Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác cải cách hành chính (CCHC), UBND tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác này.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận một cửa
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách TTHC, tỉnh luôn quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền; kiên quyết không làm phát sinh chi phí thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật. Việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân phải gắn liền với đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích.
Theo đó, để đổi mới nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC, UBND tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trước tiên là đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa các cấp, tổ chức lại bộ phận này theo nguyên tắc “Mỗi địa bàn hành chính cấp xã chỉ có một bộ phận một cửa nhưng không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết TTHC”. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chuyển bộ phận một cửa của 9 thị trấn, phường vào tiếp nhận tại bộ phận một cửa cấp huyện. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 65 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành thực hiện tiếp nhận tại bộ phận một cửa cấp huyện, mở rộng phạm vi thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho bộ phận này.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: Để góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả CCHC trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng và ban hành, triển khai Bộ chỉ số đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện gắn với đánh giá trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh phối hợp với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ triển khai 31 mô hình điểm thực hiện các nhiệm vụ tại đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với nhiều nội dung, nhiệm vụ mới, đột phá nhằm thực hiện cải cách TTHC. Ngoài ra, tỉnh thí điểm chuyển giao 740 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của 12 sở, ban ngành cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhiệm.
Theo Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy, việc đổi mới trong giải quyết TTHC có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao chỉ số CCHC. Do đó, thành phố đã đẩy mạnh đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, nhất là thực hiện mô hình điểm liên thông TTHC về đất đai với cơ quan thuế, đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân. Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố được tiếp nhận theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Hướng đến sự hoàn thiện
Xác định CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng là một quá trình liên tục tìm cách làm mới, hướng đến sự hoàn thiện, khoa học hơn, đảm bảo quy định nhưng quy trình, cách thức thực hiện càng đơn giản càng tốt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Theo đó, UBND các cấp và người đứng đầu các đơn vị chỉ đạo trực tiếp công tác CCHC, gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả thực hiện CCHC, cải cách TTHC của đơn vị, địa phương mình. Đồng thời nâng cao tính năng động, tiên phong, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và ban chỉ đạo chuyển đổi số ở các cấp.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn, việc tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần được đẩy mạnh; phát huy hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội trong CCHC. Thành lập và phát huy vai trò của các tổ công tác ở cộng đồng, nhất là phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong hướng dẫn người dân tiếp cận, thực hiện TTHC, nhất là trên môi trường điện tử, môi trường số. Các cơ quan nhà nước phải chú ý thực hiện kịp thời, đúng quy định việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp, tránh để phản ánh, kiến nghị kéo dài, vượt cấp.
Để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác CCHC, đồng chí Lê Tấn Hổ yêu cầu cán bộ lãnh đạo các cấp và từng cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào bộ máy hành chính nhà nước phải không ngừng quyết tâm, quyết liệt, kiên trì chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ CCHC, từ những việc nhỏ nhất. Cấp ủy, người đứng đầu địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện để kịp thời có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đối với các cách làm, mô hình mới, các cơ quan chức năng cần kịp thời sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để khắc phục các bất cập, phát huy các ưu điểm và nhân rộng.
“Cải cách TTHC ngày nay không thể tách rời ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Mặc dù còn khó khăn nhưng tỉnh quyết tâm dành nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực này trong thời gian đến”, đồng chí Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.
PHẠM THÙY