Thứ Năm, 28/11/2024 06:27 SA
Mùa mưa, mưu sinh trên đầm Ô Loan
Thứ Bảy, 04/11/2023 21:15 CH

Những ngày qua, trời mưa lớn, nước sông Gò Bùn, một nhánh của sông Kỳ Lộ, chảy qua cầu Lò Gốm đổ về đầm Ô Loan khiến cua, tôm bị sốc nước ngọt trồi đầu lên. Người dân các xã quanh đầm như An Cư, An Hiệp, An Ninh Đông và An Hòa Hải (huyện Tuy An) xuống đầm mưu sinh.

 

Thu mua cua ven đầm Ô Loan. Ảnh: LÊ TRÂM

 

Cua đầm ngày càng cạn kiệt

 

Ông Bùi Văn Thanh ở xã An Ninh Đông vừa đi thả lưới xuyên đêm ở đầm Ô Loan trở về, cho hay: Thường từ cuối tháng 9 đến nửa tháng 12 âm lịch là mùa lụt, cũng là thời điểm cua, tôm đất ở đầm Ô Loan bắt đầu rạy, sinh sản tự nhiên, lớn dần. Người dân ven đầm nhờ có nguồn hải sản này trang trải cuộc sống. Những ngày vừa qua mưa lớn, nước sông Gò Bùn đổ về nhiều làm cho cua, cá trong đầm sốc nước ngọt trồi đầu lên. Đêm đêm ngư dân chèo sõng ra giữa đầm thả lưới, đóng chấn bắt cua, đến sáng quay về.

 

“Hồi trước vào mùa mưa, chúng tôi chỉ cần ra hồ nuôi tôm dùng vợt vớt cua bị sốc nước lụt. Nhiều người bắt được những con cua nặng gần nửa ký. Có đêm làm siêng đi một lát có thể kiếm được cả triệu đồng. Còn nay bơi sõng ra đến giữa đầm nhưng từ khuya đến sáng cũng chỉ được vài con cua và ít cá bống, cá cháo”, ông Thanh nói.

 

Sau khi cua được mang về, người nhà ông Thanh dùng dây chuối quấn chặt và phân ra từng loại. Cua cái yếm vuông, con lớn bán theo giá cua gạch. Cua đực yếm nhọn, bán giá cua y.

 

Ông Phan Văn Thái ở xóm Đá, xã An Cư vừa đi thăm chấn về, ngồi uống nước trà trước hàng ba, cho hay: Cua cái lớn cỡ 3 lạng trở lên mới có gạch, giá bán hiện nay khoảng 450.000-500.000 đồng/kg. Cua gạch càng lớn thì càng nhiều tiền, còn cua y giá chỉ 200.000-250.000 đồng/kg.

 

Theo bà Bùi Thị Linh, một người chuyên mua cua ở đầm Ô Loan, sáng sáng, bà đi ven đầm từ xã An Cư qua xã An Hiệp mua cua, chỗ này vài ký, chỗ kia vài ký, gom lại rồi đi bỏ mối. Thời gian gần đây, cua trong đầm thưa dần; người dân chỉ bắt được cua y, cua gạch rất hiếm.

 

Người dân làm bè nổi thả nuôi hải sản trên đầm Ô Loan, làm cản trở dòng chảy. Ảnh: LÊ TRÂM

 

Do khai thác tận diệt và ô nhiễm môi trường

 

Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, do việc khai thác quá mức cộng với môi trường nước bị ô nhiễm nên không chỉ sò huyết mà cua, tôm trong đầm cũng dần cạn kiệt.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã An Hiệp, có hồ nuôi tôm, cua ở đầm Ô Loan cho rằng ngoài thời tiết làm cho tôm, cua rạy ít đi, nguyên nhân chính là do con người đánh bắt tràn lan theo kiểu tận diệt khiến các loài thủy sản trong đầm ngày càng cạn kiệt. “Tối tối, không ít người dùng lờ bóng Thái Lan đánh bắt. Loại này không chừa con lớn đến con nhỏ, đã lọt vào đó là không có đường sống sót. Tôi thấy họ bắt cua cỡ to bằng đít chén, ly gùi đem bán nên mua lại thả xuống hồ nuôi. Thế nhưng, tôi nuôi cua bị mất của, vì hồ hở, xây bằng đá, nhiều người dùng chất diệt tạp đổ xuống đầm, cộng với ô nhiễm môi trường nên cua chết sạch”, ông Hùng kể.

 

Bà Phan Thị Hiền cũng ở xã An Hiệp, cho hay: Nhà tôi ở cạnh đầm nên biết rõ tôm, cá, cua trong đầm ngày càng thưa dần. Trước đây con cua đực có sải càng dài cả gang tay, còn cua cái đến mùa sinh sản, tháng Giêng, hai âm lịch, dưới yếm vuông chứa bụng con lúc nhúc. Thế nhưng, nhiều người khai thác vô tội vạ, bắt hết cua cái khi mà cua con chưa rời bụng mẹ. Cua đực thì bắt ăn từ lúc còn nhỏ xíu, chưa trưởng thành. Còn nguyên nhân nữa là gần đây lưới mùng thả xuống đầm dày đặc, ngăn cản dòng chảy dẫn đến ô nhiễm môi trường làm cho cua và các loại tôm, cá chết nhiều.

 

“Người lớn cần kể cho thế hệ trẻ biết một thời đầm Ô Loan tôm, cá, cua dồi dào, hấp dẫn thế nào; giáo dục giữ gìn nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan bền vững, không đánh bắt hủy diệt để tôm, cá hồi sinh”, bà Hiền chia sẻ.

 

Thời gian qua, ngành chức năng cũng có giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan. Trung tâm Khuyến nông thả giống các loại thủy hải sản, như sò huyết, cua vào đầm. Cùng với đó, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Tuy An và chính quyền các xã ven đầm phát động chiến dịch trồng rừng ngập mặn tại đầm Ô Loan để vừa làm nơi trú ngụ cho các loại hải sản vừa hấp thu các chất độc hại trong nước, điều hòa khí hậu trong vùng...

 

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, việc trồng rừng ngập mặn sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như cải tạo hệ sinh thái đầm Ô Loan. “UBND huyện đã chỉ đạo các xã ven đầm ngăn chặn tình trạng thả lưới mùng, làm bè nổi thả nuôi hải sản trái phép trên đầm Ô Loan”, ông Hoàng cho biết. 

 

Nhà tôi ở cạnh đầm nên biết rõ tôm, cá, cua trong đầm ngày càng thưa dần. Trước đây con cua đực có sải càng dài cả gang tay, còn cua cái đến mùa sinh sản, tháng Giêng, hai âm lịch, dưới yếm vuông chứa bụng con lúc nhúc. Thế nhưng do nhiều người khai thác vô tội vạ, bắt hết cua cái khi mà cua con chưa rời bụng mẹ. Cua đực thì bắt ăn từ lúc còn nhỏ xíu, chưa trưởng thành.

 

Bà Phan Thị Hiền ở xã An Hiệp, huyện Tuy An

 

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek