Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Phú Yên đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Các hình thức tiết kiệm thông qua mô hình “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương” được các cấp hội thực hiện cùng nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện đã giúp đỡ, tương trợ cho không ít hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình “Heo đất tiết kiệm” được nhiều phụ nữ hưởng ứng - Ảnh: T.HIỀN
Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hơn 3 năm qua, Hội LHPN huyện Đông Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, nhất là trên lĩnh vực giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Phong trào tổ góp vốn quay vòng, tổ tiết kiệm tín dụng cũng được đẩy mạnh. Toàn huyện đã thành lập 32 tổ phụ nữ tiết kiệm, nâng tổng số tổ tiết kiệm trên địa bàn lên 272 với 619 thành viên tham gia, tiết kiệm được trên 500 triệu đồng. Từ số tiền này, huyện hội đã xét cho 655 lượt chị vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, các cấp hội cũng đã vận động 556 chị có điều kiện kinh tế khá giúp 605 chị có hoàn cảnh khó khăn hơn 104 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động. Bên cạnh đó, huyện hội còn đặc biệt quan tâm đến công tác xây mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ nghèo. Từ sự vận động của hội, gia đình chị Đặng Thị Ngang ở xã Hòa Thành và chị Trương Thị Mỹ Ca ở xã Hòa Xuân Tây đã có căn nhà ngói mới khang trang, vững chắc. Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, các cấp hội còn tạo điều kiện trợ vốn, giống cho những phụ nữ làm ăn thua lỗ để tái sản xuất, ổn định đời sống.
Nhằm cụ thể hóa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là học tập tấm gương tiết kiệm của Bác, thời gian qua, Hội LHPN TX Sông Cầu đã triển khai mô hình “Quả dừa tiết kiệm” và “Nắm gạo tình thương”. Hai mô hình này được Hội LHPN các xã Xuân Bình, Xuân Lâm, TX Sông Cầu hưởng ứng mạnh mẽ. Hội Phụ nữ các xã, phường thực hành tiết kiệm tập thể theo tổ và tiết kiệm cá nhân. Tùy theo quy định, có tổ tiết kiệm 40.000 đồng/người/tháng, có tổ tiết kiệm 60.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng/người/tháng. Tiết kiệm cá nhân thì tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, với mức từ 2.000 - 5.000 đồng/ngày. Còn với mô hình “Hũ gạo tình thương”, mỗi khi nấu cơm, mỗi chị bỏ một nắm gạo vào xô, hũ, túi ni -lông để ngay tại bếp. Hai mô hình giúp chị em không những nâng cao ý thức tiết kiệm cho bản thân, cho gia đình mà còn cùng góp sức giúp đỡ các gia đình nghèo khó ở địa phương.
Tương thân tương trợ cùng giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn cũng là cách mà các cấp Hội LHPN huyện Sông Hinh làm theo gương Bác. 10 cơ sở hội đã xây dựng được 12 nhóm “Tiết kiệm heo đất”, bình quân mỗi nhóm tiết kiệm được từ 1,2 - 2,5 triệu đồng, giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đầu tư phát triển sản xuất. Mí Nga ở xã Ea Bar cho biết: “Tổ phụ nữ tiết kiệm đã cho tôi mượn vốn để mua cây sắn về trồng. Nếu không có mấy chị em trong tổ, tôi không biết xoay xở cách nào”.
Mong muốn chia sẻ với các gia đình khó khăn, hoạn nạn, Hội LHPN huyện Sông Hinh cũng đã phát động mô hình “Hũ gạo tình thương” trong toàn hội viên phụ nữ. Từ 15 hũ gạo tình thương trên địa bàn, mỗi tháng thu được từ 12 đến 60 kg gạo, các cơ sở hội giúp đỡ định kỳ cho trên 10 chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Song song với các hoạt động trên, toàn huyện cũng đã xây dựng được 70 nhóm tiết kiệm với tổng số tiền gần 9 triệu đồng. Đi cùng với hoạt động này, đã có 300 chị kinh tế khá tự nguyện giúp vốn cho gần 260 chị có hoàn cảnh khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất.
Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” cũng được triển khai rộng rãi ở 14 cơ sở hội của Hội LHPN huyện Sơn Hòa. Hơn 3 năm qua, các cấp hội đã xây dựng được 12 mô hình “Hũ gạo tình thương”, 20 mô hình “Heo đất tiết kiệm”, “Ống tre tiết kiệm”, qua đó tiết kiệm được trên 900 kg gạo và trên 11 triệu đồng giúp đỡ hơn 50 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Ống tre tiết kiệm”, “Tiết kiệm tiền trong chi tiêu hằng ngày”, “Tiết kiệm điện thắp sáng”, thời gian qua, Hội LHPN huyện Đồng Xuân còn triển khai thực hiện đạt hiệu quả mô hình “Chuyển đổi quyền sở hữu vật dụng”. Sau gần một năm phát động, mô hình đã thu hút hơn 80% phụ nữ ở 11 xã, thị trấn trên địa bàn tham gia. Các cơ sở hội đã quyên góp trên 920 bộ quần áo cũ, 16 chiếc mền cũ, 812 quyển sách giáo khoa cũ giúp cho 913 gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo, người già neo đơn, hộ gia đình chính sách nghèo; quyên góp được một chiếc xe đạp cũ, một bộ bàn ghế cũ, một chiếc giường cũ tặng cho hai gia đình hội viên người đồng bào dân tộc thiểu số và một học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Tiêu biểu trong mô hình này là Hội LHPN xã Xuân Phước. Chị Trần Thị Bông, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Xuân Phước, người đầu tàu trong phong trào này, nói: Tôi rất vui khi tham gia vận động chị em trong chi hội chuyển giao các vật dụng trong gia đình mình cho những chị có hoàn cảnh khó khăn hơn. Tuy những vật dụng ấy có giá trị không lớn nhưng nó thể hiện tinh thần tương trợ và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Có thể nói, việc tích góp gạo giúp người nghèo hay “nuôi” heo đất đang dần trở thành thói quen của nhiều hội viên phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Tuyết Sương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Xuân cho biết: “Mỗi ngày, mỗi người tiết kiệm một chút để đóng góp vào quỹ, thì ngày càng có thêm nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ”. Đó là những việc làm thể hiện hết sức sâu sắc tinh thần tương thân tương ái, mình vì mọi người theo tấm gương Bác Hồ của phụ nữ Phú Yên.
THỦY VĂN