Những ngày qua, trời lúc nắng lúc mưa, nông dân tranh thủ ra đồng gặt lúa chét. Một số người gặt lấy hạt, còn phần rơm và lúa sữa cho bò ăn; có người bán lúa chét cho vịt chạy đồng.
Thức ăn cho bò và vịt chạy đồng
Trên cánh đồng thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), lúa chét có nơi vừa ngậm sữa, có đám chín đỏ đuôi, nhiều nông dân tranh thủ gặt cho xong. Ông Lê Văn Lo vừa gặt xong đám lúa nhận đầy 3 bao tải, vác chất lên bờ rồi dùng xe máy chở về cho bò ăn. “Ở đây ruộng trũng, tranh thủ cắt sớm nếu không mưa lớn lũ về sẽ bị ngập nước bạc, hôi bùn bò không ăn”, ông Lo cho hay.
Vợ chồng bà Bùi Thị Hiền cũng đang gặt lúa chét gần đó, cho hay: Lúa chét là lúa tái sinh, mọc thưa thớt nên dùng câu liêm quơ 3 lần mà vẫn không đầy một nắm. Đám ruộng gia đình tôi 1,5 sào, ước chừng cắt đầy 5 giỏ tre. Lúa chét vừa ngậm sữa rất bổ dưỡng; rạ còn tươi có nhiều chất bổ hơn rơm khô, bò rất thích ăn.
Trên cánh đồng thôn Định Trung 2, xã An Định (huyện Tuy An), nhiều người cũng đội mưa tranh thủ ra đồng gặt lúa chét. Ông Nguyễn Tùng chia sẻ: Lúa chét nứt ra từ gốc rạ cũ, đâm rễ, lên lá xanh, thời gian sau làm đòng rồi trổ gié.
Để có ruộng lúa chét, ngay từ đầu, sau khi thu hoạch vụ hè thu phải dùng cây bẹo, không cho vịt chạy đồng tràn vào làm hư lúa mầm. Đám ruộng của tôi gần sông, phù sa nhiều nên lúa chét phát triển như chính vụ, khi trổ đòng, gié lúa dài gần gang tay.
Tôi cắt về đạp lấy hạt lúa chín, còn hạt xanh sát cậy để cho bò. Đạp một nửa bỏ một nửa mà mót được 2 thúng lúa. Lúa này không tốn giống, phân, công chăm sóc nên gọi là lúa trời cho.
Cũng theo ông Tùng, thời gian này, bà con nông dân ai cũng tranh thủ ra đồng cắt lúa chét, chuẩn bị cày ải, sạ vụ đông xuân. Có đám lúa chét, chủ ruộng không nuôi bò thì bán cho những người nuôi vịt chạy đồng. Trước đây, giá bán từ 100.000- 150.000 đồng/sào, nay giá lúa lên nên bán được 200.000 đồng/sào, tùy theo lúa tốt xấu, gié nhiều hay ít.
Nông dân thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân cày vùi gốc rạ sau khi cắt lúa chét. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM |
Vệ sinh đồng ruộng
Theo bà con nông dân, mỗi năm chỉ có một mùa lúa chét, đó là thời gian thu hoạch vụ lúa hè thu kết thúc, ruộng đồng bỏ hoang qua mùa mưa lũ, chờ sản xuất vụ đông xuân.
Ông Lê Văn Kim ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa chia sẻ: “Gặt lúa chét là một biện pháp vệ sinh đồng ruộng, thu dọn phần thân lúa, thuận lợi cho việc cày vùi gốc rạ, khử chua đất. Khi sản xuất vụ đông xuân, lúc bừa sạ không còn rơm rạ lởm chởm trên ruộng, đánh đường nước, rãnh thoát nước dễ dàng”.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, một người nuôi vịt chạy đồng ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) cho biết, ruộng lúa chét được bán để cho vịt ăn không chỉ vùi được gốc rạ xuống nước mau mục mà còn tiêu diệt được ốc bươu vàng.
Theo Sở NN-PTNT, sau khi gặt xong lúa chét, bà con nông dân cần tiến hành cày dầm sớm để ủ mục gốc rạ, đồng thời ra quân diệt chuột, ốc bươu vàng và vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ, sản xuất vụ đông xuân.
Vụ này cánh đồng bỏ hoang thời gian dài nên có nhiều mầm bệnh, nông dân cần thực hiện tốt các khâu làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng để diệt mầm mống sâu bệnh lây lan. Các địa phương cũng cần theo dõi sát tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ phù hợp; chỉ đạo bà con nông dân xuống giống tập trung, gọn, chủ động tiêu thoát nước, không để ngập úng.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện công tác phòng trừ dịch hại; phổ biến các biện pháp diệt cỏ, chuột và ốc bươu vàng để người dân biết, thực hiện hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, vụ lúa đông xuân, nông dân cần áp dụng các phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý, giảm lượng giống sạ ít hơn 100kg/ha. Đối với vùng chủ động tưới tiêu nước, bà con có thể sạ theo hàng, sạ thưa với lượng giống 60- 80kg/ha và 40-50kg/ha đối với giống lúa lai.
Đồng thời đẩy mạnh áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”, “công nghệ sinh thái”; tích cực hưởng ứng chiến dịch Tháng diệt chuột hàng năm.
Gặt lúa chét là một biện pháp vệ sinh đồng ruộng, thu dọn phần thân lúa, thuận lợi việc cày vùi gốc rạ, khử chua đất. Khi sản xuất vụ đông xuân, lúc bừa sạ không còn rơm rạ lởm chởm trên ruộng, đánh đường nước, rãnh thoát nước dễ dàng.
Ông Lê Văn Kim ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa |
MẠNH HOÀI NAM