Công tác DS-KHHGĐ luôn được xác định là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, một trong những vấn đề kinh tế xã hội hàng đầu của quốc gia.
Đạt mức sinh thay thế góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và con trẻ - Ảnh: THU THỦY
Thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Mục tiêu tổng quát chính sách DS-KHHGĐ của tỉnh ta là “Thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Mục tiêu này đã đi vào cuộc sống, được người dân chấp nhận và được triển khai thực hiện đạt kết quả đáng khích lệ: quy mô gia đình nhỏ có từ 1 hoặc 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm xuống gần 2 con (gần bằng mức sinh thay thế). Công tác DS-KHHGĐ đã đồng hành với chương trình xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thuận tiện và hiệu quả hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác. Điều quan trọng nhất là phong trào thực hiện KHHGĐ đã phát triển rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi và hải đảo, trong đồng bào dân tộc Kinh đến đồng bào các dân tộc thiểu số anh em và đồng bào có đạo.
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ ở Phú Yên vẫn còn những tồn tại, khó khăn và thách thức. Mức sinh trong những năm qua tuy có giảm nhưng chưa bền vững, chất lượng dân số còn thấp, phân bố dân cư không đều nên chưa khai thác được hết tiềm năng của tỉnh nhà, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng tăng, nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản (SKSS) chưa được giải quyết.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV đã đề ra mục tiêu đạt mức sinh thay thế vào năm 2010 nhằm giải quyết cơ bản vấn đề dân số, tiến tới ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bổ dân cư hợp lý và cuối cùng tập trung cho việc nâng cao chất lượng dân số. Để đạt được điều này, toàn tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu. Đó là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-SKSS-KHHGĐ để mọi người dân chấp nhận quy mô gia đình nhỏ có từ 1 đến 2 con; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khác nhau; đầu tư kinh phí cho công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ; khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Muốn vậy, tăng cường thống kê đăng ký khai sinh. Đây là nguồn dữ liệu hữu ích nhất về sự phân bố số sinh theo giới tính. Cần đảm bảo 100% trẻ em khi sinh ra được đăng ký khai sinh thông qua việc củng cố hệ thống hộ tịch và đơn giản hóa thủ tục đăng ký. Thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Nên sử dụng chỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh (SRB) như là một chỉ số giám sát việc thực hiện các luật này. Nghiêm cấm mọi hình thức chẩn đoán xác định giới tính và nạo phá thai lựa chọn giới tính thông qua việc giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các cơ sở y tế có nhân viên y tế cung cấp dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi và nạo phá thai lựa chọn giới tính.
Ngoài ra, cần phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng cho tăng trưởng và phát triển, tận dụng được nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển kinh tế, đồng thời chuẩn bị chu đáo nhằm đối phó với tình trạng “già hóa dân số”.
Phú Yên đang trong tiến trình hội nhập với quốc tế và khu vực, càng đòi hỏi yếu tố con người có chất lượng về cả thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần. Đây cũng là một yêu cầu cấp thiết đối với chương trình dân số hiện nay. Với kết quả đạt được trong thời gian qua, chương trình dân số cần vươn lên những tầm cao mới, mà nhiệm vụ quan trọng nhất là đạt mức sinh thay thế vào năm 2010 và duy trì ổn định mức sinh thay thế vào những năm tiếp theo. Có như vậy, mới có một quy mô dân số phù hợp, trong đó, từng người dân mạnh khỏe, phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ văn minh, mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Th.s ĐỖ THỊ NHƯ MAI
Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên