Thứ Tư, 02/10/2024 07:26 SA
Nông dân “tóc đỏ”
Thứ Tư, 05/05/2010 16:00 CH

Lận đận nhưng Nguyễn Văn Chinh - một người “con lai” ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) bộc bạch: “Ở đâu có tình yêu thương chở che của bà con lối xóm thì ở đó coi như đã có cha mẹ, anh em ruột thịt của mình”.

 

mylai100505.jpg

Nông dân “tóc đỏ” Nguyễn Văn Chinh

 

GỐC GÁC

 

Ông Nguyễn Cờ ở xã Xuân Quang 1, cha nuôi của Nguyễn Văn Chinh kể, năm 1976, ông vào cô nhi viện Tân Bình (TX Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) tìm xin con nuôi. Tại đây, ông thấy một đứa bé Mỹ lai có nước da trắng hồng, dễ thương nên hỏi nhận làm con nuôi. Bà sơ tên Ơn ở cô nhi viện đồng ý và ông đã hậu tạ cô nhi viện năm chục ngàn bạc rồi bồng Chinh về quê. “Chinh đã 3 tuổi nhưng do mất sữa mẹ sớm nên cơ thể gầy yếu. Sơ Ơn bảo gần 2 tuổi thằng bé mới vịn chân giường đứng được. Lúc bồng về ai thấy cũng quở, thằng nhỏ dễ thương nhưng ốm yếu, tội quá”, ông Cờ trầm ngâm nhớ lại.

 

Khi nhận Chinh về nuôi, ông Cờ cũng kịp hỏi thăm gốc gác của Chinh. Sơ Ơn cho biết, mờ sáng ngày 3/1/1973, bà mở cửa cô nhi viện thì thấy một đứa nhỏ nằm ngọ nguậy trước cổng, kiến lửa bu đỏ mình. Khi bồng lên thì thằng bé khóc được vài tiếng yếu ớt rồi nín bặt. Thấy vậy sơ Ơn ẵm vào cô nhi viện, phủi kiến, nhỏ vài giọt sữa, một lát sau thằng bé khóc trở lại. Sơ Ơn rất mừng, cho tắm rửa sạch sẽ và đặt tên Chinh. Hàng ngày, ngoài việc đút ăn, sơ Ơn còn cho đứa bé uống thêm sữa. Ông Nguyễn Cờ cho hay, trường hợp của Chinh, nhiều khả năng mẹ đẻ là người Việt Nam, cha người Mỹ. Có thể, ở thời điểm đó, cha đẻ của Chinh tham chiến tại Việt Nam rút về nước, người mẹ không thể nuôi con nên đem bỏ ở cô nhi viện. Chinh mang họ Nguyễn, là họ của ông Cờ. Lúc nhận Chinh về nuôi, ông cũng đã có một đứa con trai tên Hiền. Sau khi sinh Hiền, vợ ông mất khả năng sinh đẻ nên ông tìm thêm một đứa con về để có anh có em trong nhà.

 

Lớn lên hai anh em Hiền,  Chinh cắp sách đến trường, đến năm học lớp 2 thì Hiền mắc bệnh hiểm nghèo và mất, chỉ còn lại mình Chinh đến lớp. Bạn bè trong lớp thấy Chinh tóc đỏ, da trắng hồng, lạ lẫm nên thường xuyên chọc ghẹo. Chinh đòi nghỉ học, ông Cờ đến trường báo cáo; thầy giáo bảo ở lớp thầy cô quản lý được chứ ra ngoài đường thì chịu. Nhiều lần bị các bạn trong xóm trêu chọc, Chinh hoảng quá đành nghỉ học. Lớn thêm chút nữa, những ngày mùa Chinh lùa bò ra soi cho cha nuôi cày. Hết mùa cày, Chinh đi chăn bò, cứ thế hết năm này sang năm khác.

 

CUỘC ĐỜI LẬN ĐẬN

 

18 tuổi, Chinh cưới một người con gái cùng thôn, sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng lục đục phải chia tay nhau, sau một thời gian đứa con mất. Buồn đời, một thời gian dài Chinh lủi thủi làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2000, Chinh gặp một cô gái quê ở Tuy An lên xã Xuân Quang 1 làm thuê, hai người yêu nhau và nên vợ thành chồng. Ở với nhau 3 năm, sinh được 2 đứa con gái, người vợ thứ hai không chịu nổi cảnh khổ cực nên chia tay Chinh. Khi hai vợ chồng chia tay nhau, Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà tình thương, Chinh bàn giao chỗ đất đang ở và tiền cho vợ xây nhà, còn mình tìm mua mảnh đất nằm lưng chừng quả đồi cất chòi tranh sống tạm, sau đó dành dụm cất ngôi nhà nhỏ lợp ngói. “Vốn liếng vét cạn được 20 triệu đồng để xây nhà. Đó là tiền tui chặt mía, đào sắn thuê dành dụm được”, Chinh nói.

 

Gần 7 năm qua Chinh ăn một mình, ngủ một mình. Đến mùa thu hoạch sắn, mía, Chinh dậy sớm nấu cơm dỡ theo khi đi làm thuê ngoài đồng. Có những ngày làm luôn trưa dưới cái nắng gay gắt, vậy mà nước da của Chinh vẫn trắng hồng. Sau những ngày làm thuê, tiền chẵn Chinh bỏ vào heo đất, tiền lẻ đi chợ. Số tiền đó là vốn “lận lưng” với cuộc sống bình dị của anh. Bao năm Chinh sống ở đây, người dân trong xã ai cũng biết mặt, quen tên hết. Tình cảm bà con đối với Chinh rất sâu đậm nên anh coi họ là người nhà. “Mình với bà con nông dân ở đây đồng cam cộng khổ quen rồi”, Chinh nói. Chinh còn cho hay, trước đây anh nghe lời một số người bảo theo họ làm thủ tục đi Mỹ tìm cha, nhưng thật ra họ lừa gạt. Ông Châu Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Xuân Quang 1 nói: “Chinh đã bị nhiều người lừa dẫn đi tìm cha mẹ đẻ. Sau những ngày rong ruổi đi tìm thân thích, cuộc sống của Chinh càng thêm khổ vì mất nhiều tiền tích cóp bao năm làm thuê, cuốc mướn”.

 

Chinh cho biết anh không bao giờ đi theo những người lừa gạt nữa, và yên tâm sống trong nghĩa tình của bà con làng xóm.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek