Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển không chỉ nhằm giảm tỉ suất sinh, tỉ lệ sinh con thứ ba, nâng cao chất lượng dân số mà còn là động lực góp phần phát triển kinh tế biển. Xoay quanh vấn đề này, Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Nha, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Phú Yên.
Phụ nữ ở các làng biển cần được quan tâm nhiều về chăm sóc SKSS - KHHGĐ. - Ảnh: THÙY THẢO
* Xin ông cho biết sự cần thiết phải có đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển?
- Xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân vùng biển cũng không ngừng được cải thiện, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, tỉ suất sinh, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên của các xã vùng biển, đảo và ven biển cao hơn các xã khác và cao hơn mức bình quân của cả tỉnh. Nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao, nhất là sinh con trai để bổ sung lao động đi biển.
Môi trường và hoàn cảnh sống của cư dân vùng biển không giống các khu vực dân cư khác, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dân số và nhất là rất dễ có nguy cơ bùng nổ dân số. Người dân vùng biển luôn phải tiếp xúc với môi trường có độ ẩm cao, thiếu nước ngọt, ô nhiễm…, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của bà mẹ và trẻ em. Những người đàn ông thường phải đi làm ăn xa nhà, dài ngày, thường tiếp xúc với các đối tượng có hành vi nguy cơ cũng là con đường lây truyền các mầm bệnh. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cấp xã tại các vùng biển, đảo, ven biển chưa tổ chức cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thường xuyên và có chất lượng. Các bà mẹ ở đây ít được tiếp xúc với các chương trình truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản. Tâm lý, tập quán của người dân vùng biển còn nặng về giới, thích sinh con trai để có lao động đi biển.
Hàng năm, tỉ suất chết mẹ khi sinh, mang thai ngoài ý muốn, tỉ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục của người dân ở các vùng này rất cao; số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ cũng chiếm tỉ lệ cao. Trong khi đó, chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa đủ điều kiện giải quyết những vấn đề này. Các hoạt động xây dựng và củng cố hệ thống thông tin quản lý DS-KHHGĐ quốc gia càng chưa thể phủ đến. Vì vậy, đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2009-2020 ra đời nhằm giảm thiểu và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát dân số, chất lượng dân số, chất lượng lao động, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Hơn nữa, thông qua đề án góp phần phát triển kinh tế biển, đảm bảo phát triển kinh tế biển và an ninh, quốc phòng theo đúng định hướng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển tỉnh Phú Yên đến năm 2020.
* Những mục tiêu mà đề án đặt ra đến khi kết thúc là gì, thưa ông?
- Mục tiêu chuyên môn của đề án là góp phần khắc phục những hạn chế các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân khác, tạo nên sự toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả hơn về công tác DS - KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại vùng biển, đảo và ven biển. Đề án không chỉ nhằm giảm sinh mà còn giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em, tình trạng nạo phá thai... và nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực tại vùng biển, đảo và ven biển; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Các nhóm đối tượng được hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các dịch vụ y tế tốt hơn. Bà mẹ và trẻ em được tư vấn và chăm sóc y tế; giảm số trẻ sơ sinh dị tật, dị dạng, giảm gánh nặng xã hội để chăm sóc người tàn tật; tạo động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế biển.
Cụ thể, 85% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo, ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai, 95% người làm việc và người dân sinh sống tại đây được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS/ KHHGĐ. Hàng năm, giảm 5% tỉ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và di truyền.
* Thưa ông, sau một năm triển khai, đề án có những khó khăn gì và biện pháp nào để khắc phục nhằm đạt mục tiêu đặt ra?
- Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu. Trong 31 xã triển khai dự án có đến 17 trạm y tế xã không có bác sĩ và y sĩ sản nhi. Những xã còn lại thì cán bộ y tế hạn chế về năng lực, chưa cập nhật kiến thức kịp thời, chưa thích nghi với người lao động tại khu kinh tế biển, cảng cá và điểm có đông người lao động nhập cư.
Việc người dân di cư đến vùng biển để lao động và sinh sống ngày càng đông, rất khó quản lý. Đây cũng là một trở ngại cho những người làm công tác dân số, đòi hỏi họ phải nắm rõ các tàu thuyền xuất bến, cập bến từ đó bố trí gặp gỡ cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ. Bên cạnh đó, nhận thức của phần lớn phụ nữ ở khu vực này về chăm sóc SKSS/KHHGĐ chưa tốt, thậm chí ít quan tâm đến chính sức khỏe của con mình. Để thay đổi nhận thức là vấn đề không dễ trong một sớm một chiều.
Do đó, thời gian đến, Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với trung tâm Dân số các huyện tăng cường tổ chức điểm cung cấp dịch vụ tại những nơi mà người lao động xuất bến đi biển dài ngày. Huy động và hỗ trợ cơ sở y tế quân - dân y kết hợp, xí nghiệp, công trường, khu công nghiệp, khu kinh tế… tham gia cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tổ chức sinh hoạt nhóm, tư vấn trực tiếp các biện pháp tránh thai cho các chị em buôn bán và những ngư dân hoạt động đánh bắt trên biển. Đồng thời, thành lập các đội dịch vụ lưu động cung cấp các phương tiện tránh thai và tư vấn trên các chuyến tàu…
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)