Thời gian qua, ngành Y tế có nhiều hoạt động truyền thông thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người trong độ tuổi sinh đẻ. Qua đó giúp họ lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, an toàn cho sức khỏe tình dục và sinh sản, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Ngày càng có nhiều biện pháp an toàn, hiện đại
KHHGĐ là một trong những giải pháp quan trọng trong mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc. Để thực hiện KHHGĐ, một trong những biện pháp hỗ trợ quan trọng là áp dụng các biện pháp tránh thai. Và với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay có rất nhiều biện pháp an toàn được áp dụng phổ biến.
Năm 2023, Phòng Dân số phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) - KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số cho lao động nữ làm việc tại một số doanh nghiệp; khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước đó, năm 2022, Sở Y tế triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số tại 105/110 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã triển khai gói dịch vụ này cho gần 52.000 người. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nói riêng về công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ.
Chị Ksor Hờ Rinh, cán bộ Đài Truyền thanh - Dân số - Gia đình và Trẻ em xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Các hoạt động truyền thông được tổ chức rộng rãi giúp phụ nữ nâng cao hiểu biết về chăm sóc SKSS-KHHGĐ; chủ động thời gian sinh, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra, Qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, tạo điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế. Đồng thời, phụ nữ cũng được đảm bảo sức khỏe và chủ động cuộc sống của mình hơn”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Trưởng phòng Dân số (Sở Y tế) cho biết: Xã hội ngày càng hiện đại, biện pháp tránh thai cho cả nam và nữ càng được cải tiến mà không ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Nam giới có thể sử dụng các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, thắt ống dẫn tinh để tránh thai. Trong đó, biện pháp thắt ống dẫn tinh triệt sản mang lại hiệu quả cao nhất, không xâm lấn ổ bụng, đơn giản dễ thực hiện. Trường hợp muốn có thai lại, bác sĩ sẽ nối lại ống dẫn tinh, sinh sản như bình thường. Nữ giới có thể sử dụng biện pháp đặt vòng tránh thai, dùng thuốc uống tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai, miếng dán tránh thai, triệt sản nữ…
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, áp dụng các biện pháp tránh thai là quyết định tự nguyện, tùy thuộc vào sự lựa chọn của các cặp đôi sau khi được tư vấn bởi chuyên gia để chọn cho mình biện pháp phù hợp, hiệu quả nhất.
Đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai
Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS; cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây được coi là một trong những giải pháp huy động đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới, cũng như giúp đảm bảo chất lượng và đa dạng hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS-KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Để người dân thay đổi thói quen, thái độ, hành vi và chấp nhận chi trả khi sử dụng các phương tiện tránh thai, thời gian qua, Sở Y tế Phú Yên đã tăng cường truyền thông về sản phẩm, vận động người dân tham gia chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai dưới nhiều hình thức. Trong đó, hoạt động tư vấn, nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, chiếu video; thành lập các CLB “Tiền hôn nhân”, “Phụ nữ không sinh con thứ ba”… từng bước mang lại hiệu quả tuyên truyền rõ rệt, giúp số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, góp phần giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Thành tựu từ công tác KHHGĐ góp phần giúp Phú Yên đạt và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2009 cho đến nay.
Nhằm bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình “Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030”.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng. Tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025, đạt 55% năm 2030; giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn…
KHHGĐ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, giúp họ có thể chủ động hơn trong việc mang thai và giảm đáng kể nguy cơ phải sử dụng các phương pháp nguy hiểm cũng như đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Trưởng phòng Dân số (Sở Y tế Phú Yên) |
THÁI HÀ