Thứ Tư, 02/10/2024 13:37 CH
Mí Khét hiến đất xây trường
Thứ Bảy, 15/07/2006 10:09 SA

Mí Khét thổ lộ: “Đất tụi mình phát rẫy là của Nhà nước chứ mình đâu có sinh ra được. Đất mình cất nhà ở Nhà nước cũng đâu thu tiền. Mà xã mình bây giờ cũng nghèo lắm nên phải cho đất lại để Nhà nước xây trường cho con cháu mình thôi, không lấy tiền được!”.

 

060715-mikhet.jpg

Mí Khét bên ngôi trường tầng mà bà hiến 1,1ha đất để xây dựng - Ảnh: K.Duy

 

Ea Lâm (huyện Sông Hinh) bây giờ đã không còn là “xã bảy không” như trước kia nữa. Điện, đường, trạm xá, điện thoại, nước sạch... đã có mặt ở vùng đất xa xôi này. Thế nhưng, Ea Lâm căn bản vẫn là một xã khó khăn, nằm xa trung tâm, dân cư đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong rất nhiều cái “cực khó” ở Ea Lâm, trang bị con chữ cho thế hệ trẻ là việc đau đầu nhất bởi ở một địa phương quá nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, hiếm giáo viên nào bám trụ lâu dài. Thành ra, theo lời Ma Lưn, Bí thư Đảng ủy xã một thời gian dài, ở Ea Lâm chỉ mở được các lớp học đến cuối cấp tiểu học là “hết thuốc”. Học trò học đến lớp 5 rồi nghỉ vì không có trường cấp 2, không có thầy cô cấp 2 thì biết học gì?

 

“ĐỂ ĐẤT Ở KHÔNG LÀM GÌ!”

 

“Thực tế thì cũng có một số em được gia đình quan tâm, nhưng phải đi xa lắm, hơn một chục cây số lên trường bán trú Tân Lập (xã Ea Ly) hoặc phải vào trong thị trấn Hai Riêng cách cả ba mươi cây số. Khó khăn lắm!

 

Thế rồi cả xã “tròn mắt” kéo nhau đến khoảnh đất giữa buôn Bưng A và buôn Gao mà coi mấy ông thợ xây “cái nhà” to nhất xã mà sau này mọi người mới biết đấy là cái trường học cấp hai – công trình hai tầng đầu tiên của xã vùng xa này. Một năm đã trôi qua, ngôi trường “khổng lồ” dần thành hình và chỉ vài tháng nữa thôi là hoàn thành. Khi đó, học sinh khát chữ ở Ea Lâm không còn phải đi xa, trình độ học vấn của giới trẻ ở đây rồi sẽ được nâng lên, ai cũng thấy trước điều đó...

 

Thế nhưng không nhiều người biết ngôi trường đó đang đứng chân trên đất của Mí Khét, một bà cụ đã 80 tuổi tròn ở buôn Bưng A. 1,1ha trong tổng số 2ha đất xây ngôi trường đó là của mí, phần còn lại của một người khác. Trong khi người kia đòi xã phải trả 30 triệu đồng thì Mí Khét tình nguyện hiến không. Mí cười thật tươi khi giải thích với chúng tôi về quyết định của mình: “Hồi trước làm siêng nên vợ chồng phát rẫy nhiều nơi, cũng có mua thêm nữa nên đất đai rộng và nhiều lắm. Nhưng bây giờ già rồi, đâu có làm lụng được gì nhiều, để đất ở không có ích gì đâu, phải hiến cho xã xây trường để lũ nhỏ học, khỏi phải đi xa xôi”. Về chuyện tiền nong, Mí Khét thổ lộ: “Đất tụi mình phát rẫy là của Nhà nước chứ mình đâu có sinh ra được. Đất mình cất nhà ở Nhà nước cũng đâu thu tiền. Mà xã mình bây giờ cũng nghèo lắm nên phải cho đất lại để Nhà nước xây trường cho con cháu mình thôi, không lấy tiền được!”.

 

Mí Khét không chỉ hiến đất để xây trường học, vài năm trước đây, mí c ũng đã cho bà con ở buôn Bưng B miếng đất rộng khoảng 1,5ha của mình để làm nghĩa trang của thôn mà không đòi tiền bạc gì!

 

HỌC SINH VUI BỤNG NHẤT

 

Theo lời Ma Lưn, Mí Khét từng là cán bộ phụ nữ, ủy viên Mặt trận huyện Madrắk (Đắk Lắk) thời kháng chiến chống Pháp. Chồng mí là ông Y Tiêm là y tá trong kháng chiến. Sau giải phóng, vợ chồng mí về lại nơi chôn nhau cắt rốn là mảnh đất Ea Lâm này để sống và lao động. Mấy năm nay Mí Khét cũng có làm đơn để hy vọng được công nhận là từng tham gia và có công cách mạng, nhưng chưa được. “Chỉ có mấy người bên Madrắk biết tôi làm gì, ở đâu hồi đánh thằng giặc Pháp. Nhưng bây giờ già quá rồi, đi trong buôn đã thấy mệt làm sao lên được tới trên đó để nhờ người ta chứng nhận giùm cho” – mí cho biết vậy.

Ngôi trường 8 phòng học đủ sức giải quyết cho hơn 600 học sinh học 2 buổi mỗi năm này dự kiến sẽ được sử dụng cho cả học sinh tiểu học lẫn trung học cơ sở ở Ea Lâm. Những học sinh ở buôn Học, buôn Gao, hai buôn Bưng A và Bưng B, buôn Bai... chỉ cần đi bộ là đến được trường, không còn phải xa nhà đi học bán trú như trước đây. Nay Y Toen và Ksor Y Ní là những học sinh ở Ea Lâm phải đi học bán trú ở Tân Lập cùng thổ lộ: “Tụi em đi xa vất vả lắm, nhất là mùa mưa đường sá trơn trợt, chia cắt không về nhà được, rất buồn. Nhiều bạn học vài học kỳ rồi nghỉ, không học tiếp nữa. Bây giờ có trường ngay tại xã, lại là trường mới, đẹp, học chắc sướng lắm”. Còn Nay Y Len năm nay lên lớp 9 thổ lộ: “Năm học vừa qua tụi em được học tại xã, nhưng ké trường cấp 1, chật chội lắm. Trường chỉ có 4 thầy cô giáo mà phải dạy cả 4 khối lớp, tất cả các môn. Bây giờ có ngôi trường lớn, tụi em nghĩ chắc là thầy cô sẽ về nhiều hơn. Ngôi trường đó xây trên đất Mí Khét, tụi em biết ơn và kính trọng mí nhiều lắm”. Bạn cùng lớp với Y Len là Nay Hờ Dốt bộc bạch: “Là con gái nên em thường bị mí bảo đừng học, phải lên rẫy trồng mè, trồng sắn. Giờ có ngôi trường Mí Khét cho đất này, mí em chắc không buộc em nghỉ nữa đâu”.

 

Bí thư Đảng ủy xã Ea Lâm Ma Lưn nhận xét: “Cuộc sống của Mí Khét còn nhiều khó khăn lắm, nhưng mí vẫn quyết định hiến đất cho địa phương làm trường, có nơi để con cháu ăn học mà không phải đi xa. Tấm lòng của mí thật đáng được nể phục”.

 

QUỐC KHƯƠNG – NGỌC CƯỜNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek