Thứ Năm, 28/11/2024 06:40 SA
Phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng
Thứ Hai, 09/08/2010 19:00 CH

Bệnh sốt Dengue/sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti và muỗi Aedes alpopictus.

 

Để khống chế bệnh dịch SXHD, nếu chúng ta chỉ dựa vào việc phun hóa chất diệt muỗi khi có dịch thôi thì không hiệu quả và cũng không duy trì được lâu dài, một khi bọ gậy vẫn còn, đồng thời có thể gây nên hiện tượng côn trùng kháng hóa chất. Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng trong phòng và chống dịch SXHD không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia hợp tác của cộng đồng.

 

bo-gay100809.jpg

Cán bộ y tế vận động người dân phường 5 (TP Tuy Hòa) đổ bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết. - Ảnh: T.THẢO

 

Huy động sự tham gia của cộng đồng được coi là phần cơ bản trong hoạt động chống dịch và đây là những biện pháp có nhiều điểm lợi và mang tính bền vững nhất. Tuy nhiên, biện pháp này trước tiên phải được hướng dẫn, tuyên truyền cả cộng đồng thông hiểu, để mọi người có nhận thức đúng, cùng nhau hưởng ứng, chủ động thực hiện thường xuyên mới mong đem lại kết quả tốt. Trọng tâm là giáo dục cộng đồng về căn bệnh SXH và cách phòng ngừa việc truyền bệnh bằng cách kiểm soát véc tơ (muỗi) truyền bệnh chính là muỗi Aedes.

 

Để phòng chống SXH dựa vào cộng đồng chúng ta cần:

 

Một là: Tại xã, phường thành lập, củng cố và tập huấn cho ban chỉ đạo tuyến xã, phường bao gồm: chính quyền, y tế, giáo dục. Trạm y tế xã, phường dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của y tế dự phòng tuyến huyện, tham mưu cho ban chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn và theo dõi các hoạt động của cộng tác viên (CTV), đây là những người tình nguyện, họ có thời gian, uy tín và kiến thức. Tùy theo dân số của phường, xã mà phân cho mỗi CTV phụ trách 50-100 hộ gia đình trong khu dân cư. Hàng tháng, CTV tiến hành các hoạt động tuyên truyền, trực tiếp tham gia diệt bọ gậy nếu có tại các gia đình mình phụ trách, thực hiện cuốn chiếu vào những ngày trong tháng. Ban chỉ đạo tuyến xã, phường tổ chức định kỳ các chiến dịch tổng vệ sinh diệt bọ gậy ở từng hộ gia đình trong tổ, thôn, xóm. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về SD/SXHD như: Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh là do muỗi Aedes truyền bệnh bằng cách hút máu người bệnh có vi rút Dengue vào buổi sáng sớm và chập choạng tối truyền sang cho người lành gây nên bệnh. Triệu chứng của bệnh là sốt cao đột ngột kéo dài trong vòng 2-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau cơ, đau xương, khớp và nổi ban. Biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau như: dưới da, niêm mạc, nội tạng, gan to. Có thể tiến triển đến hội chứng choáng với các triệu chứng ta có thể nhận biết như: hốt hoảng, vật vã, da xanh tái, nhiệt độ tụt…; bệnh nhân có thể tử vong nếu không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

 

Hai là: Huy động sự tham gia của cộng đồng trong những công việc:

 

- Phát hiện sớm các trường hợp sốt trong cộng đồng: Trưởng trạm y tế, cán bộ chuyên trách SXH của trạm y tế, các CTV được tập huấn về các dấu hiệu nghi ngờ và chẩn đoán SD/SXHD, khi CTV phát hiện có bệnh nhân sốt nghi do SD/SXHD trong cộng đồng thì báo cáo ngay cho trạm y tế để xác minh ca bệnh, theo dõi điều trị hoặc giới thiệu lên tuyến trên.

 

- Làm giảm nguồn sinh sản của vectơ: Bọ gậy Aedes có thể phát triển ở các loại nước sạch và nước ít chất hữu cơ, nên quản lý dụng cụ chứa nước (DCCN) để làm giảm nguồn sinh sản là biện pháp tốt nhất trong phòng chống véc tơ.

 

- Quản lý dụng cụ chứa nước: Dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum, vại, khạp, xô, lu, bể nước mưa, cây cảnh, lọ hoa…): dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (có nắp đậy kín, súc rửa thường xuyên 1lần/tuần, thả cá…). Vệ sinh các dụng cụ chứa nước là biện pháp phòng chống SXH.

 

- Loại trừ ổ bọ gậy: Thu dọn các rác thải, các DCCN tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò bị vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa…): cho vào túi chuyển tới nơi thu gom rác, hoặc tiêu hủy bằng chôn, đốt. Úp ngược hoặc súc rửa thường xuyên các DCCN trong gia đình sau khi sử dụng như xô, chậu, máng nước gia cầm. Xử lý kẽ lá, các hốc cây có ứ đọng nước. Xử lý các bát kê chạn bằng cách cho dầu hoặc muối vào. Vớt lăng quăng để giảm nguy cơ gây dịch SXH.

 

- Chống muỗi đốt: Ngủ màn ban ngày, nhất là đối với trẻ nhỏ.

 

- Diệt muỗi, xua muỗi: Dùng bình xịt cá nhân, hương diệt muỗi, vợt muỗi, hun khói bằng đốt vỏ cau, dừa hoặc lá cây.

 

Nếu mỗi cộng đồng dân cư đều thực hiện đồng loạt, thường xuyên các biện pháp trên thì sẽ: “Không có bọ gậy, không có bệnh sốt xuất huyết”.

 

Bác sĩ  ĐOÀN HÙNG ÁNH

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nữ tài xế taxi
Chủ Nhật, 08/08/2010 18:08 CH
Mong sớm được đón các anh trở về...
Chủ Nhật, 08/08/2010 13:00 CH
Tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương
Thứ Bảy, 07/08/2010 13:11 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek