Chủ Nhật, 13/10/2024 23:26 CH
Sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn:
Tiền “dẫn” nước về nhà quá lớn
Thứ Hai, 18/05/2009 19:00 CH

Việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung là nhằm giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Thế nhưng, có một thực tế là người dân tại một số vùng nông thôn ở Phú Yên lại không thể sử dụng nguồn nước từ các công trình cấp nước mà theo phản ánh là do số tiền để đấu nối đường ống dẫn nước vào nhà quá lớn và người dân lo ngại giá nước tăng.

 

nuoc-Phu-Hoa.jpg

Vốn hộ dân bỏ ra đấu nối công trình nước quá lớn, vì vậy công trình cấp nước sinh hoạt Nhất Sơn, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) sau 4 năm chỉ có 72 hộ                                                – Ảnh: H.NAM

 

CHI PHÍ NỐI ĐƯỜNG ỐNG QUÁ LỚN

 

Công trình cấp nước tập trung (CNTT) thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) có tổng vốn đầu tư 3,2 tỉ đồng, đã được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2009. Trong đó, phần xây lắp đường ống chính trị giá gần 1,9 tỉ đồng đã được thanh toán, phần còn lại trên 1,3 tỉ đồng là vốn do nhân dân đóng góp. Hiện công trình cấp nước này được đấu nối vào nguồn nước của hệ thống cấp nước huyện Phú Hòa, do Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên quản lý. 

 

Theo thiết kế, công suất cấp nước của công trình là 145m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 467 hộ dân thôn Cẩm Thạch. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có 65 hộ dân trong thôn sử dụng nước sạch từ công trình này. Ông Lê Văn Tiến, một người dân địa phương, bức xúc: “Chúng tôi mong mỏi có nguồn nước sạch từ lâu, nhưng khi có công trình nước sạch thì không sử dụng được vì bà con không đủ tiền để đấu nối với đường ống chính dẫn nước vào nhà”. Ông Nguyễn Văn Chần, Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây 1, cho biết: “Theo thiết kế đã được phê duyệt, cứ đấu nối 3m đường ống vào nhà thì người dân phải trả 930.000 đồng. Do thôn Cẩm Thạch nằm cách xa đường ống chính hàng chục mét nên bình quân mỗi hộ ở đây phải bỏ ra đến 10 triệu đồng mới có thể dẫn được nước vào đến nhà”.

 

Ông Nguyễn Tấn Diệm, Chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây cho biết, đời sống của đa số hộ dân ở thôn Cẩm Thạch còn khó khăn, trong khi đó số vốn huy động đóng góp để lắp đặt hệ thống đường ống vào từng hộ quá lớn, do vậy đến nay công trình vẫn chưa thực hiện quyết toán. Chúng tôi đề nghị tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí để đấu nối đường ống chính, nhằm bảo đảm công trình phát huy hiệu quả và giúp người dân sử dụng được nguồn nước sạch.

Cũng do kinh phí đầu tư đấu nối từ đường ống chính vào nhà quá lớn, nên nhiều hộ dân ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) cũng không thể sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Theo thiết kế, công trình cung cấp nước sinh hoạt thôn Nhất Sơn sẽ cung cấp nước cho 150 hộ, thế nhưng đã qua 4 năm kể từ ngày công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, hiện chỉ có 72 hộ đăng sử dụng nước! Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hòa Hội 1 giải thích: “Thực tế, trong số 72 hộ đang sử dụng nước sạch ở thôn Nhất Sơn thì chỉ có 32 hộ bỏ tiền đấu nối đường ống, 40 hộ còn lại thuộc diện hộ nghèo, được miễn phí lắp đặt đường ống nước. HTX đã vận động người dân trong thôn sử dụng nước sạch, nhưng vì tiền đấu nối đường ống quá lớn nên ai cũng bảo chịu khó “xài tạm” nước giếng”.

 

PHẬP PHỒNG THEO GIÁ NƯỚC

 

Công trình CNTT thôn Bình Thạnh Nam, xã Xuân Bình (huyện Sông Cầu) có vốn đầu tư 100 triệu đồng được xây dựng từ cuối năm 2008, công suất 85 m3/ngày đêm, được đấu nối vào hệ thống nước của Trạm cấp nước Bắc Sông Cầu do Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên quản lý. Theo ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, hiện chỉ có 41 hộ sử dụng nước từ công trình, đạt 20,5 % năng lực thiết kế. Nguyên nhân, Trạm cấp nước Bắc Sông Cầu bán nước cho HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Bình (đơn vị quản lý vận hành công trình CNTT thôn Bình Thạnh Nam) với giá 2.500 đồng/m3 tại đồng hồ tổng. Trong khi đó, tuyến đường ống từ đồng hồ tổng vào đến nhà dân dài 1.100 m, vì vậy HTX vẫn chưa thể ấn định giá bán nước lại cho người dân vì còn phải chờ thời gian để tính toán lượng nước hao hụt, rò rỉ thì mới đưa ra giá bán chính thức. Theo ông Cảm, để tính mức giá bán nước lại cho người dân, ngoài trừ chi phí nước hao hụt và công quản lý vận hành, HTX còn phải tính khoản kinh phí lợi nhuận để tái đầu tư cho việc bảo dưỡng, sửa chữa khi công trình nước xảy ra sự cố.

 

Hiện nay, 41 hộ dân đang sử dụng công trình nước tập trung thôn Bình Thạnh Nam cũng đang phập phồng lo lắng vì không biết giá nước sinh hoạt sẽ tăng bao nhiêu! Ông Nguyễn Ngọc Hoa, người dân thôn Bình Thạnh Nam, lo lắng: “Dù đã đấu nối và sử dụng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nhưng gia đình tôi phải “xài” tiết kiệm vì có thể HTX bán nước với giá 3.000- 4.000 đồng/m3”.

 

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND huyện  Sông Cầu về chương trình giám sát các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên yêu cầu: “Để “kích cầu” cho người dân sử dụng nước sinh hoạt, UBND huyện Sông Cầu cần sớm làm việc với Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên xem xét lại giá nước. Hiện giá nước bán qua đồng hồ tổng bằng giá bán lẻ e rằng không phù hợp”.

 

 

 

MẠNH HOÀI NAM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek