Nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống, nhiều tổ chức, hội nhóm đã hỗ trợ con giống, vật nuôi, trang bị kiến thức sản xuất, giúp họ phát triển kinh tế gia đình.
Cha mẹ mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, một mình Hờ Xưa phải vất vả nuôi em ăn học. Cô gái người dân tộc thiểu số ở buôn Chơ (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) này mới bước qua tuổi trăng tròn nhưng đã có gần 6 năm là trụ cột của gia đình. Việc học hành dở dang, ngày nào Hờ Xưa cũng lên rẫy, đi nhổ cỏ thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hai tháng trước, được nhóm Thiện tâm Tuy Hòa tặng 2 con bò giống trị giá 20 triệu đồng, Hờ Xưa vui lắm. Sáng nào Hờ Xưa cũng cùng em trai dậy sớm mang gùi ra bờ ruộng cắt cỏ mang về cho bò ăn. Ngoài ra, hai chị em còn tận dụng mảnh đất cạnh căn nhà sàn cha mẹ để lại để trồng cỏ, làm nguồn dự trữ thức ăn cho bò trong mùa mưa. “Có bò để nuôi, hai chị em vui lắm. Đây là tài sản lớn nhất từ trước đến nay mà chị em em có được. Em rất biết ơn cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã tạo điều kiện giúp đỡ chúng em”, Hờ Xưa chia sẻ.
Bà Rơ O Nhoen, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Pa cho biết: Hờ Xưa vất vả nhiều năm qua, phải vừa làm cha, vừa làm mẹ cho em trai của mình. Địa phương và các hội đoàn thể luôn tạo điều kiện giúp đỡ hai chị em, nhưng cũng chỉ phần nào. Từ hôm Hờ Xưa được tặng 2 con bò giống và nhiều vật dụng sinh hoạt hàng ngày, bà con trong buôn ai cũng mừng cho Hờ Xưa. Đây là “cần câu”, tạo sinh kế để chị em Hờ Xưa có nguồn thu nhập ổn định.
Hai hộ nghèo Rơ Ô Đơn ở buôn Thu và Ksor Y Quang ở buôn Lé A (xã Krông Pa) cũng vừa được Văn phòng Tỉnh ủy tặng mỗi hộ 1 con bò giống trị giá 20 triệu đồng/con từ nguồn vận động được. Hơn 3 tháng nay, cả hai gia đình đều chăm sóc bò chu đáo, nên con nào cũng mượt lông, nhanh lớn. “Nhà mình rất vui vì có bò để chăn nuôi. Sắp đến bò sẽ sinh sản, gia đình mình rồi sẽ không còn nghèo. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cơ quan đã giúp đỡ gia đình mình và nhiều bà con nghèo khác”, Ksor Y Quang thổ lộ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa, muốn hộ nghèo thoát nghèo thì phải tìm hiểu mong ước của họ để giúp đỡ. Và việc hỗ trợ bò giống chính là trao “cần câu” hợp lý, giúp các hộ nghèo ở nông thôn, miền núi có điểm tựa để vươn lên.
Tại thôn Phú Ân (xã An Phú, TP Tuy Hòa), gia đình các bà Đặng Thị Mênh, Nguyễn Thị Hấn và Nguyễn Thị Xuân Mai đều là những hộ nghèo. Mới đây, đại diện 4 cơ quan, đơn vị gồm: UBND phường 7, UBND xã An Phú, Công an TP Tuy Hòa và Ban CHQS TP Tuy Hòa đã đến tận nơi tặng mỗi gia đình 1 con bò giống, trị giá 20 triệu đồng/con nhằm giúp các hộ nghèo này phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Bà Đặng Thị Mênh có 2 đứa con đều bị khuyết tật nên chỉ quanh quẩn trong nhà. Để đắp đổi qua ngày, ngoài làm thuê làm mướn, bà trồng mấy luống rau trong vườn, nuôi vài con gà cải thiện bữa ăn hàng ngày. Được tặng con bò giống có bộ lông màu đen mượt, chân cao, vóc dáng khỏe khoắn, bà Mênh phấn khởi nói: “Cả nhà tôi vui lắm, nghe xã thông báo được tặng bò, mấy đêm liền không ai ngủ được. Vợ chồng tranh thủ làm chuồng, quây bạt che kín gió để đón bò về”.
Gia đình bà Trần Thị Kim Liên ở khu phố 4 (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện hỗ trợ 15 triệu đồng. Với nguồn vốn này và được sự tư vấn của đơn vị hỗ trợ, bà Liên mua gần 100 con gà giống về nuôi. “Thức ăn cho gà là cám trộn rau nên gà rất nhanh lớn. Sau 4 tháng, tôi xuất bán và thu lãi gần 20 triệu đồng. Mừng lắm!”, bà Liên thổ lộ.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Sông Hinh, con gái út của bà Liên bị khuyết tật do di chứng chất độc da cam. Vượt lên hoàn cảnh ngặt nghèo, bà cùng chồng chăm chỉ làm rẫy, trồng sắn, mía, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên cuộc sống dần ổn định.
Được biết, từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ các cấp và các cơ quan, đơn vị, hội nhóm thiện nguyện, gần 1.300 con bò giống đã được trao tặng cho các hộ nghèo ở các địa phương trong tỉnh, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
KIM LIÊN