Thứ Bảy, 05/10/2024 08:21 SA
Tăng cường nhiều giải pháp hạn chế trẻ em lang thang
Thứ Sáu, 16/10/2009 19:00 CH

Theo báo cáo chưa đầy đủ từ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố, tình hình trẻ em lang thang biến động rõ rệt vào những tháng đầu năm 2009. Chỉ riêng xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đã có tới 20 trẻ em lang thang kiếm sống tại các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi... Số trẻ em từ các huyện Tây Hòa, Tuy An lang thang bán vé số và ăn xin tại TP Tuy Hòa khá nhiều. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Tương Lai - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên về vấn đề này.

 

boc-hat-dieu.091016.jpg
Nhiều trẻ em ở xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu) bóc vỏ hạt điều, kiếm thêm thu nhập cho gia đình - Ảnh: K.CHI

 

* Trước tình hình số lượng trẻ lang thang tăng mạnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có những hoạt động nào giúp trẻ em hồi gia?

 

- So với kết quả đánh giá tại hội thảo tổ chức vào tháng 12/2008 (toàn tỉnh chỉ còn 2 em lang thang theo mẹ vào TP Hồ Chí Minh, số trẻ còn lại đã hồi gia 100%), tỉ lệ trẻ em lang thang trong 9 tháng qua tăng rất nhiều, có đến hơn 50 trẻ lang thang, chủ yếu ở Đồng Xuân, Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An, Phú Hòa.

 

Đầu tháng 9/2009, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Tuy Hòa phối hợp với các ngành chức năng đưa trẻ cùng gia đình tập trung tại Trung tâm Giáo dục chữa bệnh - Lao động và Xã hội tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND xã Xuân Lãnh đã phối hợp với các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định đưa 13 trẻ lang thang, xin ăn hồi gia. Từ đầu năm đến nay, ngành đã hỗ trợ ban đầu cho 12 em, hỗ trợ các điều kiện học tập cho 8 em, hỗ trợ học nghề tại cộng đồng  cho 5 em.

 

Bên cạnh đó, ngành tổ chức chiến dịch truyền thông “Ngăn chặn trẻ em lang thang, xin ăn” tại xã Xuân Lãnh; tập huấn cho lãnh đạo các ban ngành đoàn thể và các trưởng thôn, già làng về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các quy định của pháp luật về lao động trẻ em, tác hại của việc trẻ em lao động nặng nhọc, lang thang xin ăn và các giải pháp hạn chế; truyền thông cho trên 300 trẻ em, cung cấp kiến thức về quyền, bổn phận của trẻ em và tác hại của việc trẻ em rời gia đình lang thang kiếm sống.

Tuy nhiên, tình hình trẻ em lang thang và tái lang thang vẫn còn nhiều biến động. Đặc biệt nổi cộm là trẻ em tại Xuân Lãnh, Hòa Tân Tây bỏ làng đi xin ăn. Một số em do bố mẹ đưa đi, một số em theo người lớn trong làng đi.

 

* Những tồn tại trong công tác trợ giúp là gì, thưa bà?

 

- Một số địa phương chưa chú trọng đến các hoạt động giúp đỡ trẻ em có nguy cơ lang thang nên đã có tình trạng trẻ em lang thang mới. Các huyện chưa chú trọng đến việc tư vấn, giám sát trẻ em lang thang hồi gia học nghề nên đến nay chỉ có 5 em học nghề, số còn lại bỏ giữa chừng hoặc không có việc làm. Bên cạnh đó, trách nhiệm và kiến thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của một số gia đình chưa cao nên vẫn cứ để trẻ em tiếp tục lang thang kiếm sống, xem đây là nguồn thu nhập của gia đình. Việc xây dựng mô hình điểm về can thiệp và trợ giúp trẻ em lang thang, một số huyện đã tổ chức thực hiện nhưng chưa báo cáo về tỉnh theo đúng quy trình hướng dẫn thực hiện mô hình, một số huyện thực hiện quá chậm so với kế hoạch.

 

* Giải pháp nào trong thời gian tới để giúp trẻ hồi gia bền vững và hạn chế tình trạng trẻ em lang thang mới?

 

- Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hướng dẫn thủ tục cho trẻ em có nhu cầu học nghề; giám sát, thúc đẩy để các em hoàn thành chương trình học nghề và có kế hoạch trợ giúp để trẻ em có cơ hội tìm việc làm ổn định. Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh mô hình điểm về can thiệp và trợ giúp pháp lý 3 nhóm trẻ em theo Quyết định 19/CP, trong đó có trẻ em lang thang. Riêng đối với trẻ em đã hồi gia đang đi học và trẻ em con gia đình nghèo, khó khăn có nguy cơ bỏ học, đề nghị phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách gởi về trong tháng 10 này để cân đối hỗ trợ sách vở. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục - Đào tạo để thực hiện tốt công tác hỗ trợ và quản lý trẻ em có nguy cơ lang thang. Thực hiện cam kết giữa chính quyền địa phương và hộ gia đình về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, không để trẻ em lang thang kiếm sống. Thực hiện lịch tập huấn kỹ năng bảo vệ phòng chống trẻ em bị xâm hại tình dục tại 18 xã, phường trọng điểm trong toàn tỉnh cho cán bộ xã, phường, thôn và 100% đội trưởng đội tình nguyện viên phòng chống tệ nạn xã hội. Phối hợp với UBND các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An tiếp tục tuyên truyền và thực hiện các giải pháp đồng bộ để hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em lang thang xin ăn. Tăng cường công tác truyền thông, chuyển tải nhiều thông điệp, thông tin về nguy cơ, hậu quả của trẻ em đi lang thang đến tận người dân, sớm chuyển đổi nhận thức cho các bậc phụ huynh.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

VŨ HOÀNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek