Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em có 23 quyền, trong đó có quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp. Các quyền này phải được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.
Lắng nghe tưởng chừng là một nhiệm vụ đơn giản nhưng lại không dễ dàng, bởi cha mẹ cần trang bị nhiều kỹ năng, sự kiên nhẫn, thái độ tích cực cùng những thay đổi cần thiết của bản thân để những lợi ích của trẻ em luôn được coi trọng và bảo vệ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, chuyên viên Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) nhìn nhận: Lắng nghe là một cách để người lớn hiểu và xây dựng mối quan hệ với trẻ em cũng như để xác định nhu cầu, từ đó có sự hỗ trợ trẻ đúng thời điểm.
Thế nhưng, không phải lúc nào người lớn hoặc cha mẹ cũng biết lắng nghe con cái. Không ít trường hợp cha mẹ áp đặt, bắt trẻ phải làm theo ý của mình mà không quan tâm đến suy nghĩ của trẻ.
Chị Trần Thị Thanh Hằng (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) cho rằng con còn nhỏ, mình phải dạy bảo để chúng nên người; con cái phải lắng nghe người lớn thì mới phát triển được, chứ không thể ngược lại.
Trong khi đó, em Lê Thanh Phong (phường 5, TP Tuy Hòa), gọi đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em của Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh (02573.890000), thổ lộ: Thật sự em không thể chịu đựng nổi cha mẹ, luôn áp đặt em phải làm cái này, phải làm cái kia theo ý cha mẹ mà không hề lắng nghe hay quan sát em muốn gì. Em có nói ý nguyện của mình ra cha mẹ cũng không đồng ý.
Theo các chuyên gia tâm lý, lắng nghe là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp mà nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua khi tiếp xúc với con. Trong khi đó, nhu cầu được lắng nghe lại là yếu tố hàng đầu để con cảm thấy lời nói, hành động của mình được cha mẹ coi trọng.
Chị Diệp Thị Lan (phường 4, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Con trai tôi học lớp 8, đang tuổi dậy thì, nhưng cháu ít giao tiếp với các bạn trai mà hầu như chỉ giao tiếp với các bạn nữ. Vì thế, một số bạn trêu chọc giới tính. Cháu về nhà buồn, tôi có hỏi, cháu kể vậy và nghĩ mình bất ổn về giới tính. Tôi cũng lo lắng, lên mạng tìm hiểu và dò hỏi về tâm lý tuổi dậy thì. Sau đó, tôi cho cháu tham gia các lớp ngoại khóa vận động như bơi lội, võ thuật để có cơ hội tiếp xúc với các bạn nam và thể chất mạnh mẽ hơn. Từ đó, cháu ổn định tâm lý và chú tâm học hành”.
Ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh cho biết năm 2023, trung tâm đã tư vấn 40 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do xung đột gia đình… Theo ông Lê, cha mẹ cần thường xuyên tâm sự, trò chuyện cùng con cái. Được cha mẹ lắng nghe là cơ hội để trẻ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình và có thể thúc đẩy cảm giác hạnh phúc.
HOÀNG LÊ