiến của một số diễn giả và báo cáo luận giải nguyên nhân lũ nghe không được thuyết phục lắm.

 

Ví dụ Thượng tá Nguyễn Văn Thảo nói: “Đất đai, thổ nhưỡng Phú Yên chủ yếu núi đá, khô cằn, đồi trọc, thảm thực vật mỏng (chưa đề cập đến rừng bị phá), với đặc điểm này khi mưa xuống đất không giữ được nước, cho nên tạo lũ rất nhanh”.

 

Có nhiều nguồn tài liệu để chứng minh thông tin mà tác giả đưa ra là không chính xác. Xin dẫn chứng nguồn tài liệu từ Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 đánh giá tài nguyên đất của Phú Yên như sau: “Tài nguyên đất Phú Yên khá đa dạng về nhóm, các loại đất phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau tạo ra những tiểu vùng sinh thái nông - lâm nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây trồng lâu năm vùng đồi núi”. (Diện tích núi đá chỉ có 18.360 ha chiếm khoảng 3,5%). Cho nên, phải nói là nguyên nhân rừng bị tàn phá làm thu hẹp diện tích rừng, làm mất khả năng phòng hộ, dẫn đến lũ sớm, lũ nhanh, lũ quét. Phải coi đó là nguyên nhân quan trọng, nếu không muốn nói nó là nguyên nhân chính, chứ tại sao lại “chưa đề cập đến”?.

 

Ý kiến của đồng chí Phó Cục trưởng Cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Trung ương nhận định: “Rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá sẽ làm suy giảm năng lực giữ nước, nên gây lũ lớn tập trung nhanh cho vùng hạ du”. Một nhận định hết sức chính xác. Nhưng, đồng chí cục phó cho rằng: “mưa rất to tại An Khê (Gia Lai) là 408mm và Vân Canh (Bình Định) là 842mm đã tạo lũ quét trên các sông Kỳ Lộ (Đồng Xuân), Sông Cầu (thị xã Sông Cầu) gây nên trận lũ lụt lịch sử ở các huyện thị ở phía bắc tỉnh” là không chính xác. Chỉ cần dẫn chứng tư liệu và ý kiến của 2 nhà khoa học phát biểu trong hội thảo thì sẽ thấy rõ.

 

Thứ nhất theo kỹ sư Võ Anh Kiệt, cao nguyên Vân Hòa đã chia 2 khu vực Sông Ba và sông Kỳ Lộ riêng biệt. Lũ từ An Khê đổ về Phú Yên chỉ qua lưu vực Sông Ba chứ không thể đổ ra lưu vực sông Kỳ Lộ và các huyện phía bắc tỉnh.

 

Thứ hai, theo số liệu của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên: Diện tích lưu vực sông Kỳ Lộ là 195.000 ha trong đó thuộc địa phận Phú Yên là 155.690 ha, thuộc địa phận Gia Lai và Bình Định là 39.310 ha (chiếm 20% diện tích toàn lưu vực). Vậy chắc chắn là mưa to ở An Khê và Vân Canh không thể gây lũ lớn, lũ quét cho các huyện, thị phía bắc tỉnh.

 

Đọc đoạn trích dẫn báo cáo khoa học của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên. Theo tác giả Nguyên Trường cho biết: “tham luận này không được ban tổ chức sắp cho đơn vị chủ quản trình bày tại hội thảo nên không nhận được ý kiến phản biện của các nhà khoa học”. Không được trình bày tại hội thảo, nhưng sẽ được đăng vào kỷ yếu hội thảo, cho nên nó vẫn là công trình khoa học chính thức của cuộc hội thảo. Nên phải đọc để hiểu. Thật lòng, đọc xong tôi thấy thất vọng.

 

Càng đọc kỹ, càng thấy thất vọng, vì cả đoạn báo cáo viện dẫn sách vở chỉ nhằm mục đích chứng minh trận lũ quét lịch sử năm 2009 tại Phú Yên là do trời mưa to, nước nhiều chứ không phải do hậu quả chặt phá, đốt rừng. Xin hỏi tác giả: Mấy ngàn ha rừng nghèo đã cấp cho công ty TNHH Bình Nam và Công ty CP Trường Thành Xanh phát dọn có phải là những đai rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu nhất của Lưu vực sông Kỳ Lộ không? Diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 119.790ha, bình quân đầu người 0,14ha và 0,38ha/lao động nông nghiệp. Trong đó: đất trồng cây hàng năm 107.643ha, chiếm 89,9%, đất trồng cây lâu năm 12.098ha, chiếm 10,1% (số liệu từ báo cáo tổng hợp QHTT kinh tế - xã hội Phú Yên đến năm 2020). Đương nhiên, đất sản xuất nông nghiệp ở Đồng Xuân gồm thành phần đất đồi dốc là chủ yếu rất hiếm đất bằng. Trong hoàn cảnh đó, nếu người dân và Đảng, Chính quyền địa phương không vì giữ rừng phòng hộ chắc họ đã phát dọn để lấy đất sản xuất từ lâu rồi.

 

Thất vọng bởi sự chờ đợi, những giải pháp ứng phó từ cơ quan chuyên ngành chủ chốt đưa ra thế nào nhưng không tìm thấy. Càng thấy thất vọng hơn khi người đọc nghĩ rằng: Ngành Nông nghiệp Phú Yên là người có trọng trách trồng rừng, chăm sóc rừng, giữ rừng, bảo vệ rừng; cũng là người trực tiếp chỉ huy, đương đầu ứng phó với bão lụt, trực tiếp chứng kiến thảm họa lũ lụt mà người dân đã gánh chịu, lại bình thản ngồi lật những trang sách viện dẫn để chứng minh rằng mình không có lỗi trách nhiệm.

 

Thật lòng tôi có cảm nhận, chủ đề trọng tâm của cuộc hội thảo chỉ lệch về một hướng “đâu là nguyên nhân của trận lũ lịch sử năm 2009 ở Phú Yên” và, cái nguyên nhân đã tìm thấy là do trời và do đất.

 

Nắng mưa là lẽ của trời. Trời mưa to gây lụt lớn, ngập sâu, nhưng nếu còn rừng sẽ không xảy ra lũ quét, đất lở. Chính con người chúng ta đã làm cho thiên tai trở thành thảm họa trầm trọng hơn.

Chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Chúng ta nên dũng cảm nhận lấy trách nhiệm. Từ lãnh đạo đến người dân đều phải có trách nhiệm. Để từ đó, chúng ta có trách nhiệm hơn với cuộc sống cộng đồng và với riêng mỗi chúng ta.

 

Thái độ dũng cảm nhận trách nhiệm có tác động rất lớn đến định hướng tư duy ứng phó. Nếu chúng ta đổ lỗi hết trách nhiệm cho trời, thì mặc dù ta khỏi trách nhiệm, (cũng chưa ai truy cứu trách nhiệm ai), nhưng lương tâm không thanh thản. Mặt khác sẽ dẫn đến một kiểu tư duy ứng phó thụ động theo cách nghĩ: “Trời làm đành chịu, ta làm sao chống được trời”; hoặc chí ít cũng là “mất bò mới lo làm chuồng”. Còn nếu ta dũng cảm nhận trách nhiệm, có nghĩa là việc kiểm điểm rút bài học kinh nghiệm phòng chống thiên tai sẽ khách quan hơn, sâu sắc hơn.

 

Nếu có một góp ý về tổ chức hội thảo, tôi nghĩ rằng: Cuộc hội thảo do tỉnh tổ chức không thuộc loại hội thảo khoa học lý thuyết, mà là thuộc loại hội thảo khoa học ứng dụng. Thành phần hội thảo mở rộng, ngoài những nhà khoa học có học vị, trình độ uyên bác, nên có thành phần “kỹ sư không bằng”, những lão nông kỳ cựu, họ có đời sống thực tiễn phong phú, đầy kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, chắc chắn họ sẽ góp phần bổ sung phong phú hơn cho cuộc hội thảo.

 

II- TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ỨNG PHÓ

 

Nói về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã nghiên cứu, chứng minh rằng tất cả những hiện tượng dị thường như: Einnino, Lanina, tan băng Nam Cực, trái đất nóng dần lên v.v… đều có nguyên nhân từ con người gây ra cả. Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên toàn thế giới xây dựng chương trình cắt giảm khí thải để làm giảm bớt hiệu ứng nhà kính của trái đất. Họ kêu gọi toàn nhân loại hãy bảo vệ và sống thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên.

 

Biến đổi khí hậu ở Phú Yên cũng không nằm ngoài thực trạng chung của toàn cầu và của quốc gia.

 

Nói đến biến đổi khí hậu ở Phú Yên, không thể không quan tâm đến sự biến đổi của rừng.

