Thứ Tư, 02/10/2024 15:15 CH
Hoang mang vì con mắc chứng tự kỷ
Thứ Sáu, 08/01/2010 19:00 CH

Khi các phương tiện thông tin đại chúng nói về bệnh tự kỷ ngày càng nhiều, thì các ông bố, bà mẹ càng thêm hoang mang. Theo các bác sĩ, bệnh này được gọi là rối loạn tự kỷ, một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi. Người mắc chứng tự kỷ không có giao tiếp, tương tác với những người khác, do vậy, sự phát triển mọi mặt về tâm lý và xã hội đều hạn chế.

 

hoanhap.100108.jpg

Môi trường sinh hoạt tập thể sẽ giúp bé không bị tự kỷ - Ảnh: VŨ HOÀNG

 

Khi con tròn 8 tháng tuổi, vợ chồng anh N.V.K (phường 5, TP Tuy Hòa) gửi hẳn cho một bà hàng xóm trông từ 6 giờ đến 19 giờ, tối về cũng ít thời gian gần gũi cháu. Đến năm 2 tuổi, cháu B vẫn chưa biết nói, nhìn cái gì cũng sợ. Vợ chồng anh cho cháu đi nhà trẻ, chỉ sau 2 tuần thì giáo viên trả về vì cháu luôn la hét và không nghe theo bất kỳ chỉ dẫn nào của cô giáo. Đưa con vào Bệnh viện Nhi TP Hồ Chí Minh khám, biết con mình mắc bệnh tự kỷ, vợ chồng anh K hoang mang. Công việc của họ đôi lúc dở dang vì tập trung lo cho B. Họ đang thuê hẳn một cô giáo để dạy B với chi phí mỗi tháng 1 triệu đồng.

 

Cháu T (phường 3, TP Tuy Hòa) năm nay đã gần 5 tuổi, nhưng vẫn chưa nói được. Khi có ai gọi tên mình, T cũng chẳng hề quay lại hoặc dạ, thưa. Chị L.T.L, mẹ T,  cho biết: “Vợ chồng mải lo  kinh doanh nên cứ để cháu ở nhà với vú nuôi. Năm 3 tuổi, T đi học mẫu giáo nhưng ở lớp cháu cứ đánh bạn và có những hành vi lặp đi lặp lại  khác thường nên cô không nhận. Giờ đây thỉnh thoảng cháu nói tiếng một. Đặc biệt, cháu  rất thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn  và tự mở nhạc vào bất cứ lúc nào”.

 

Ngày càng có nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ ở TP Tuy Hòa. Phần lớn các trẻ này gặp khó khăn khi tiếp xúc với người khác như không cười hoặc không nhìn vào mắt người đối diện. Có trẻ biểu lộ chứng nhắc lại lời (nhắc lại như vẹt những từ vừa mới nghe được), thường nhầm lẫn về cách xưng hô như không biết lúc nào nên nói “con”, “mẹ”, hay “nó”, nói những từ, ngữ không có nghĩa, hay gầm gừ, có sự lặp lại không ngừng một từ hay một câu vô nghĩa. Trẻ như điếc mặc dù thính lực bình thường (giật mình khi có tiếng động); có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại, ví dụ lắc lư người ra phía trước và phía sau, đập đầu, giữ khư khư một đồ vật, bật tắt công tắc điện liên tục từ tay này sang tay khác. Những trẻ này thường say mê một vật gì đó quá đáng, lúc nào cũng giữ và ôm khư khư trong tay. Chúng rất thích sắp xếp đồ vật theo thứ tự, ngăn nắp một cách kỳ lạ và có biểu hiện hung hăng khi thứ tự đó bị xáo trộn.

 

Nhiều nước gọi bệnh tự kỷ là bệnh của con nhà giàu, vì phần lớn trẻ mắc bệnh này đều sinh ra trong những gia đình khá giả, giàu có. Yếu tố nguy cơ của bệnh tự kỷ, theo nhiều chuyên gia, là cha mẹ bận rộn với công việc đã tách con ra quá sớm; trong thời gian mang thai 3 tháng đầu bà mẹ bị nhiễm virus hoặc do di truyền. Về mặt phân tâm học, tách trẻ quá sớm ra khỏi hơi ấm của mẹ sẽ làm trẻ hụt hẫng, mất phương hướng, trẻ dần dần tự cô lập. Thông thường, các bà mẹ khi thấy con mình mắc bệnh thì hay mặc cảm không muốn kể với người ngoài, không đưa đến  bác sĩ thăm khám vì sợ mọi người đàm tiếu. Trong khi đó, các bác sĩ tâm lý xác định, ngoài các biện pháp khoa học, cái không thể thiếu là sự kiên trì và tình yêu thương của bố mẹ dành cho trẻ.

 

Bệnh tự kỷ thường xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn so với trẻ gái, và thường được chẩn đoán khi trẻ từ 15 đến 36 tháng tuổi, mặc dù các dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện sớm hơn. Hiện chưa có thuốc điều trị cho trẻ bị bệnh tự kỷ, các nhà nghiên cứu cũng chưa chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh. Các nghiên cứu hiện nay đang tập trung vào sự mất cân bằng hóa chất, những khác biệt ở não, gen hay các vấn đề ở hệ miễn dịch. Dị ứng thức ăn, thừa quá mức lượng men trong hệ tiêu hóa, nhiễm chất độc từ môi trường cũng có thể gây bệnh. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học cho thấy chúng rõ ràng là nguyên nhân gây bệnh…

 

Phát hiện sớm là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ. Vì khi được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường bao gồm luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân, hướng dẫn, tư vấn cha mẹ trẻ để hỗ trợ trẻ. Cha mẹ nên đưa trẻ đến các nhà chuyên môn (bác sĩ nhi, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần...) nếu: 12 tháng tuổi, trẻ không bập bẹ, bi bô; 12 tháng tuổi, trẻ không ra hiệu, làm điệu bộ như vẫy tay, chỉ chỏ, với đồ chơi…; 16 tháng tuổi, trẻ không nói được từ nào; 2 tuổi, trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả…

 

Theo SK&ĐS

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek