Thứ Sáu, 22/11/2024 23:43 CH
Bám nghề truyền thống, đổi đời cho thúng chai
Chủ Nhật, 21/04/2024 13:00 CH

Anh Trương Văn Dũng dùng chày giã cho mê lọt xuống hầm để lận thúng. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Thôn Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An) có nghề truyền thống đan thúng chai. Những chiếc thúng chai được làm bằng tre có sức hút kỳ lạ, không chỉ đối với người dân trong nước mà cả du khách nước ngoài. Nhiều đoàn nhiếp ảnh, du lịch từng đến đây tham quan, sáng tác ảnh.

 

Trước đây, thúng chai được người dân dùng để đánh bắt cá gần bờ hoặc vận chuyển lương thực, thực phẩm từ bờ ra các tàu thuyền neo đậu ngoài biển. Còn nay, hầu hết sản phẩm được đưa đến Đồng Tháp, Tiền Giang, Đà Lạt (Lâm Đồng)... phục vụ du lịch.

 

Nhà 3 người bám nghề

 

Cách đây 10 năm, làng nghề đan thúng chai nằm cạnh sông Nhân Mỹ này rất đông người làm nghề. Qua thời gian, nghề đan thúng chai truyền thống cho thu nhập thấp, không cạnh tranh được với thúng làm bằng nhựa nên nhiều người bỏ nghề. Hiện chỉ còn 5 nhà còn giữ nghề truyền thống này. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Cộng (70 tuổi) có 3 người: con dâu Nguyễn Thị Diễm vót nan, con gái Nguyễn Thị Hà đảm nhận khâu đan mê, còn ông Cộng lận thúng. Ông Cộng cũng là người lớn tuổi nhất trong thôn quyết không bỏ nghề đan thúng chai.

 

Chị Nguyễn Thị Diễm cầm rựa vót nan chia sẻ: Thời gian qua, nghề làm thúng chai truyền thống thu hút khách du lịch. Hôm rồi có người ngoài Hà Nội gọi điện thoại vào hẹn tuần nữa có đoàn đến quay phim, chụp ảnh. Không chỉ người trong nước mà trước đây một đoàn khách nước ngoài đến tham quan cũng rất thích thú.

 

Cũng theo chị Diễm, người đan thúng chỉ cần đăng hình chiếc thúng bằng tre lên mạng xã hội, sau đó sẽ có người ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Đà Lạt… hỏi mua. “Tôi thấy ở lễ hội Hoa Đà Lạt họ đặt cái thúng chai giữa vườn hoa để trang trí, trong thúng chở chậu hoa. Có chiếc thúng họ dựng đứng, bên ngoài để hàng ghế cho khách ngồi ngắm hoa, chụp hình. Hôm rồi tôi vào TP Tuy Hòa thấy một quán ăn cũng dựng thúng đứng rồi đặt vào băng dài cho du khách ngồi”, chị Diễm nói.

 

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Hà, con gái ông Cộng đang ngồi đan mê. Vì nan đan thúng bằng cật tre, rất cứng nên trước khi đan, chị Hà tưới nước cho mềm để dễ đan. Sau đó, chị dùng chạm để thúc cho nan mê chặt rồi chặt bỏ phần đầu nan thừa. Công đoạn tiếp theo là lận thúng.

 

Chị Nguyễn Thị Hà dùng chai nhựa đựng nước tưới cho mềm nan rồi đan, thúc, chạm mê thúng. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Làm công ăn theo sản phẩm

 

Chúng tôi quan sát anh Trương Văn Dũng thực hiện công đoạn lận thúng. Để lận được cái thúng, anh Dũng đặt cái mê trên mặt hầm đất hình tròn rồi dùng chày giã cho nó lọt xuống đáy. Anh tiếp tục giã cho phần bụng thúng ép sát vào vách đất rồi điều chỉnh miệng thúng. Lúc đầu đưa mê xuống hầm, miệng thúng há to; sau đó, anh Dũng dùng xà beng kéo vành thúng rồi cuốc đất bỏ vào ép miệng thúng nhỏ lại cho đến khi tròn miệng và bằng vành đáy phía dưới hầm.

 

Vừa làm anh Dũng vừa giải thích: Lận thúng trong hầm đất là khâu quan trọng vì nó quyết định kích cỡ và thẩm mỹ của cái thúng. Phải lấy đất cho đủ thúng, tức là vành trên bằng vòng chu vi dưới đáy thúng. Tiếp theo là tròng vành tre trên miệng thúng rồi gọt đầu nan cho tròn trịa.

 

“Nếu không có hầm đất thì không tài nào làm cho thúng tròn trịa. Sau khi nức cước vành xong, chúng tôi để thúng nằm hầm một ngày cho ổn định, cứng cáp rồi đem lên trét phân bò để khô, sau đó quét dầu rái là xong”, anh Dũng nói.

 

Ngồi nghỉ ngơi, nhâm nhi ly nước trà, anh Dũng nhớ lại, hồi trước ở làng đan thúng Phú Mỹ này có nhiều người tay nghề rất cứng trong khâu lận thúng. Nhưng nay thúng không “ăn” mạnh như trước nên họ bỏ nghề đi làm thợ hồ, gánh dưa. Trong số những hộ làm nghề đan thúng chai chỉ có gia đình ông Cộng tự quảng bá tiêu thụ, còn lại như anh và một số gia đình khác làm công cho một cơ sở kinh doanh. “Cơ sở này ở phía dưới cầu Nhân Mỹ, cạnh quốc lộ 1, nên thuận lợi cho khách du lịch tham quan, giao dịch mua bán thúng”, anh Dũng cho hay.

 

Bà Phan Thị Mười, một người còn giữ nghề đan thúng chai chia sẻ: Tôi chẻ tre, vót nan cho cơ sở kinh doanh thúng, ăn theo sản phẩm. Vót đủ đan một cái mê là 100.000 đồng, còn công đan 100.000 đồng/mê, riêng công lận thúng 200.000 đồng/chiếc.

 

Theo bà Đỗ Thị Thúy Vân, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Tuy An, địa phương khuyến khích cơ sở, hộ gia đình giữ gìn và phát triển làng nghề đan thúng chai truyền thống; đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm, tăng sức tiêu thụ, từ đó tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập tương xứng cho người dân địa phương gắn bó với nghề này. 

 

Làng nghề thúng chai Phú Mỹ đã đón nhiều đoàn nhiếp ảnh, du lịch đến tham quan, sáng tác và không ít tác phẩm đoạt giải thưởng ở các cuộc thi nhiếp ảnh. Làng nghề này nằm sát bên con sông Nhân Mỹ nước trong xanh là điều kiện để địa phương hình thành điểm đến hấp dẫn du khách gắn với nghề đan thúng chai truyền thống.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Ngọc Minh, nguyên cán bộ Sở VHTT&DL tỉnh

 

MNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek