“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là thông điệp xuyên suốt diễn đàn “Quyền trẻ em” được tổ chức mới đây tại hội trường Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BCH BĐBP) tỉnh Phú Yên. Gần 150 thiếu niên nhi đồng gồm học sinh Trường PTCS Ngô Quyền và con em các gia đình quân nhân trong lực lượng BĐBP đã có một đêm sôi động với những tiết mục múa hát và trò chuyện với người lớn để bày tỏ những thắc mắc của mình. Qua diễn đàn này, những tâm hồn trẻ thơ lại được thắp sáng niềm tin vào những điều tốt đẹp mà người lớn đã dành cho các em.
Ảnh: Văn Tài
Một sân khấu rực rỡ sắc màu của đèn, hoa, những chùm bóng bay và cả những bộ phục trang xinh xắn của các em nhỏ. Tiếng nhạc lời thơ, những điệu múa, câu hát trong trẻo hồn nhiên mở màn cho một đêm giao lưu đầy ý nghĩa.
Sau những tiết mục văn nghệ, diễn đàn được mở ra bằng phần trình bày những hiểu biết về quyền trẻ em dưới hình thức hái hoa dân chủ. Từ dưới sân khấu hàng loạt cánh tay nhỏ nhắn giơ lên đầy vẻ tự tin, xin được trả lời. Cô bé Nguyễn Thị Thanh Thủy, học lớp 4D Trường tiểu học Lạc Long Quân, con một gia đình quân nhân nhận được câu hỏi: “Trẻ em giúp đỡ cha mẹ là đúng hay sai”. Nét mặt trong sáng, hồn nhiên, câu trả lời đầy tình cảm yêu thương của em khiến mọi người xúc động: “Ba mẹ cháu đã khổ rất nhiều để nuôi dạy cháu từ khi mới sinh cháu ra đến nay. Bây giờ đã lớn, cháu phải giúp đỡ ba mẹ công việc trong nhà để ba mẹ bớt khổ, ba mẹ còn lo cho em của cháu. Cháu cũng muốn làm theo lời Bác Hồ dạy là: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Cháu sẽ cố gắng…”. Các câu hỏi đặt ra đều xoay quanh những vấn đề rất gần gũi cuộc sống của các em. Một vài câu gợi lên trăn trở về tình trạng trẻ lang thang, trẻ có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường, trẻ khuyết tật, hay sự phân biệt trai gái trong gia đình… Mỗi câu trả lời của các em đều thể hiện được những cảm nhận và suy nghĩ độc lập. Sự trăn trở, sự đồng cảm, muốn chia sẻ với các bạn nhỏ kém may mắn đã hình thành trong tâm trí non nớt và rất đỗi hồn nhiên của các em.
Phần “hỏi người lớn” cũng diễn ra sinh động. Em Nguyễn Cửu Trà Nguyên, học sinh lớp 6A Trường THCS Ngô Quyền thắc mắc: “Vì sao trẻ em được chăm sóc đặc biệt?”. Bạn Nguyễn Hải Đăng thì có mối quan tâm đối với các bạn nhỏ sống lang thang: “Làm sao đưa các bạn về hòa nhập cộng đồng và đừng lang thang nữa?”. Những “chất vấn” này đã được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số – Gia đình – Trẻ em (UBDS – GĐ – TE) tỉnh Phú Yên Phạm Thị Tương Lai cùng Trưởng Ban dân số và gia đình BĐBP tỉnh Phương Văn Liễu giải đáp tường tận.
Hai giờ đồng hồ của một chương trình giao lưu, dù chưa đủ để chuyển tải thật nhiều nội dung, song cũng đã cho các em sáng tỏ nhiều điều. Em Trần Thị Trúc học sinh lớp 9A, Trường THCS Ngô Quyền tâm sự: Ở diễn đàn này, em được nghe những điều không có trong sách vở, em hiểu về đời sống của các bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình ở nhiều nơi trong tỉnh và khắp mọi miền đất nước. Em cũng thấy được sự quan tâm, thương yêu chăm sóc của tất cả mọi người dành cho chúng em. Tuổi thơ chúng em thật hạnh phúc. Chúng em phải nỗ lực học tập để xứng đáng là thế hệ tương lai và xứng đáng niềm tin của người lớn.
Trong câu chuyện sau diễn đàn, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Phú Yên đại tá Nguyễn Trúc Thơm và Phó Chủ nhiệm UBDS – GĐ – TE Phạm Thị Tương Lai còn trao đổi rút kinh nghiệm về những hoạt động chăm sóc trẻ em nghèo vùng biển của tỉnh trong thời gian qua như: hiệu quả của việc BĐBP mở các lớp học tình thương, việc các thầy thuốc BP tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em vùng biển, làm giấy khai sinh cho các cháu ở những gia đình khó khăn; đồng thời bàn bạc kế hoạch sắp tới với hàng loạt chương trình trợ lực, nâng đỡ trẻ em ở những làng biển…
PHƯƠNG OANH