Sông Hinh là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh. Từ khi được đầu tư các chương trình 135, 134 của Chính phủ, giao thông thuận lợi, điện, nước sinh hoạt dẫn đến từng nhà, trạm y tế và trường học xây dựng khang trang... góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Trịnh Thị Nga thăm thầy, trò Trường THCS xã Sông Hinh – Ảnh: A.NGỌC
Cùng với các chương trình khác, nguồn vốn từ chương trình 135 (cả hai giai đoạn), đã đầu tư cho xã Sông Hinh nhiều công trình. Từ năm 1999 - 2006 xã tiếp nhận trên 1,1 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, xã trích 538 triệu đồng đầu tư nâng cấp 2,7 km đường giao thông thuộc ĐT 649 về trung tâm xã; xây dựng đập Ea Saral và cải tạo 10 ha lúa nước hai vụ với kinh phí 387 triệu đồng; xây dựng một phòng học mẫu giáo tại thôn Bình Sơn, kinh phí 80 triệu; sửa chữa và nâng cấp trạm y tế xã và đào 2 giếng nước trị giá 148 triệu đồng.
Giai đoạn II của chương trình 135 tiếp tục đầu tư xây dựng cho xã Sông Hinh nhiều công trình lớn như sửa chữa và bổ sung các hạng mục để hoàn thiện trường tiểu học với kinh phí 296 triệu đồng. Xây dựng trường trung học cơ sở quy mô 8 phòng học, cùng nhiều trang thiết bị dạy và học, tường rào, sân chơi, nhà xe… giá trị 2,2 tỉ đồng. Lồng ghép nguồn vốn giao thông nông thôn kiên cố hóa hơn 2,7 km đường bê tông trị giá 2,5 tỉ đồng. Tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng 8,2 km đường về trung tâm xã giá trị 9 tỉ đồng. Nhờ kết hợp nhiều nguồn, đến nay xã Sông Hinh đã có trên 10 km đường. Hệ thống điện sinh hoạt đã mở rộng lưới điện 0,4kV đến các thôn Suối Dứa, Bình Sơn, Yên Sơn với tổng chiều dài trên 4.000m, kinh phí đầu tư 450 triệu đồng… Tổng nguồn vốn chương trình 135 giai đoạn II lồng ghép vào các chương trình khác đạt trên 15,3 tỉ đồng.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ 8.000 kg phân bón và 5.000 kg bắp giống lai cho hơn 800 lượt hộ với số tiền 214 triệu đồng. Hỗ trợ 10.000 cây giống ca cao để trồng thí điểm cho 30 hộ với số tiền hơn 68,4 triệu đồng, hỗ trợ 282,4 triệu đồng cho công tác khuyến nông, hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến bảo quản sau thu hoạch cho 50 hộ với số tiền 273,6 triệu đồng; hỗ trợ 137 học sinh thuộc diện hộ nghèo theo Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ 82,4 triệu đồng…
Đến nay, Chương trình 134 đã xây được 64 nhà, mỗi căn trị giá từ 8 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, vấn đề đất sản xuất và nước sinh hoạt còn đang gặp nhiều khó khăn. Sau khi thực hiện tái định cư để xây dựng công trình Thủy điện Sông Hinh, khó khăn lớn nhất của bà con của xã Sông Hinh là đất sản xuất. Nếu tính theo định mức của Chính phủ thì đất sản xuất đối với bà con ở xã Sông Hinh không thiếu, nhưng lại quá thấp so với nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, nước sinh hoạt, chương trình 134 chưa có công trình hỗ trợ về cấp nước tập trung vì đã có các công trình cấp nước tự chảy của chương trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng nước chưa đảm bảo, thường xuyên xảy ra sự cố.
Ông Trần Ngọc Thuân, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, cho biết: “Chương trình 134, 135 và các chương trình lồng ghép khác đã đáp ứng kịp thời cho sự phát triển kinh tế ở xã miền núi Sông Hinh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự nỗ lực của địa phương cùng với người dân, xã Sông Hinh hôm nay đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có được cuộc sống sung túc, no đủ hơn. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm tương đối tốt, nước sạch và vệ sinh môi trường cũng được đảm bảo. Đáng mừng nhất là đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sông Hinh đã thay đổi nhận thức, phương thức, tập quán sản xuất lạc hậu bằng những tiến bộ. Người dân đã dần dần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chăn nuôi… Đời sống văn hóa, tinh thần cũng khởi sắc hơn, những hủ tục lạc hậu dần dần được xóa bỏ…”.
ANH NGỌC