Chủ Nhật, 06/10/2024 19:38 CH
UBND tỉnh Phú Yên chỉ thị:
Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy lớn
Thứ Sáu, 25/09/2009 11:00 SA

UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy lớn trên địa bàn tỉnh.

 

chay.090925.jpg

Diễn tập chữa cháy. - Ảnh: P.V

 

Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian đến, tình hình cháy sẽ còn có những diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng cả về số vụ cháy và giá trị thiệt hại, nhất là ở những nơi: khu công nghiệp, khu kinh tế; cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài; những cơ sở sản xuất có quy mô lớn, hoạt động nhiều năm, dây chuyền công nghệ, hệ thống phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, thay thế. Để thực hiện tốt công tác PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy lớn xảy ra trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; chủ tịch UBND các huyện, thành phố và giám đốc các doanh nghiệp phải xác định công tác PCCC là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa mang tính lâu dài, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nội dung công tác.

 

Một là: Tăng cường và duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, công chức, người đứng đầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện nghiêm Luật PCCC, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC, Chỉ thị số 35/2008/CT-UBND ngày 11/12/2008 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC năm 2009; Công văn số 184/UBND-NC ngày 5/8/2009 của UBND tỉnh về cấp nước PCCC tại đô thị và khu công nghiệp và các văn bản pháp quy khác về công tác PCCC, làm cho các tổ chức và cá nhân thấy được vị trí, vai trò, tầm quan trọng và lợi ích to lớn của công tác PCCC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tăng cường tuyên truyền công tác PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; tăng thời lượng thực hiện các phóng sự, tin bài phản ánh các hoạt động PCCC, phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và từng cá nhân đối với công tác PCCC; cảnh báo các điều kiện, nguyên nhân và thiệt hại do cháy lớn gây ra để mọi người biết và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

 

Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội và nhân dân tham gia thực hiện tốt các quy định về an toàn PCCC, hạn chế xảy ra các vụ cháy, nhất là các vụ cháy lớn trên địa bàn tỉnh.

 

Hai là: Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn cháy và cháy lớn tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội tại các cơ sở sản xuất liên doanh, liên kết với nước ngoài hoặc có 100% vốn nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp… nhằm hạn chế và loại trừ các điều kiện, nguyên nhân gây cháy.

 

Ba là: Thực hiện nghiêm túc các quy định tiêu chuẩn về khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình, hạng mục công trình; xây tường ngăn cháy, làm màn nước ngăn cháy, lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; kiểm tra, củng cố hệ thống điện cung cấp cho thiết bị dây chuyền trong sản xuất đảm bảo an toàn, tách riêng nguồn điện phục vụ hoạt động của các hệ thống, phương tiện PCCC với nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh.

 

Bốn là: Các doanh nghiệp thường xuyên làm vệ sinh công nghiệp ở những cơ sở mà trong quá trình sản xuất phát sinh chất thải, bụi dễ cháy nổ bám vào dây chuyền công nghệ, cấu kiện xây dựng, hệ thống máng kỹ thuật nhằm loại trừ khả năng gây cháy, cháy lan trên diện rộng; giảm tải trọng chất cháy trong các công trình. Không bố trí kho nguyên vật liệu, hàng hóa trong nhà xưởng sản xuất hoặc gần khu vực phát sinh nguồn nhiệt, tia lửa; sắp xếp xen kẽ các ngành hàng dễ cháy với ngành hàng khó cháy.

 

Trang bị đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo hoạt động tốt khi có tình huống cháy xảy ra. Củng cố, xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ nhằm đảm bảo đủ khả năng xử lý ban đầu các vụ cháy, không để cháy lan rộng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ ở những nơi dễ gây cháy nổ, chú ý thời gian cao điểm về sản xuất, thời gian ngoài giờ làm việc, các ngày nghỉ, ngày lễ để phát hiện và chữa cháy kịp thời.

 

Năm là: Tổ chức ngay đợt tổng kiểm tra, phúc tra, chấn chỉnh công tác PCCC ở các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy, nổ lớn tại các chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, điểm tiểu thủ công nghiệp, kho hàng hóa, kinh doanh xăng dầu, khu dân cư đông người tập trung nhiều nhà dễ cháy, các làng nghề, các kho vật liệu nổ công nghiệp… Kiểm tra về kết cấu, kiến trúc xây dựng, bố trí dây chuyền công nghệ, các điều kiện đảm bảo thông tin báo cháy, chữa cháy và phục vụ chữa cháy; phát hiện những sơ hở, thiếu sót để chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC ở cơ sở theo đúng quy định của pháp luật.

 

Sáu là: Xây dựng đề án đầu tư nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp giai đoạn 2010-2015, đảm bảo lực lượng và trang bị phương tiện PCCC, cấp nước chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, dập tắt kịp thời các vụ cháy nhất là các vụ cháy lớn trên địa bàn tỉnh.

 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; chủ tịch UBND các huyện, thành phố và giám đốc các doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung liên quan tại chỉ thị này, báo cáo việc triển khai cho UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 10/10/2009. Giao Công an tỉnh giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ thị này; tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và Bộ Công an.

 

Theo chỉ thị trên, trong 5 năm (2004-2008) trên toàn quốc đã xảy ra 12.313 vụ cháy, làm chết 276 người, bị thương 952 người và gây thiệt hại tài sản trị giá 2.084 tỉ đồng (chưa kể thiệt hại do cháy rừng); trong đó có 120 vụ cháy lớn làm chết 11 người, bị thương 29 người và thiệt hại về tài sản 1.373,175 tỉ đồng. Riêng địa bàn tỉnh Phú Yên trong 5 năm qua xảy ra 91 vụ cháy, làm chết 1 người, bị thương 1 người và gây thiệt hại tài sản hơn 5 tỉ đồng; trong đó có 4 vụ cháy lớn, thiệt hại tài sản khoảng 2,223 tỉ đồng.

 

Các vụ cháy lớn thường xảy ra vào ban đêm và tập trung chủ yếu tại các nơi như: chợ, trung tâm thương mại, kho hàng hóa, cơ sở sản xuất công nghiệp và khu dân cư (gọi chung là cơ sở); trong đó cháy lớn tại các cơ sở sản xuất liên doanh, liên kết với nước ngoài hoặc có 100% vốn nước ngoài chiếm tỉ lệ cao. Nguyên nhân gây ra cháy chủ yếu là do sơ suất khi dùng lửa, chập điện, quá trình vận hành máy móc thiết bị phát sinh ra nguồn nhiệt, tia lửa gây cháy…

 

PV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek