Dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn bò ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) ngày càng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp. Trong khi đó, người nuôi bò lại tỏ ra thờ ơ, thiếu sự hợp tác tích cực để ngăn chặn dịch.
Cán bộ thú y huyện Sông Hinh hướng dẫn nhân dân điều trị bò bệnh lở mồm long móng - Ảnh: HOÀI
Liên tiếp mấy ngày qua số bò mắc bệnh lở mồm long móng ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) tiếp tục tăng nhanh. Chỉ trong ngày 17/11, địa phương này phát hiện đến 26 con bò bị mắc bệnh, nâng tổng số bò mắc bệnh của xã lên đến 210 con. Trong đó, buôn Dành B 197 con, ở 39 hộ nuôi. Ông Đặng Đình Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết nguyên nhân bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn bò ở xã Ea Bia là do tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp. Ngoài ra tập tục chăn nuôi thả rông của đồng bào dân tộc thiểu số cũng “góp phần” làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Theo thống kê, kết quả tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đợt II/2009, xã Ea Bia chỉ tiêm được 1.388/2.736 con bò, đạt 50,7%/tổng đàn. Riêng buôn Dành B - buôn có số bò mắc bệnh cao nhất xã, công tác tiêm phòng chỉ đạt 32,9% kế hoạch.
Tại buôn Dành B, hầu hết hộ chăn nuôi có bò mắc bệnh đều… chuồng trống, trong khi đó theo khuyến cáo của ngành chức năng thì khi bò mắc bệnh phải nuôi cách ly để chữa trị và tránh lây lan. Hiện số bò mắc bệnh ở buôn Dành B đang ở mức báo động. Hộ ông Oi Đức nuôi 35 con bò thì có đến 10 con bị mắc bệnh. Hộ ông Ma Tá nuôi 20 con bò cũng đã có đến 12 con bệnh. Ông Hoàng Trọng Chung, Trưởng trạm Thú y huyện Sông Hinh, cho biết: “Dù đã huy động lực lượng tuyên truyền tiêm phòng đến từng hộ có chăn nuôi bò; tuy nhiên nhiều trường hợp chăn nuôi 10 con bò nhưng chỉ cho tiêm phòng một vài con. Bên cạnh đó, khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số không nuôi cách ly mà thả rông ăn chung theo bầy đàn với những con bò không mắc bệnh, làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh trên diện rộng”.
Theo kế hoạch phòng chống dịch lở mồm long móng của huyện Sông Hinh, đối với những thôn, buôn đã xảy ra dịch thì giao cán bộ thú y huyện trực tiếp đảm trách công tác điều trị, tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường nuôi 2 ngày/tuần và liên tục cho đến khi hết dịch. Đối với vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh thì phải tiêm phòng đầy đủ 14 ngày nhằm tránh lây lan. Theo ông Đặng Đình Toại, muốn khống chế được dịch bệnh không nên giao việc tiêu độc khử trùng cho hộ chăn nuôi, mà phải thành lập các tổ chuyên trách thực hiện công tác này và có sự giám sát của ngành chức năng. Ngoài ra, việc giết mổ gia súc chỉ được tiêu thụ tại thôn, buôn, cấm mua bán, vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch; tuyệt đối nuôi cách ly gia súc đã mắc bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăn thả bò theo từng thôn, buôn riêng biệt.
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong bao vây dập dịch lở mồm long móng trên bò của xã Ea Bia nói riêng và huyện Sông Hinh nói chung là việc vận động hộ chăn nuôi cùng tham gia công tác tiêm phòng vắc - xin. Bà Đỗ Thị Đậu, Phó chi cục trưởng Chi Cục Thú y Phú Yên cho biết: “Dịch bệnh lở mồm long móng trên bò đã từng xảy ra ở xã Ea Bia, nguyên nhân chủ yếu là do hộ chăn nuôi không tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, vì ngại khi tiêm phòng bò bị gầy ốm. Nếu được tiêm phòng đầy đủ thì trâu bò sẽ có kháng thể miễn dịch cao và tránh được dịch bệnh. Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả, sắp đến Chi cục Thú y Phú Yên sẽ tăng cường cán bộ nhằm hỗ trợ xã Ea Bia đẩy nhanh tiêm phòng và dập dịch trong thời gian sớm nhất.
MẠNH HOÀI