Thời gian gần đây, tình trạng chăn thả gia súc trong khu vực sân bay Tuy Hòa lại rộ lên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay huấn luyện quân sự và hàng không dân dụng.
Theo chỉ huy Đoàn C10 (Trường Sĩ quan không quân) và lãnh đạo Công ty Cảng hàng không Tuy Hòa, từ đầu năm đến nay, nhiều trường hợp bò, dê của dân vào khu vực cấm làm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay của huấn luyện quân sự và hàng không dân dụng. Gần đây, cứ khoảng 14g mỗi ngày, hàng chục con bò, dê lại vào sân bay từ những nơi không có tường rào hoặc bộ đội gác.
Cán bộ Đoàn C10 nhắc nhở một người chăn dê trong khu vực sân bay do đơn vị quản lý - Ảnh: H.TRUNG |
BÒ, DÊ TUNG TĂNG TRÊN ĐƯỜNG BĂNG, ĐƯỜNG LĂN
Thượng tá Vũ Đức Quý, Trung đoàn trưởng Đoàn C10 cho biết: Từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7/2010 đã xảy ra 4 vụ tương đối lớn. Cụ thể: ngày 15/6 vào lúc 8g12, một đàn bò 7 con không có người chăn đi vào khu vực đường băng làm trung đoàn phải dừng hoạt động bay 26 phút. Ngày 24/6 một đàn bò 9 con đi vào đường lăn, lực lượng canh gác đã phát hiện và xua đuổi kịp thời. Ngày 21/7, lúc 9g30, một đàn bò 19 con đi vào đường băng khi máy bay quân sự đang hạ cánh, buộc chỉ huy bay phải lệnh cho máy bay bay lên lại. Nghiêm trọng hơn, vào ngày 29/7, một đàn bò đến 20 con chạy vào đường băng khi máy bay quân sự chuẩn bị cất cánh, chỉ huy bay phải cho máy bay dừng lại, chờ đuổi đàn bò ra khỏi khu vực cấm mới cho máy bay cất cánh.
Tất nhiên, gia súc vô tư tung tăng trên đường băng không chỉ uy hiếp an toàn bay huấn luyện của Đoàn C10, mà còn gây nguy hiểm cho những chuyến bay hàng không dân dụng. Đã có trường hợp bò thả rông bị các nhân viên an ninh vô tình làm bị thương, chủ gia súc kéo đến Công ty Cảng hàng không Tuy Hòa “bắt đền”. Phía Đoàn C10 người dân không dám gây sự nhưng vì bò, dê tương đối nhiều lại không có dây xỏ mũi nên bộ đội chỉ có thể đuổi gia súc ra khỏi khu vực nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến an toàn bay như sân đỗ, đường lăn, đường băng.
ĐI “KÉ” ĐƯỜNG
Không chỉ gia súc, một số người dân thiếu ý thức cũng uy hiếp an toàn bay ở sân bay Tuy Hòa. Điển hình là vụ xảy ra vào ngày 21/3/2010, khi chuyến bay Hà Nội - Tuy Hòa vào tiếp cận đường cất hạ cánh thì kiểm soát viên không lưu phát hiện bà Nguyễn Thị An, SN 1940, thường trú tại khu phố 4 phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) gánh củi đi vào khu vực cách mép đường băng 80m. Kiểm soát không lưu buộc phải yêu cầu phi công cho máy bay bay lên lại để tránh một tai nạn khủng khiếp có thể xảy ra. Sau khi bảo vệ sân, đường của Công ty Cảng hàng không Tuy Hòa bắt giữ bà An thì chuyến bay mới có thể hạ cánh an toàn. Trước đó bà An đã vào sân bay từ phía đoạn trống của Đoàn C10 rồi đến đài ra đa sân bay nằm nghỉ. Khi thấy máy bay tuyến Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh cất cánh, tưởng đã hết máy bay, bà An liền gánh củi định băng qua đường băng để… về nhà cho gần nên đã gây ra sự cố mất an toàn cho chuyến bay nói trên.
Một đàn bò vô tư gặm cỏ trong sân bay Tuy Hòa |
SẼ BẮN GIA SÚC UY HIẾP AN
Định kỳ mỗi năm 2 lần, UBND tỉnh Phú Yên cùng Đoàn C10, Công ty Cảng hàng không Tuy Hòa tổ chức đánh giá, bàn các biện pháp đảm bảo an toàn bay, an toàn căn cứ. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó các bên liên quan rất chú ý tới việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sống xung quanh khu vực sân bay Tuy Hòa. UBND tỉnh cũng đã có chỉ thị riêng về vấn đề này đồng thời hỗ trợ mỗi tháng 100.000 đồng/người cho 4 trưởng thôn thuộc các phường Phú Thạnh, Phú Đông (TP Tuy hòa) và xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) để họ tích cực tham gia vận động nhân dân không ra vào sân bay, không chăn thả gia súc vào những khu vực cấm. Thế nhưng sau một thời gian lắng dịu, tình trạng gây ảnh hưởng đến an toàn bay tại sân bay Tuy Hòa lại rộ lên làm đau đầu những người quản lý, sử dụng sân bay.
Mới đây, Đoàn C10 đã gởi công văn đề nghị TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa giúp đỡ tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân. Thượng tá Vũ Đức Quý cho biết hiện đơn vị này đang áp dụng giải pháp tình thế là tăng cường số lượng lính gác từ 11 lên 13 người ở những khu vực diễn ra hoạt động bay, đồng thời lực lượng làm nhiệm vụ canh gác sẽ bắn cảnh cáo, bắn tiêu diệt bò, dê, chó của các hộ dân thả rông trong khu vực cấm của sân bay.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Chi cho rằng ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thì sân bay Tuy Hòa cần được quan tâm đầu tư xây dựng tường rào bao quanh, tạo ra sự cách biệt hoàn toàn với các khu vực dân cư xung quanh. Ông Chi phân tích: Sân bay Tuy Hòa là sân bay dùng chung cho quân sự và hàng không dân dụng. Tất cả các ngày trong tuần đều có máy bay cất và hạ cánh. Những lúc không có lịch bay, sân bay Tuy Hòa được chọn làm dự bị cho các sân bay lân cận. Do vậy muốn đảm bảo an toàn bay hơn nữa, cách làm căn cơ là ngăn cách hoàn toàn sân bay với khu vực bên ngoài. Đồng thời chính quyền địa phương cũng cần mạnh tay với các hộ dân có nuôi gia súc, bắt họ phải cam kết không chăn thả gia súc trong khu vực sân bay; xử lý hành chính các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ẩn họa khủng khiếp Thượng tá Vũ Đức Quý, Trung đoàn trưởng Đoàn C10 cho biết, hiện mỗi tuần đơn vị tổ chức bay huấn luyện 4 ngày với 70-80 lượt máy bay cất hạ cánh, có những lúc cao điểm đến 100-120 lượt. Đối với máy bay quân sự, tốc độ cất và hạ cánh rất lớn nên chỉ cần có một chướng ngại vật trên đường băng là tai họa xảy ra tức thì. Trong các vụ bò của dân thả rông tràn vào đường băng mới đây cũng may mà chỉ huy bay phát hiện kịp thời, phi công xử lý tốt nếu không hậu quả sẽ khó lường. Còn ông Đặng Thành Chi, Phó Giám đốc Công ty Cảng hàng không Tuy Hòa nói, mặc dù chưa xảy ra sự cố, nhưng các vụ xâm nhập như trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay - một trong những vấn đề hàng đầu của hàng không dân dụng. Mỗi chuyến máy bay chở gần cả trăm khách, nếu bị tai nạn khi cất hạ cánh thì là một tai họa khủng khiếp, đó là chưa kể đến thiệt hại cực lớn khi giá trị của một máy bay hiện nay đến hàng chục triệu đô la. Ông Chi kể, cách đây chưa lâu, tại sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), chỉ vì một con chó chạy rông trên đường băng mà một máy bay A320 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam phải nằm lại sân bay để các nhân viên của hãng sản xuất máy bay từ châu Âu sang kiểm tra kỹ thuật.
HOÀI TRUNG