Thứ Năm, 28/11/2024 06:40 SA
Nuôi bò ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chủ Nhật, 05/11/2023 07:00 SA

Khi mặt trời lên cao chừng cây sào, mọi người lùa bò đi chăn. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số 3 huyện miền núi của tỉnh, gia đình nào cũng trồng sắn, đậu, mía… để trang trải, đắp đổi qua ngày. Nhà nào có vốn thì nuôi thêm bò để kiếm thêm thu nhập.

 

Gùi cơm chăn bò xuyên trưa

 

Mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên cao hơn cây sào, từ thôn Thống Nhất (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa), ông Ksor Y Ron cùng vài người nữa lùa đàn bò đi chừng 3 cây số ra bờ sông Ba chăn thả. Chăn bò cả ngày nên họ dỡ cơm và mang theo nước uống đựng trong giỏ kẹp hoặc đặt trong chiếc gùi đung đưa. Cơm thường được gói trong những tàu lá chuối non, với thức ăn chủ yếu là muối ớt và cá khô mặn. Khi đàn bò bắt đầu ung dung gặm cỏ, họ chọn một chỗ ngồi có bóng mát mắt dõi theo chúng trên những doi đất, bãi bồi.

 

Y Ron cho biết: Mùa mưa này ngày nào cũng vậy, sáng thức dậy, tôi ăn cơm no nê rồi lùa bò đi. Chăn bò chạy đồng, hôm thì thả ăn dọc bờ sông Ba, hôm thì lùa qua cánh đồng bỏ hoang có nhiều cỏ chân vịt, cỏ chỉ lên xanh tràn qua bờ ruộng. Mùa này ruộng xăm xắp nước, cỏ hôi bùn nên bò kén ăn. Chỗ bờ ruộng gối đầu lên bờ mương rộng bằng nửa đường bừa, cỏ không bị ngập nước bò gặm vài giờ là no.

 

Dọc theo sông Ba, những doi đất phù sa mùa này cỏ lên xanh tốt. Ma Bi ở thôn Xây Dựng (xã Suối Trai) chăn thả đàn bò ăn cỏ ở gần đó nói rổn rảng: “Chăn bò có bí quyết ngồi đón đầu để chúng không đi lạc. Đó là chỗ bờ sông giáp với soi mía, cỏ gọng vó lên cao ngã nhào xuống bờ ruộng nên bò tìm đến ăn. Mình chỉ cần ngồi sẵn ở đó chờ. Khi bò đến gần đám mía thì chặn lại, không cho chúng chui vô, lạc trong đó khó mà tìm ra. Còn nếu ngồi ở xa, khi phát hiện chạy đến không kịp”.

 

Nuôi bò thời @

 

Bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) cũng dỡ cơm chăn bò. Bà Hờ Niếu ở thôn Phú Tiến 1 đựng gói cơm, chai nước trong cái gùi đung đưa sau lưng, lùa đàn bò 6 con lớn nhỏ lên rẫy, cho hay: “Tôi chỉ có 3 con, 3 con còn lại của con gái bận chăm con nhỏ nên gửi luôn. Ở gần nhau thì chăn bò vần công qua lại. Cứ 2-3 nhà, tùy theo số lượng bò, cử một người lùa bò đi chăn một ngày, đỡ tốn công”.

 

Cũng theo bà Hờ Niếu, những năm trước, bà con thường chăn thả bò dưới sườn núi, trong các khe cạn để bò tự kiếm ăn, mười ngày, nửa tháng mới đi thăm. Cách chăn thả rông này bò dễ bị lạc mất và bệnh chết. Việc làm chuồng nuôi nhốt, rồi lùa bò ra đồng, lên rẫy thả ăn có người chăn, được áp dụng nhiều năm qua. Ban đầu chỉ vài gia đình thực hiện, sau thấy có hiệu quả nên nhiều người làm theo.

 

Người miền núi nuôi bò ngoài bán thịt còn dùng làm sức kéo. Nói về nghề cày bừa bò, ông Ma Khiêm ở thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Đất ruộng thì cày máy còn đất rẫy trên giồng dưới dốc chỉ có cày bằng bò. Vì vậy, nhiều người gọi chúng là cái máy cày rẫy.

 

Còn ông Ma Hay ở thôn Phú Tâm (xã Xuân Quang 1), ngồi chăn bò bàn chuyện nuôi bò thời @: Ở đây hầu như gia đình nào cũng nuôi bò làm vốn. Con bò giống như cây ATM di động, kẹt tiền kêu bán lúc nào cũng có người mua. Bán bò chỉ cần liên lạc qua điện thoại, dứt giá xong thương lái đến chồng tiền liền.

 

Cũng theo Ma Hay, trước đây người dân ở địa phương này không thích nuôi bò lai. Vì bò lai thường có vệt màu trắng ở trán, loang lổ dưới cổ, trong khi dân gian có câu: “bướm trán, lang o ra gò xẻ thịt”. Bò lai còn bị chê kén ăn. Cỏ voi, cỏ tây trồng trên cao bò mới nhai, còn cỏ dại ngập lụt hôi bùn nó không ăn.

 

“Về sau, người dân nhận thấy bò lai có ưu thế là ăn khỏe mau lớn, bung đùi đổ thịt, nuôi giáp năm bằng bò cỏ nuôi 1,5-2 năm. Bà con chuyển sang nuôi bò lai từ sau khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh về đây tập huấn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, người dân gọi là nuôi bò lai thời @. Mỗi khi gia đình nào có đám giỗ, đám cúng nhà, mời khách đến dự, câu chuyện bò lai được đưa lên hàng đầu. Nhiều người nuôi bò lai cỏ, lai sind nên giờ chúng đứng chật chuồng”, Ma Hay chia sẻ. 

 

Những năm gần đây, người chăn nuôi chuyển hướng sang nuôi bò lai, áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, gắn với kiểm soát dịch bệnh. Người miền núi cơ cấu lại vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, chú trọng nâng cao chất lượng đàn giống, nên chất lượng đàn vật nuôi được nâng lên. Đàn bò của tỉnh gần 160.000 con, tỉ lệ đàn bò lai chiếm trên 74% tổng đàn.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek