Lứa tuổi vị thành niên (VTN) đang đối mặt những nguy cơ: quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn; dễ bị xâm hại tình dục dẫn đến dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS; mang thai ngoài ý muốn; phá thai không an toàn... Vì vậy việc chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) ở lứa tuổi này đóng vai trò quan trọng để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, đảm bảo tương lai của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Ăn chưa no, lo chưa tới… đã làm mẹ
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỉ lệ nạo phá thai VTN cao nhất thế giới. Cũng theo tổ chức này, chỉ có 20% phụ nữ chưa kết hôn sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục; tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở nhóm tuổi nữ 15-19 tuổi chỉ đạt 4% và tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn của nhóm này lên tới 8,6%. Các chuyên gia cho rằng, việc gia tăng tỉ lệ có thai tuổi VTN là do người trẻ quan hệ tình dục sớm ngày càng nhiều. Điều này để lại nhiều hệ lụy.
Cuối năm nhất đại học, H.T.H (TP Tuy Hòa) từ TP Hồ Chí Minh về nhà nghỉ hè khi đã mang thai 5 tháng khiến cả gia đình sững sờ. Là sinh viên đang theo học Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, H được gia đình kỳ vọng rất nhiều. Dù vậy, khi đi học xa nhà và thiếu kiến thức bảo vệ bản thân, H đã mang thai. Lúc này, gia đình bạn trai H chần chừ vì con của họ cũng mới là sinh viên năm 3 nên mọi hậu quả H tự gánh chịu. Để sinh và nuôi con, H bảo lưu kết quả học tập, rồi về nhà mẹ. Khi con được 3 tháng, H để con nhà ngoại nuôi, còn mình vào lại TP Hồ Chí Minh tiếp tục đi học. Đến khi bé được 1 tuổi, gia đình bạn trai H từ Vĩnh Long ra thăm nhà, nhận cháu nội và nói về chuyện cưới xin. Dù vậy, H sau nhiều mâu thuẫn với bạn trai quyết định dứt khoát chia tay. Đến nay, con trai H đã vào lớp 3 nhưng chuyện tình cảm của H không đi tới đâu.
Trong 30 năm làm giáo viên, điều buồn nhất với cô N.T.K.V (TX Đông Hòa) chính là việc một nữ sinh chia sẻ riêng tư với cô rằng: “Em có bầu, giờ không biết phải làm sao”. Là giáo viên tâm lý, gần gũi với lớp nên những thay đổi nhỏ của các học sinh đều được cô V chú ý. Một hôm, thấy học sinh lớp 11 thường xuyên uể oải, mệt mỏi, cô gặp riêng hỏi thăm thì bất ngờ nhận được câu trả lời như trên. Hỏi thêm, cô V mới biết bạn trai em là một thanh niên lớn hơn em 2-3 tuổi, lông bông. Cô V sau đó đã liên hệ với gia đình, động viên để em tiếp tục đến trường. Sau khi người lớn biết chuyện, hai gia đình gặp mặt khi đúng tuổi kết hôn. Em học sinh sau khi sinh con cũng quay lại trường nhưng rồi nghỉ giữa chừng. Hai vợ chồng trẻ chẳng biết làm ăn, cãi vã liên miên, 3 năm sau thì ly hôn.
Nói về hệ quả của việc làm mẹ khi vẫn còn là trẻ con, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Trưởng phòng Dân số (Sở Y tế) cho biết, việc làm mẹ ở tuổi VTN, khi chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào dễ khiến các em rơi vào sang chấn tâm lý bởi thiếu hụt cả về thể chất, kỹ năng làm mẹ, kinh nghiệm vượt qua khó khăn. Trẻ cũng mặc cảm trước những điều tiếng của hàng xóm, bạn bè. Chưa kể, các bà mẹ tuổi VTN về sau khó xây dựng mối quan hệ xã hội, đánh mất niềm tin vào cuộc sống vì tự ti hoặc vì định kiến của xã hội.
Hội LHPN xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) chia sẻ các kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ vị thành niên. Ảnh: CTV |
Giáo dục giới tính, không thể qua loa
Xã hội phát triển, trẻ VTN có rất nhiều kênh thông tin để tìm hiểu về giới tính; tuy nhiên, không phải tất cả đều đúng. Vì vậy, VTN cần được chia sẻ, cung cấp những kiến thức chính thống về giới tính để tránh việc hiểu sai lệch dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, giúp các em có ý thức xây dựng cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần, cũng là một sự chuẩn bị tốt cho tương lai.
Thầy Lê Hồng Duy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, cho rằng: Hiện nay, người trẻ chủ yếu nhận được các thông tin về quan hệ tình dục từ mạng xã hội và phim ảnh, các thông điệp tránh thai đang tập trung đối tượng đích là những người đã lập gia đình. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn khi trẻ VTN tiếp cận thông tin về tình dục an toàn và các phương pháp tránh thai. Để trang bị kiến thức chăm sóc SKSS cho học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho các em về vấn đề này. Một thực tế mà gia đình cần chấp nhận là trẻ VTN ngày nay biết về quan hệ tình dục sớm hơn những thế hệ trước, nên người lớn phải quan tâm, để có cách giáo dục phù hợp.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, 2 nội dung chính cần chú ý khi giáo dục trẻ VTN là: Giáo dục kỹ năng kiềm chế và từ chối khi bị lôi cuốn vào quan hệ tình dục; giáo dục để trẻ VTN biết tự bảo vệ khi lỡ quan hệ tình dục sớm như cách phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai. Để làm được điều này, cha mẹ nên gần gũi để nhận biết những thay đổi nơi con, chủ động trang bị cho con những kiến thức về giới tính, nói cho con hiểu rằng tình dục an toàn là sự lựa chọn cần thiết khi trẻ VTN không thể vượt qua được những cảm xúc tình dục. Một khi con cái gần gũi, nhận được lời khuyên kịp thời từ cha mẹ, con sẽ hiểu đến nơi đến chốn và biết cách tự bảo vệ mình, tránh sai lầm và nỗi buồn không đáng có.
Trở lại trường hợp của H. Khi tin H mang thai lan ra nhiều người, H suy sụp một thời gian khá dài. “Tôi ân hận vì làm ba mẹ buồn, xấu hổ; mặc cảm vì những lời xì xào sau lưng; phải giấu giếm và không dám gặp mọi người trong thời gian dài. Tôi cũng buồn cho bản thân vì tương lai, tình yêu đổ vỡ”, H kể. Gần 10 năm trôi qua, con trai H đã lớn. H đã học xong đại học, có việc làm ổn định, thu nhập tốt nhưng rất khó khăn để mở lòng tìm hiểu người khác.
Năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục VTN, thanh niên giai đoạn 2021-2025. Các đợt truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tư vấn cho trẻ VTN, thanh niên về kỹ năng sống liên quan đến SKSS, sức khỏe tình dục; tình dục an toàn, hậu quả của tình dục không an toàn đã được các đơn vị liên quan thực hiện. Để trẻ VTN có đầy đủ kiến thức SKSS, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhà trường, cần nhất vẫn là vai trò của gia đình. |
THÁI HÀ