Thứ Sáu, 04/10/2024 08:35 SA
Khu tái định cư buôn Khăm (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa):
Thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt
Thứ Sáu, 12/03/2010 14:00 CH

Dự án khu tái định cư buôn Khăm, xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục hoàn chỉnh nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, tình trạng thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt đã đẩy người dân nơi đây vào cảnh khó khăn.

 

tam-suoi.jpg

Con suối Hà Lan đã cạn nước nhưng hàng ngày bà con ở buôn Khăm vẫn phải nhờ vào nguồn nước này để sinh hoạt. - Ảnh: A.NGỌC

 

Khi dự án Thủy điện Sông Ba Hạ triển khai xây dựng, huyện Sơn Hòa lập dự án di dời những hộ dân đang sinh sống trong vùng lòng hồ thủy điện đến nơi ở mới. Trong đó, dự án khu tái định cư buôn Khăm thuộc xã Krông Pa có số vốn đầu tư hơn 3,2 tỉ đồng, được lồng ghép từ các nguồn vốn của chương trình như định canh định cư, 134, 135 và vốn hỗ trợ tái định cư của Ban quản lý Dự án thủy điện 7. Dự án đã san ủi mặt bằng rộng gần 8,7ha, cấp đất ở và đất vườn liền kề cho gần 60 hộ, mỗi hộ 840m2; xây dựng hơn 3km đường giao thông nội vùng, trạm biến áp 50kVA và gần 3km lưới điện 0,2kV cấp điện cho tất cả hộ dân trong khu tái định cư. Ngoài ra, dự án còn xây dựng hai phòng học kiên cố có diện tích 130m2, tạo điều kiện thuận lợi cho con em được học gần nhà, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung… Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu tái định cư, mỗi hộ thuộc diện di dời còn được hỗ trợ 8 triệu đồng để xây dựng nhà ở, trong đó chương trình 134 hỗ trợ 6 triệu đồng, chương trình định canh định cư hỗ trợ 2 triệu đồng.

 

Đến nay, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện tái định cư tại buôn Khăm đã có nhà ở ổn định, có điện thắp sáng, đường giao thông nội vùng được bê tông… Tuy nhiên vấn đề đất sản xuất và nước sinh hoạt tại khu tái định cư này còn gặp nhiều khó khăn. Anh Rơ Ớ Tốk ở buôn Khăm cho biết: “Năm 2007, gia đình tôi dời đến nơi ở mới. Mặc dù được đền bù đất ở và kinh phí xây dựng nhà, nhưng đất sản xuất không còn nữa vì đã bị chìm trong lòng hồ thủy điện. Khi đến khu ở mới điều kiện ăn ở tốt hơn, nhưng không có đất cho sản xuất nên nhiều hộ phải phá rừng đặc dụng Krông Trai khai hoang làm rẫy, mặc dù biết là vi phạm. Riêng gia đình tôi có khoảng 1,4ha đất thuộc khu rừng này”. Còn Ksor Rưng thì bảo, nhiều gia đình nhận tiền đền bù nhưng không mua đất sản xuất hoặc có đất lại bán đi để rồi phá rừng làm rẫy.

 

Không chỉ thiếu đất sản xuất, người dân ở khu tái định cư buôn Khăm còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù công trình cấp nước sinh hoạt buôn Khăm được đưa vào sử dụng cuối năm 2007 với kinh phí trên 1,2 tỉ đồng, nhưng chỉ sau một năm đưa vào vận hành công trình đã bị xuống cấp nặng. Nhiều điểm nối của đường ống dẫn nước khu vực gần trường mẫu giáo buôn Khăm bị vỡ, nước bơm vào chưa kịp chảy đến hộ sử dụng đã chảy lêng láng ra ngoài suối gây thất thoát. Sự cố hư hỏng đường ống dẫn nước của công trình cấp nước sinh hoạt buôn Khăm dù được bên thi công khắc phục, nhưng chỉ hoạt động trở lại được thời gian ngắn lại phải “đắp chiếu”. Ông Touneh Hàn Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Krông Pa, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến công trình nước không thể hoạt động được nữa là do các hộ không chịu trả tiền sử dụng nước nên điện lực cắt điện. Một số người thiếu ý thức làm gãy vỡ một số đoạn ống dẫn nước, cán bộ vận hành trả lương thấp nên không nhiệt tình trong công việc… Sắp đến, xã sẽ cho tư nhân đấu thầu và vận hành công trình nước này để họ có trách nhiệm hơn”.

 

Công trình nước sinh hoạt tập trung phải “đắp chiếu”, trong khi cả buôn chỉ có hai giếng đào, vào mùa nắng nóng thường bị khô cạn. Mọi sinh hoạt từ giặt dũ, tắm rửa, nước uống của người dân buôn Khăm bây giờ đều dựa vào nước… suối Hà Lan. Thế nhưng, mới đầu mùa khô suối Hà Lan cũng đã cạn nước. Mí Soan ở buôn Khăm, cho biết: “Suối khô nước, bà con phải đào ao giữa suối để giữ nước, thế nhưng nếu tình trạng nắng nóng kéo dài thì bà con trong buôn không biết lấy đâu ra nước mà dùng”.

 

Nhìn công trình bạc tỉ vận hành kém hiệu quả, ai cũng xót xa. Bà Huỳnh Thị Phụng ở buôn Khăm bức xúc nói: Lỗi một phần do bà con thiếu ý thức tiết kiệm nước, đã vậy chính quyền xã lại không chịu đi thu tiền nước hàng tháng mà để dồn lại nhiều tháng thu một lần nên bà con không có khả năng thanh toán tiền nước, dẫn đến cảnh thiếu nước sinh hoạt như hiện nay.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek