Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn vừa giám sát việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (gọi tắt là chương trình) đối với 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh.
Đây là chương trình đầu tư toàn diện nhiều lĩnh vực, nguồn lực đầu tư lớn, đặc thù, với nhiều dự án thành phần, nên trước đó đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ tỉnh đã khảo sát thực tế tại các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), Sơn Hội, Phước Tân (huyện Sơn Hòa), Ea Bá, Ea Trol (huyện Sông Hinh).
Bố trí vốn chưa phù hợp nhu cầu thực tế
Về nhà mới mấy tháng nay, gia đình ông La O Bảy (xã Phú Mỡ) chấm dứt cảnh sống trong nhà dột cột xiêu. Ngôi nhà mới kiên cố, khang trang được xây dựng từ một phần hỗ trợ của chương trình không chỉ giúp gia đình ông an cư mà còn là động lực để người đàn ông sinh năm 1973 này nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ông La O Bảy cho biết: Ngoài 40 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình, gia đình được vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với số tiền dành dụm, chúng tôi mới xây dựng được nhà. Đây là ngôi nhà mơ ước và là động lực để chúng tôi tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, có cuộc sống tốt hơn.
Gia đình ông Bảy là một trong 52 hộ nghèo ở xã Phú Mỡ được nhận hỗ trợ để xây dựng nhà ở từ chương trình. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết: Phú Mỡ được hỗ trợ xây dựng 52 nhà ở (năm 2022 là 22 nhà, năm 2023: 30 nhà) từ chương trình. Kết quả, năm 2022 đã giải ngân đạt 63,64%; năm 2023 đã nghiệm thu 19/30 nhà, đang hoàn thiện thủ tục giải ngân. Việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp họ có nhà ở kiên cố, phấn đấu vươn lên, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo qua từng năm.
Qua quá trình làm việc trực tiếp tại UBND các xã và đi thực tế một số dự án, công trình, hộ gia đình là đối tượng thụ hưởng của các dự án, đoàn khảo sát, giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh nhận thấy đến thời điểm này, chủ yếu chỉ có Dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) được các địa phương cụ thể hóa tương đối hiệu quả. Các dự án khác, việc triển khai còn gặp nhiều lúng túng.
Ông Trần Văn Toản, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hòa cho hay: Thực hiện Tiểu dự án 3 (thuộc Dự án 5) về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phòng được phân bổ hơn 3,4 tỉ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được 171,6 triệu đồng. Năm 2023, toàn huyện chỉ có 261 lao động đăng ký học nghề nên chắc chắn sẽ không thể giải ngân hết kinh phí đã được phân bổ. Điều này cho thấy, công tác bố trí vốn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế.
Cũng rơi vào hoàn cảnh sử dụng không hết nguồn kinh phí được cấp, đại diện hội LHPN các huyện thông tin rằng, kinh phí phân bổ để thực hiện Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em khá nhiều, nhưng vận dụng vào thực tế thì rất ít nên đến nay nguồn này còn rất nhiều.
Đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ tỉnh khảo sát việc xây dựng nhà ở của một hộ nghèo ở xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) được hỗ trợ từ chương trình. Ảnh: CTV |
Tăng cường giám sát, phát hiện những bất cập
Chương trình góp phần nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, đặc biệt sẽ tác động thay đổi căn bản diện mạo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tại các buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền của các địa phương; chất lượng xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình ở cấp xã; đồng thời làm rõ tính đồng bộ, khả thi và tính kịp thời của hệ thống văn bản chỉ đạo của địa phương trong thực hiện các dự án, nguồn vốn giải ngân, tiến độ thực hiện...
Bà Ka Sô Chiểu, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị: Để triển khai nhanh, hiệu quả chương trình, các địa phương cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Mục tiêu của Chính phủ khi triển khai chương trình là không được phép dừng lại, do vậy, các địa phương cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giải ngân các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất. Đối với các đề xuất, kiến nghị, đoàn giám sát sẽ tổng hợp để báo cáo với tỉnh, trung ương, kịp thời có phương án chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới…
Còn bà Trần Thị Vân Anh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: Thực tế khảo sát từ các xã cho thấy, công tác tuyên truyền về chương trình còn hạn chế, chưa thật sự hiệu quả. Nhiều nơi người dân và đối tượng thụ hưởng không biết được hỗ trợ từ chương trình nào của Nhà nước, nên chưa phát huy được công tác giám sát từ cộng đồng. Trong thời gian tới, các địa phương cần chú ý hơn về công tác này.
Khẳng định chương trình là cơ hội mang lại nguồn lực lớn, nguồn lợi thực tế cho người dân, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị các địa phương thụ hưởng phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cả hệ thống cùng nỗ lực tham gia. Trong quá trình thực hiện chương trình, các địa phương phải nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn; bám sát và chú ý các nội dung thực hiện. Việc tổ chức triển khai các nội dung, dự án của chương trình phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện của địa phương. Ưu tiên thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án có tính lan tỏa, phát huy lợi thế của từng địa phương. Đặc biệt, các địa phương phải phối hợp với MTTQ các cấp xây dựng mô hình điểm về công tác giám sát tại cơ sở, chú trọng việc giám sát tại cộng đồng để kịp thời phát hiện những nội dung còn chồng chéo, bất cập; mạnh dạn nêu lên những kiến nghị và theo dõi đến cùng việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát.
“Các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và dư luận xã hội đối với việc thực hiện chương trình để bảo đảm cho việc triển khai, tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn nhấn mạnh.
Qua gần 2 năm thực hiện chương trình, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều địa phương cũng bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương phát huy tốt nhất vai trò giám sát của MTTQ nhằm tạo sự thống nhất cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chương trình được triển khai sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh |
THÚY HẰNG