Với phương châm “thấu lý, đạt tình” và kỹ năng “mềm dẻo, khéo léo“, thời gian qua lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) Phú Yên đã làm trung gian hòa giải thành công nhiều vụ việc tàu thuyền tung, va; ngư dân tranh chấp ngư trường, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Lực lượng Bộ đội biên phòng Phú Yên đi tuần tra hòa giải.- Ảnh: X.HIẾU
MỘT VỤ HÒA GIẢI THÀNH CÔNG
Chiều 29/9 vừa qua, trong lúc xuất bến, vì không làm chủ tốc độ, phương tiện PY 40594 do anh Võ Văn Tư làm thuyền trưởng đã sơ ý đâm va vào phần sau lái thuyền của anh Võ Lên ở thôn 2, xã Xuân Hải (TX Sông Cầu), khiến thuyền hư hỏng nặng, bị phá nước và chìm ngay sau đó. Nhận tin báo, cán bộ chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Tuy Phong (Đồn BP 344) đã đến ngay hiện trường để ổn định tình hình và xác định vụ việc. Cùng với việc vận động bà con trục vớt các thiết bị ngư cụ bị rơi xuống biển, các anh đã nhanh chóng lập biên bản kiểm tra, tìm các dấu vết trên hai phương tiện liên quan, ghi lời khai của người trong cuộc và các nhân chứng. Khi nắm vững các tình tiết với đầy đủ các chứng cứ, đồn tiến hành gặp gỡ hai bên và nghe họ trình bày ý kiến về sự cố. Qua đó, phân tích lỗi, các yếu tố khách quan, chủ quan gây tai nạn và xác định mức độ thiệt hại và tiến hành công tác hòa giải.
Thiếu tá Nguyễn Văn Chang, Đồn phó trinh sát Đồn BP 344 cho biết: Việc hòa giải giữa hai bên có sự chứng kiến của bà con trong ban lạch, chính quyền địa phương. Kết thúc hòa giải, anh Tư chấp nhận bồi thường cho anh Lên số tiền 27 triệu về những thiệt hại do vô ý gây ra. Cả hai bên gây nạn và bị nạn đều vui vẻ tán thành kết quả hòa giải. Về phía anh Lên, mặc dù đang phải gián đoạn việc làm ăn song xác định chuyện vừa qua là rủi ro trong làm ăn nên đã tỏ ra thông cảm đối với người đã lỡ gây nạn.
PHÍA SAU THÀNH CÔNG
Thiếu tá Nguyễn Văn Chang cho biết: Với vụ việc vừa qua, việc có mặt tại hiện trường ở thời điểm sớm nhất và nhanh chóng tìm kiếm, xác định dấu vết va chạm để lại trên các phương tiện là cơ sở chứng cứ giúp cho đồn khẳng định, thuyết phục bên gây hại nhận thấy lỗi mình gây ra. Sau chứng cứ là việc định giá giá trị tài sản bị thiệt hại một cách khách quan, công khai. Để làm được điều này, đồn đã cử cán bộ đi đến những cơ sở đóng tàu, nơi bán các thiết bị, ngư cụ để có cơ sở định giá đúng, sau đó là tham khảo ý kiến trong ban lạch, các lão ngư trong làng. Thiếu tá Chang tâm sự: “Không dễ gì đạt được thành công nếu không đủ chứng cứ thuyết phục từ phía bà con, làm cho hai bên đều thỏa mãn. Bởi, nếu hai bên không thỏa mãn, dễ dẫn đến hiềm khích, mâu thuẫn kéo dài đến lúc ra giữa biển họ gây gỗ, ẩu đả nhau thì hậu quả vô cùng nặng nề”.
Thực trạng tình hình hoạt động trên biển thời gian qua cho thấy điều kiện thời tiết như sương mù, gió bão, những đặc thù trong hoạt động của nghề biển trên địa bàn tỉnh, nhất là trong việc tổ chức bến bãi, việc trang bị các phương tiện, thiết bị, đèn hiệu chưa thật sự đáp ứng với hoạt động của ngành nghề… là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn xảy ra khá thường xuyên trên biển. Thượng tá Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng phòng chống ma túy BĐBP Phú Yên cho biết: Gần như tháng nào cũng có ít nhất một, hai sự cố tung va, mang lưới, tranh chấp trên ngư trường xảy ra trên vùng biển của tỉnh. Những vụ việc nhỏ, có thể bà con ngư dân tự giải quyết. Nhưng những vụ lớn cần có vai trò xử lý và làm trung gian hòa giải của BĐBP.
Nói về khó khăn và kinh nghiệm trong công tác hòa giải, đại úy Trần Ngọc Dũng, cán bộ trinh sát Đồn BP 352 cho biết: “Hiện trường của vụ việc xảy ra trên biển là thách thức lớn nhất trong việc xác định đối tượng và nguyên nhân gây hại, bởi sau vụ việc xảy ra thì “hiện trường” cũng không còn. Hoặc ví như nếu vụ việc mang lưới xảy ra giữa khơi xa, khi BĐBP nắm được nguồn tin và ra đến nơi thì có thể phương tiện gây nạn đã cắt lưới mang rồi bỏ đi, rất khó xác định chứng cứ. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác xử lý phải tinh tường, không chỉ nắm vững nghiệp vụ điều tra mà còn phải hiểu rõ quy trình hoạt động của từng loại nghề của ngư dân, từ đó phân tích và chỉ đúng lỗi gây hại, điều đó sẽ thuyết phục về lý”.
Trung tá Lê Quang Trưởng, Đồn trưởng Đồn BP 352 cho biết: Ngoài một số ít do ngư dân tranh chấp ngư trường dẫn đến xô xát, đánh nhau cần kiên quyết xử lý mạnh tay, phần lớn, những tai nạn, va quệt trên là những rủi ro trong làm ăn của ngư dân. Phương châm khi xử lý là BĐBP luôn cố gắng thực hiện vai trò người làm trung gian hòa giải để hai bên bị nạn và gây nạn thương lượng với nhau về bồi thường thiệt hại, bảo đảm “thấu lý, đạt tình”. Những người gây nạn luôn có xu hướng gạt bỏ và không thừa nhận phần sai của mình để tránh chuyện bồi thường. Do vậy, phải biết quan sát, nhận định, xác định chính xác bản chất sự việc, phần lỗi đúng, sai, có thể chỉ bằng việc nhận ra một vài dấu vết còn lại trên phương tiện hay tấm lưới để đấu tranh, thuyết phục được đối tượng. Một điều cũng hết sức quan trọng là việc tham khảo ý kiến của những người lâu năm trong nghề thuyền chài, đặc biệt là chú trọng kết hợp đưa quy ước của ban lạch, quy định của địa phương vào việc phân xử, để khi đưa ra kết luận, các chủ phương tiện đều phải “tâm phục khẩu phục”.
HOÀNG PHƯƠNG