Thứ Sáu, 04/10/2024 08:32 SA
Suy nghĩ từ nỗi đau thảm họa lũ quét ở lưu vực sông Kỳ Lộ ngày 2/11/2009
Thứ Năm, 11/03/2010 13:01 CH

Trận lũ quét chưa từng có xảy ra trong đêm 2/11/2009 đã gây nên thảm họa cho cư dân sống dọc theo lưu vực sông Kỳ Lộ và sông Tam Giang thuộc địa phận hai huyện Đồng Xuân, Tuy An và TX Sông Cầu. Những thiệt hại do nó gây ra thật khủng khiếp: 80 người chết, 95 người bị thương, 1.642 nhà bị lũ cuốn trôi hoặc sập hoàn toàn, 2.611 nhà bị hư hại trên 50%... hơn 20.000 người dân phải chịu sự đe dọa của lũ, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trạm xá, trường học bị lũ tàn phá; tổng tài sản thiệt hại ước tính trên 3.000 tỉ đồng (số liệu theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên).

 

xom-Truong.jpg

Xóm Trường tan hoang sau cơn đại hồng thủy ngày 2/11/2009 - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Ai đã đến vùng lũ mới thấy hết thảm cảnh mà người dân phải chịu đựng thảm họa do trận lũ gây ra. Dòng sông La Hai (khúc sông Kỳ Lộ chảy qua thị trấn La Hai) thơ mộng với lũy tre xanh đôi bờ ôm ấp dòng nước trong veo lững lờ trôi tắm mát bao tâm hồn thi sĩ, giờ chỉ còn là sa mạc. Cát trắng tràn cả đôi bờ, trông quá tang thương và khủng khiếp.

 

Nhưng có trải qua hoạn nạn mới thấm ơn Đảng, nghĩa đồng bào. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của lãnh đạo các cấp, sự cứu giúp tận tình của bộ đội, công an, của đồng bào trong tỉnh, đồng bào cả nước, cộng với sự nỗ lực, gồng mình vươn lên của đồng bào vùng bị nạn, giai đoạn hiểm nghèo đã qua, cuộc sống dần ổn định. Tuy nhiên, khó khăn còn chồng chất, phải còn thời gian lâu nữa người dân bị tổn thất trong vùng lũ mới trở lại cuộc sống bình thường như trước lũ.

 

Hơn bốn tháng, trận lũ đi qua, nghĩa là thời điểm “tang gia bối rối” cũng đã qua, là lúc chúng ta nên dành chút thời gian suy nghĩ tìm hiểu, phân tích tìm ra nguyên nhân gây lũ để chủ động phòng tránh an toàn là việc nên làm. Bởi lẽ, mặc dù hiện nay lãnh đạo địa phương đã cho quy hoạch di dời xóm Trường và những nơi khác bị lũ tàn phá lên chỗ cao, tránh lũ an toàn, nhưng không thể nào di dời hết cư dân sống trong vùng lũ.

 

Sống chung với lũ là phương châm lâu dài của người dân vùng lũ. Sống chung với lũ phải hiểu lũ, nắm bắt quy luật hình thành và diễn biến của nó để chủ động phòng tránh.

 

Lũ xảy ra bất ngờ. Theo lời kể của những cụ già trên 80 tuổi sống ở xóm Trường: Hàng trăm năm nay, lũ to như năm 1988 hoặc năm 1993, xóm Trường cũng không bị ngập. Bất ngờ vì lũ đến quá nhanh và quá ác liệt. Theo lời kể của nhiều người dân: Chiều hôm đó mưa không to, mực nước sông chưa có gì (trên báo động cấp I), thế mà nửa đêm lũ ào ào tràn về, nhanh và ác liệt đến mức kê, dọn đồ trong nhà không kịp, thậm chí phải dỡ mái chui lên nóc nhà để nhờ cứu hộ.

 

Theo tài liệu của Trạm Khí tượng thủy văn Hà Bằng: Lúc 19g ngày 2/11/2009, lượng mưa đo được trong ngày là 174mm, mực nước sông ở mức 7,65m. Đến 23g nước dâng cao lên mức 11,61m và đến khoảng 24g cùng ngày đỉnh lũ ở mức 13,47m (vượt mức báo động cấp III đến 3,97m).

 

Bàng hoàng trước cơn “đại hồng thủy”, đã có nhiều nhận định về nguyên nhân gây lũ. Nào là do các hồ thủy điện xả lũ gây ra lũ lớn; nào là do hồ chứa nước thủy lợi Phú Xuân bị vỡ gây lũ; nào là do mưa lớn ở tỉnh Gia Lai, lũ từ Gia Lai đổ về gây ngập lụt. Tuy nhiên cả ba nguyên nhân vừa nêu đều không có căn cứ thuyết phục. Thứ nhất, trên các sông, suối ở Đồng Xuân và Sông Cầu không có hồ thủy điện. Thứ hai, hồ chứa nước Phú Xuân không bị vỡ. Thứ ba, nước lũ từ tỉnh Gia Lai không thể đổ về Đồng Xuân được vì ranh giới hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai tại Đồng Xuân là đường phân thủy trên dãy núi La Hiên cao hơn 1.000m đến cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa). Trường hợp ở Gia Lai có lũ thì lũ chỉ thoát theo hướng duy nhất là qua sông Ba đổ ra biển. Vì vậy vùng bị ngập lụt do lũ từ Gia Lai đổ về chỉ xảy ra ở Sơn Hòa, Sông Hinh và đồng bằng Tuy Hòa, không thể gây lụt cho Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An.

 

Đáng chú ý nhất là ý kiến của nhiều đảng viên, cán bộ và nhân dân cho rằng nguyên nhân lũ quét là do phá rừng đã làm mất đai rừng phòng hộ, không còn rừng để giữ nước phân lũ.

 

Tìm hiểu, phân tích nguyên nhân này chúng ta thấy rằng: Địa hình huyện Đồng Xuân có thể hình dung như một chiếc chảo nghiêng theo hướng tây bắc - đông nam với nhiều núi đồi hiểm trở. Phía bắc, tây bắc, tây và tây nam là địa hình núi cao có các dãy núi La Hiên, Chư Treng, Hòn Rung Gia, cao nguyên Vân Hòa. Vùng thung lũng “đáy chảo” có nhiều đồi thấp nhấp nhô, xen kẽ những cánh đồng nhỏ.

 

Con sông Kỳ Lộ (sông lớn thứ 2 ở tỉnh Phú Yên) có chiều dài khoảng 102km, phát nguyên từ dãy núi cao trên 1.000m thuộc tam giác ranh giới ba tỉnh Phú Yên - Bình Định - Gia Lai, diện tích lưu vực 1.950km2 trong đó phần diện tích lưu vực nằm trong địa bàn tỉnh Phú Yên là 1.700km2. Chiều dài sông chính nằm trên địa phận tỉnh Phú Yên 76km, phần lớn chiều dài con sông chảy qua những vùng có địa hình hiểm trở, độ dốc trung bình 3%, chỉ có đoạn sông từ Mỹ Long đến cửa Tiên Châu là có độ dốc nhỏ 1%0.  Nhìn vào bản đồ địa hình của toàn vùng Đồng Xuân, ta mới thấy hết vai trò phòng hộ của các đai rừng nằm trong lưu vực, nhất là rừng đầu nguồn. Bảo vệ, giữ gìn đai rừng phòng hộ là yếu tố sống còn không những của riêng Đồng Xuân, mà còn của toàn lưu vực sông Kỳ Lộ.

 

Trong nhiều năm qua, do ý thức được tính đặc thù của địa hình nên việc bảo vệ rừng phòng hộ rất nghiêm ngặt. Một cán bộ lãnh đạo Huyện ủy Đồng Xuân và một số cán bộ khác bị xử lý kỷ luật đảng và bị truy tố vì vi phạm phát rừng làm rẫy. Nhờ đó trong nhiều năm qua đai rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Kỳ Lộ được bảo vệ.

 

Căn cứ tài liệu quy hoạch đất lâm nghiệp của tỉnh Phú Yên (năm 2005) thì diện tích đất lâm nghiệp của huyện Đồng Xuân có 60.925 ha chiếm 57,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 35.692 ha chiếm 58,6% diện tích đất rừng. Trên thực tế, nhân dân địa phương đã khai khẩn hết những vùng đất bằng, đồi thấp để lấy đất sản xuất, trồng mía, trồng sắn hoặc lúa rẫy, phần còn lại chủ yếu là đất có độ dốc cao - rừng phòng hộ.

 

Trong năm 2007, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Phú Yên đã phê duyệt dự án và giao đất cho 3 doanh nghiệp với tổng diện tích là 8.106 ha để trồng rừng tại huyện Đồng Xuân. Không biết các chủ dự án đã phát, chặt đốt bao nhiêu hécta rừng tự nhiên được cho là rừng nghèo? Nhưng theo lời của nhiều cán bộ và nhân dân địa phương, thì rừng ở Đồng Xuân cơ bản đã bị phát dọn sạch sẽ. Kể cả những khu rừng một thời là căn cứ kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Đồng Xuân đáng lẽ phải được tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử thì cũng đã bị phát đốt sạch.

 

Một phóng sự của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên phản ánh khá rõ và chân thực về thực trạng rừng ở Đồng Xuân đã bị phá như thế nào. Có ý kiến đưa ra tài liệu tham khảo lượng mưa ở trạm Vân Canh (Bình Định) đo được trong khoảng thời gian từ 1g ngày 2/11 đến 7g ngày 3/11/2009 là 801mm, cho dù với lượng mưa như thế nhưng nếu đai rừng phòng hộ còn thì có thể xảy ra lũ lớn chứ không xảy ra lũ quét. Ví dụ như: lượng mưa tháng 10/1993, Trạm Hà Bằng đo được là 1.255mm thì năm đó cũng chỉ có lũ lớn chứ không xảy ra lũ quét. Đừng đổ cho trời mà cần thấy rõ nguyên nhân lũ quét là do con người gây ra.

 

Phải xem xét một cách cụ thể, khoa học việc triển khai các dự án đã được cấp phép. Nên cấm chặt, phát, đốt dọn rừng để lấy đất trồng rừng nguyên liệu giấy. Cơ quan thẩm quyền nên lập đoàn kiểm tra, đánh giá hiện trạng rừng, xử lý kịp thời các vi phạm. Tỉnh cần tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để làm rõ nguyên nhân gây ra lũ. Từ đó, đề ra các giải pháp phòng hộ, tránh lũ, đồng thời xây dựng các mô hình kinh tế bền vững. Việc quy hoạch, bố trí đất để trồng hàng vạn hécta cây bạch đàn, keo lai làm nguyên liệu giấy là không phù hợp. Đặc biệt quy trình kỹ thuật cho phát dọn sạch thực bì để trồng rừng lại càng không phù hợp. Bởi vì, trong một vài năm đầu khi cây trồng chưa lớn thì đất bị xói lở rất cao. Và, theo chu kỳ sản xuất, cứ sau 7 năm, diện tích rừng trồng bị khai thác trắng để lại đồi trọc, tái diễn lại nguy cơ thảm họa.

 

Đối với các huyện miền núi, có địa hình đồi núi, độ dốc cao cần phải đặc biệt chú trọng chức năng kinh tế và chức năng phòng hộ trong bố trí cơ cấu quy hoạch phát triển nông nghiệp. Nên chọn lựa các loại cây trồng lâu năm lấy quả, lấy hạt, lấy nhựa như mít, mắc ca, cây trôm hoặc trồng tre… là những loại cây trồng vừa làm chức năng phòng hộ lại vừa có hiệu quả kinh tế cao, có chu kỳ khai thác 40 - 50 năm. Ở Sơn Hòa có mô hình “trên mít dưới thơm” là mô hình dân gian điển hình rất hay, đó là mô hình kinh tế bền vững cần được tổng kết, nhân rộng. Cây mít hiện nay được coi là cây trồng kinh tế có giá trị, theo công ty Vinamit cho biết một hécta trồng mít có thể thu được từ 40 đến 50 triệu đồng. Khả năng bố trí vốn, đề tài khoa học ứng dụng để xây dựng các mô hình trình diễn và hướng dẫn cho nông dân triển khai trên diện rộng là trong tầm tay của tỉnh. Về lâu dài, tỉnh nên xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư và thu hút các chủ hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững và hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến tạo thế phát triển ổn định, lâu dài làm cho người trồng trọt yên tâm sản xuất.

 

Kiến nghị Tổng cục Khí tượng - thủy văn bố trí các trạm quan trắc đầu nguồn các con sông lớn ở địa phương để tăng khả năng dự báo chính xác các cơn lũ. Đồng thời sớm cho chỉnh lý, ban hành bộ tài liệu chuẩn về dự báo mực nước lũ cho phù hợp với thực trạng khí hậu, thủy văn, môi trường đã thay đổi.

 

Tiến sĩ NGUYỄN THÀNH QUANG

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek