Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm Phú Yên có hơn 4.000 hộ vượt nghèo. Đó là nỗ lực lớn thể hiện sự chung tay của toàn xã hội thực hiện có hiệu quả chương trình xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo, đồng thời giúp vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để người nghèo biết cách làm ăn từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều người nghèo Phú Yên được cộng đồng, xã hội giúp đỡ vượt qua khó khăn. - Ảnh: K.LIÊN
XÃ HỘI HÓA VIỆC XÓA NHÀ Ở TẠM
Xác định việc xóa nhà ở tạm giúp người nghèo ổn định nơi ăn chốn ở, từ đó yên tâm làm ăn là một giải pháp căn bản giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống nên trong chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Phú Yên đặc biệt chú trọng thực hiện chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo với mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2010. Qua điều tra cuối năm 2005, trong số 36.097 hộ nghèo của tỉnh thì có 8.840 hộ ở trong những ngôi nhà tranh tre nứa lá, xiêu vẹo, dột nát cần được giúp đỡ để họ “an cư lạc nghiệp”.
Tuy nhiên, để có nguồn vốn hỗ trợ từ 8 - 12 triệu đồng/nhà tùy theo đối tượng nhằm xóa 1.700 nhà tạm mỗi năm, đối với một tỉnh mà nguồn thu ngân sách địa phương mới đáp ứng 50% nhu cầu chi thường xuyên như Phú Yên là điều không phải dễ. Do vậy, xã hội hóa công tác xóa nhà ở tạm, vận động toàn xã hội tham gia vào chương trình mang tính nhân văn sâu sắc này được tỉnh quan tâm. Thực tế cho thấy, trong 3 năm (2006 - 2008), Phú Yên đã huy động được gần 48.850 triệu đồng giúp cho 4.853 hộ nghèo xây dựng lại nhà mới; ngân sách nhà nước hỗ trợ 14.848 triệu đồng, quỹ Vì người nghèo giúp 10.005 triệu đồng, phần còn lại do các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các nhà từ thiện ủng hộ và bản thân người nghèo đóng góp.
Kết quả thực hiện xã hội hóa công tác xóa nhà ở tạm được thể hiện rõ nhất qua phong trào xây dựng nhà “đại đoàn kết” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
GIÚP VỐN VÀ HƯỚNG DẪN NGƯỜI NGHÈO LÀM ĂN
Khảo sát của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói của phần lớn hộ nghèo Phú Yên là thiếu vốn và thiếu kiến thức trong cách thức làm ăn. Do vậy, giải quyết vốn gắn với hướng dẫn người nghèo trong sản xuất là những giải pháp chính được tỉnh chú trọng thực hiện. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người nghèo ở Phú Yên không chỉ được các cơ quan nhà nước quan tâm mà còn được các tổ chức, đoàn thể cùng chung tay. Giữa các đoàn thể chính trị xã hội và nhiều ngành của tỉnh như hai sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Công thương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đều có nghị quyết liên tịch để chung sức giúp người nghèo vượt khó. Tại Phú Yên, mỗi năm có hơn 18.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận các nguồn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; 2.000 lượt người được tập huấn về khuyến nông – lâm - ngư; 600 người được hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; xây dựng nhiều mô hình sản xuất để người nghèo học tập làm theo... Thông qua kết hợp giữa giải ngân vốn của các chương trình tín dụng ưu đãi với hướng dẫn cách làm ăn đó, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 4.150 hộ thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhường ở phường 5 (TP Tuy Hòa) là hộ nghèo có mã số đã vượt nghèo nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2003, từ số vốn vay 3 triệu đồng, bà nuôi 2 con heo và trồng vài luống dưa hấu, sau khi trả nợ vay còn lãi 6 triệu đồng; bà tiếp tục vay 7 triệu đồng đầu tư kiên cố chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi lên hơn 20 con heo, mở rộng diện tích trồng dưa hấu lên 2 sào, nhờ vậy mà thu nhập hàng năm gần 30 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình bà Nhường có điều kiện xây dựng lại nhà mới và lo cho 3 con ăn học, trong đó có một cháu đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh. Bà Nhường giải bày: “Nếu không có Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp vay vốn và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do ngành nông nghiệp tổ chức thì có lẽ cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng mãi”.
Cán bộ Sở LĐ-TB-XH và Bộ đội biên phòng Phú Yên khảo sát thực tế trước khi triển khai công tác xóa nhà tạm cho hộ nghèo - Ảnh: H.CHƯƠNG
Ông Đào Tấn Nguyên - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên cho biết: “Thông qua 9 chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi, nguồn vốn đến với các hộ nghèo Phú Yên tăng bình quân xấp xỉ 30%/năm. Đến cuối tháng 9/2009, dư nợ của chi nhánh đạt 903,9 tỉ đồng với hơn 96.000 hộ vay vốn, chiếm 41,7% số hộ của cả tỉnh, trong đó, cho vay hộ nghèo và cận nghèo được vay gần 404 tỉ đồng với gần 44.900 hộ. Trong số các đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh đứng ra ủy thác vay vốn thì Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hoạt động tích cực nhất, sử dụng đồng vốn nhiều và mang lại hiệu quả nhất. Các cấp Hội Phụ nữ đã đứng ra tín chấp cho 54.460 lượt hộ vay với số tiền lên đến 502,3 tỉ đồng. Điều đáng mừng là trong khi nợ quá hạn toàn chi nhánh chiếm 0,77% trên tổng dư nợ thì nợ quá hạn do phụ nữ nhận ủy thác chỉ chiếm 0,52%.
Với những nỗ lực đó, trong 3 năm qua (2006- 2008), Phú Yên có hơn 12.400 hộ thoát nghèo, giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 19,31% xuống còn 11,6%. Đồng chí Lê Kim Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong chương trình xóa đói giảm nghèo, Phú Yên luôn quan tâm đến những vùng khó khăn, nên mặt bằng chung giữa các huyện, thị, thành phố không có khoảng cách lớn. Do vậy Phú Yên không có huyện nghèo nhất nước như các tỉnh trong khu vực. Kết quả đó là nhờ sự chung tay của toàn xã hội, mà tiêu biểu là việc xóa nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo. Ngoài 2 nguồn vốn của Chương trình xóa nhà ở tạm của UBND tỉnh và Quỹ vì người nghèo của Mặt trận tỉnh, hàng năm các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, đoàn thể còn ủng hộ xây dựng cả trăm ngôi nhà tình thương cho người nghèo. Đến thời điểm này, các đối tượng chính sách, cựu chiến binh, hộ nghèo dân tộc thiểu số đã không còn sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Năm nay, Phú Yên được Chính phủ hỗ trợ thêm 5 tỉ đồng theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cùng với phong trào xã hội hóa đang được nhân rộng thì Phú Yên có khả năng đạt mục tiêu xóa nhà tạm cho hộ nghèo và giảm số hộ nghèo xuống còn 9% vào cuối năm 2010.
NGUYÊN TRƯỜNG