 

Bản dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ (2010 - 2015) đưa ra con số đánh giá độ che phủ rừng khá lạc quan 34,9%, nếu tính cả diện tích cây trồng phân tán là 41,3%. Đó là con số chỉ tiêu còn quá khiêm tốn so với yêu cầu phòng hộ bền vững. Tuy nhiên, tôi nghĩ: con số thực sẽ còn thấp xa so với con số báo cáo. Xin mời lãnh đạo hãy đi thị sát một vòng theo đường vòng cung từ dãy núi Đèo Cả đến Sông Hinh, qua Phước Tân, Vân Hòa đến Phú Mỡ, Làng Đồng, Phú Hải, Xuân Lãnh, Đa Lộc... rừng còn đâu?

 

Những cánh rừng đại ngàn một thời “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nay còn đâu nữa. Nếu không nhìn thấy đất trống, đồi trọc thì chỉ nhìn thấy núi xanh màu lá nhưng không thấy có cây.

 

Xin dẫn chứng một điển hình: Công trình thủy điện Sông Hinh, niềm tự hào của tỉnh Phú Yên. Hồ chứa của nó có dung tích khoảng 350 triệu m3 nước, nằm ở độ cao 115 mét. Những năm trước vành đai phòng hộ bao quanh bờ hồ ở phía đông là rừng nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ, thế mà nay đứng ở sân văn phòng nhà máy Thủy điện Sông Hinh phóng tầm mắt nhìn từ đỉnh Dốc Phường ở phía nam đến hút tầm mắt về phía bắc dãy rừng phòng hộ hồ thủy điện nay chỉ thấy toàn là đồi trọc, nương rẫy sắn.

 

Rừng phòng hộ xung yếu bảo vệ công trình thủy điện bị phá sạch không biết trách nhiệm thuộc về ai? Núi hết cây, trời mưa, núi lở, đập vỡ, đó chẳng phải là nỗi lo thảm họa hay sao?

 

Quan sát trong chuỗi thời gian vài chục năm lại đây, chúng ta thấy diễn biến tác động của biến đổi khí hậu ở Phú Yên biểu hiện các dạng như:

 

- Mưa lụt lớn, xảy ra dày hơn, thời gian xuất hiện đỉnh lũ rất nhanh, xuất hiện lũ quét nhiều hơn;

 

- Lụt úng cục bộ nhiều vùng hơn, nhiều vùng hàng bao đời không biết lụt, nay bị ngập thiệt hại do chủ quan, bất ngờ.

 

- Xói lở đôi bờ của các dòng sông diễn ra phức tạp hơn, nhiều điểm hơn, núi lở, lòng sông bồi lấp, khô kiệt dòng chảy về mùa khô.

 

- Mỗi khi có triều cường, gió to, sóng lớn làm xói lở vùng cửa sông, bờ biển diễn ra ngày càng ác liệt.

 

- Hạn hán, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao đột biến.

 

- Lốc xoáy, bão to, ác liệt hơn.

 

Ứng phó với thiên tai, bão lụt là những hành động của con người có ý thức nhằm phòng tránh tổn thất, rủi ro, hoặc làm giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Nó là công việc thường xuyên, cấp bách và lâu dài của mọi cấp chính quyền và người dân.

 

Phương châm công tác ứng phó là dựa vào nguồn lực tại chỗ là chủ yếu, lực lượng tăng viện là thứ yếu. Kế hoạch ứng phó nên có kế hoạch thường xuyên và kế hoạch chiến lược. Tổ chức rút kinh nghiệm ứng phó mùa trước, bổ sung kinh nghiệm cho kế hoạch mùa sau là việc làm thành nền nếp, cần tổ chức sớm và bổ sung kịp thời các biện pháp, tránh chủ quan.

 

Xây dựng bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn cảnh báo sớm, nhất là khu vực đầu nguồn của các con sông lớn. Như trên sông Kỳ Lộ nên bố trí ngay trạm đo mưa tại nhà máy thủy điện La Hiên.

 

Do địa hình có biến đổi, nên cho triển khai việc điều tra, rà soát, bổ sung các điểm đỏ (là những điểm xung yếu có nguy cơ thiệt hại khi bão lũ, triều cường, xói lở) trên bản đồ toàn tỉnh. Từ đó, cảnh báo cho người dân, giao nhiệm vụ cho chính quyền huyện, xã chuẩn bị phương án phòng tránh chủ động. Nơi nào có điều kiện, có kế hoạch di dời sớm ra khỏi vùng đỏ.

 

Tổ chức các đội xung kích ứng phó thiên tai tại thôn, xã, được tập huấn công tác cứu hộ, chuẩn bị phương tiện, trang bị cần thiết (sõng nan, phao cứu sinh, bao tải, đá hộc, túi thuốc cấp cứu...) do chủ tịch xã chỉ huy. Những vật tư, vật dụng, trang bị thiết yếu được ngân sách cân đối chi từ quỹ phòng chống thiên tai.

 

Về lâu dài, cần có một chiến lược dài hạn ứng phó tích cực, chủ động cho từng vùng. Ở vùng đồng bằng, ven biển, đầu tư đê, kè chống xói lở bờ sông, ven biển. Đặc biệt là ở những nơi xung yếu. Tổ chức di dời, tái định cư những vùng thấp thường xuyên bị ngập sâu, vùng các hẻm núi, triền dốc núi dễ sạt lở.

 

Ngoài việc chú trọng những vùng sạt lở ven sông, suối, có phương án dự phòng di dời, hoặc di dời sớm.

 

Cần chú trọng xây dựng và thực hiện chiến lược sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, làm tốt chức năng phòng hộ đầu nguồn.

 

Trước hết cần kiểm soát, quản lý số đồng bào di cư tự do từ phía bắc vào. Vì cần đất sản xuất họ phát, đốt rừng hết sức nghiêm trọng.

 

Trong báo cáo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của tỉnh xây dựng chỉ tiêu kế hoạch phát triển rừng rất lạc quan: “Phát triển quỹ đất lâm nghiệp đến năm 2010: 245.000ha, năm 2020: 310.000ha. Trong đó rừng phòng hộ: khoảng 122.000ha - 130.000ha. Phân bổ chủ yếu ở khu vực núi cao phía bắc, phía nam và phía tây thuộc địa bàn các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa và vùng ven biển” (trang 117 Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể... PY).

 

Thực tiễn phát triển ngành lâm nghiệp Phú Yên hơn 30 năm qua cho thấy luôn có sự tương quan tỉ lệ nghịch giữa dân số và đất lâm nghiệp. Dân số càng tăng thì đất lâm nghiệp càng giảm.

 

Quy hoạch đưa ra chỉ tiêu trong 10 năm tới tăng cho lâm nghiệp 65.000 ha? (mỗi năm 6500ha). Con số quá lớn, căn cứ thực tiễn kết quả trồng rừng của 10 năm trước ta có căn cứ để suy luận là tính khả thi của con số kế hoạch nêu trên là rất thấp.

 

Có thể hiểu đến năm 2020, cơ cấu kinh tế - xã hội Phú Yên đã bước vào giai đoạn công nghiệp. Nguồn sống của người dân nông thôn hiện nay chủ yếu bằng nông nghiệp, sẽ chuyển sang nguồn sống chủ yếu bằng công nghiệp và dịch vụ? Thật là thần kỳ. Chúng ta ước mong sao được như thế.

 

Nhưng hiện tại là hơn 70% dân số Phú Yên sống ở nông thôn đang phải luôn luôn đối mặt với vấn đề bát cơm manh áo hàng ngày. Nguồn sống vẫn là từ nông nghiệp là chủ yếu. Trong 10 năm tới chắc chắn không thể có biến đổi lớn về cơ cấu kinh tế - xã hội ở Phú Yên. Việc tranh chấp đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp sẽ còn tranh nhau quyết liệt.

 

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi Phú Yên chủ yếu là trên địa hình đất đồi, đất dốc, chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu: Mùa nắng bị khô hạn. Mùa mưa bị bào mòn, rửa trôi chất mùn, xói lở rất dữ dội.

 

Chúng ta chưa thật sự quan tâm đến tính đặc thù sản xuất nông nghiệp trên địa hình đất dốc. Cần xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn phát triển nông nghiệp miền núi Phú Yên bền vững theo 3 chủ đề sau:

 

1- Rà soát điều chỉnh quy hoạch, xác định cơ cấu cây trồng đáp ứng yêu cầu hiệu quả, bền vững, phù hợp cho từng loại địa hình, phù hợp với từng loại đất.

 

Ví dụ, ở vùng đất dốc thoải trồng mía là thích hợp, nhưng phải giảm diện tích trồng sắn, nhất là nên cấm trồng sắn trên đất dốc trên 30%.

 

Điều tra điển hình, xây dựng và nhân điển hình sản xuất nông lâm kết hợp. Mô hình Trên mít, dưới thơm ở Vân Hòa rất phù hợp với loại địa hình đất dốc có yêu cầu phòng hộ lớn, cây mít và thơm lại phù hợp với tất cả các loại đất ở miền núi. Mít và thơm cũng là cây trồng có hiệu quả kinh tế. Máy móc công nghiệp chế biến sản phẩm mít sấy khô, nước dứa ép đóng hộp trong nước chế tạo, kiểu dạng mi-ni (chế biến sản phẩm ăn liền đưa vào siêu thị thiêu thụ) phù hợp với kinh tế hộ và nông thôn. Tỉnh nên bố trí kinh phí khuyến nông, khuyến công để xây dựng mô hình Nông - Công nghiệp. Ngoài ra cần mở rộng nghiên cứu tìm kiếm loại cây ăn quả và cây công nghiệp khác như cây mắc-ca, cây ổi, cây cao su... Tuyệt đối không nên cho trồng rừng nguyên liệu bằng cây bạch đàn.

 

2- Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cho loại đất dốc, sao cho các đường cày, những hàng cây trồng góp phần hạn chế rửa trôi và xói lở đất.

 

Ví dụ áp dụng quy trình trồng cây không thẳng hàng theo đường sin hình chóp từ đỉnh xuống chân núi mà trồng hàng ngang theo hình tuyến nón có tác dụng giữ đất, giữ nước rất tốt. Hoặc theo kinh nghiệm bố trí vườn rừng của đồng bào: Từ lưng chừng dốc đến đỉnh đồi là vườn cây lâu năm. Phần đất dốc thấp dưới chân đồi trồng cây hàng năm.

 

3- Kiến thiết các ô, thửa đất sản xuất bền vững.

 

Đây là lĩnh vực mà lâu nay ta chưa quan tâm. Chúng ta chỉ mới quan tâm đầu tư cho kiến thiết, cải tạo đồng ruộng ở vùng đồng bằng mà chưa đặt vấn đề đầu tư kiến thiết bờ bao, bờ kè ô, lô, khoảnh cho đất dốc. Đặt vấn đề này mới nghe có vẻ xa lạ. Nhưng trong cội nguồn nền văn hóa, văn minh nông nghiệp của dân tộc ta có những công trình hết sức vĩ đại như: Hệ thống đê chống lũ ở đồng bằng Bắc bộ, hay các cánh đồng ruộng bậc thang ở miền núi đã trở thành biểu tượng cảnh sắc tuyệt đẹp của miền Tây Bắc. Ở Phú Yên, không biết hình thành từ đời nào những bờ đá xếp theo đường đồng mức ở Tuy An và một số nơi ở Sơn Hòa bảo vệ từng ô, thửa đất sản xuất hết sức chắc chắn.

 

Như trên đã nói, sản xuất nông nghiệp trên địa hình đất dốc ở các huyện miền núi Phú Yên là đặc trưng tồn tại lâu dài. Do vậy, kiến thiết đồng ruộng theo biện pháp xây dựng bờ kè, bờ bao bảo vệ đất sản xuất là vấn đề nên nghiên cứu, quy hoạch và có chủ trương đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch, thiết kế chia ô, thửa, nơi nào có đá, dùng đá xếp khan; nơi nào không có đá đắp bờ đất, trồng cây theo bờ bao kết hợp theo kiểu trên mít, dưới thơm; dần dần hình thành những bờ kè vững chắc. Nên coi việc đầu tư xây bờ kè, bờ bao như là đầu tư kiến thiết đồng ruộng ở đồng bằng, hay là như đầu tư cho một công trình thủy lợi, công trình phòng hộ đầu nguồn.

 

Nên tổ chức làm thử có kết quả điển hình để rút kinh nghiệm, đưa vào kế hoạch đầu tư chính thức. Cơ chế đầu tư nên áp dụng phương thức: Nhà nước và nhân dân cùng làm.

 

Một công việc không thể thiếu đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân về ý thức phòng tránh thiên tai. Phải tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục để tạo thành thói quen. Làm gì cũng phải nghĩ đến đảm bảo an toàn khi có bão lụt. Từng bước xây dựng thành ý thức cộng đồng, từng bước xây dựng các định chế về an toàn chống lụt bão phù hợp với thực tiễn của địa phương.

 

Tiến sĩ  NGUYỄN THÀNH QUANG

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek