Thứ Sáu, 29/11/2024 12:30 CH
Giải quyết việc làm – một trong những biện pháp xóa nghèo bền vững
Chủ Nhật, 16/07/2006 09:12 SA

Xác định giải quyết việc làm, đào tạo nghề là một trong những biện pháp xoá nghèo bền vững nhất, trên cơ sở điều tra thực trạng về lao động việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh đã lập đề án: “Giải quyết việc làm – đào tạo nghề – giảm nghèo – xoá nhà ở tạm cho hộ nghèo giai đoạn 2006 – 2010” trình HĐND tỉnh phê duyệt.

 

060716-tam.jpg

Ảnh: Mạnh Minh Tâm

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 20.600 lao động trong tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Khu vực nông thôn chiếm đa số, bởi lao động ngày càng tăng trong khi đất sản xuất  nông nghiệp ngày càng giảm, các ngành nghề chưa phát triển mạnh. Dự báo lao động trong giai đoạn 2006 – 2010, mỗi năm có khoảng 1,5 vạn lao động Phú Yên có nhu cầu việc làm mới. Ông Huỳnh Duy Hiếu, Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên, nói: “Cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết lao động khu vực nông thôn. Rất mừng là trong 6 tháng đầu năm số người được giải quyết việc làm khá cao (12.828 người, đạt 53,4% kế hoạch năm). Tuy nhiên mặt bằng trình độ lao động của chúng ta còn thấp. Số người có chuyên môn, tay nghề không nhiều, chủ yếu chỉ là lao động phổ thông. Vì vậy, theo mùa vụ vẫn có hiện tượng lao động thất nghiệp. Tôi rất đồng tình với đề án về giải quyết việc làm – đào tạo nghề giai đoạn 2006 – 2010 của UBND tỉnh. Có rất nhiều nhóm nghề có nhu cầu lao động cao được đưa vào đào tạo, các chính sách hỗ trợ cho người học nghề, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số”.

 

Từ 2001 đến 2005, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 114.997 lao động và tạo thêm việc làm cho 213.270 người, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh cho 113.411 lao động, lao động ngoài tỉnh, ở các khu công nghiệp phía Nam là 1.250, lao động xuất khẩu sang nước ngoài từ năm 2003 – 2005 là 336 người. Công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng, có 13.703 người đã tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, trong đó hệ dài hạn 4.509 người, hệ ngắn hạn 9.194 người. Đến cuối năm 2005, có 104.175 lao động qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 23,5%.

Đa số các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao với các giải pháp nêu ra tại đề án. Đó là: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Phú Yên; xúc tiến đầu tư kết cấu hạ tầng; phát triển các ngành nghề chế biến Nông – Lâm – Thủy sản, thương mại dịch vụ, khôi phục các làng nghề truyền thống... Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và con em các dân tộc thiểu số. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương chính sách dạy nghề, nâng cao nhận thức về học nghề trong nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, nhóm nghề có nhu cầu lao động cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Kim Anh, khẳng định: “Giải quyết việc làm, đào tạo nghề là một trong những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, xã hội đang rất bức xúc. Đồng thời, đây cũng là mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Đây là một trong những biện pháp bền vững nhất trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.

 

Mục tiêu của đề án là: mỗi năm tạo việc làm mới cho 25.000 lao động; 50.000 lao động có thêm việc làm ổn định; Phấn đấu mỗi năm đưa được từ 200 – 300 lao động làm việc nước ngoài. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn lên 90% vào năm 2010; Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% tổng số lao động trong tỉnh.

 

TRẦN QUỚI

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek